Về An Giang trải nghiệm du lịch làng bè cù lao Ông Hổ

Du lịch - Ngày đăng : 19:00, 31/08/2024

Rất nhiều ngư dân ở cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) sinh sống bằng nghề nuôi cá bè. Vài tháng trở lại đây, một số ngư dân đã triển khai thêm mô hình trải nghiệm du lịch, có thêm thu nhập ổn định.
Du lịch

Về An Giang trải nghiệm du lịch làng bè cù lao Ông Hổ

Tô Văn {Ngày xuất bản}

Rất nhiều ngư dân ở cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) sinh sống bằng nghề nuôi cá bè. Vài tháng trở lại đây, một số ngư dân đã triển khai thêm mô hình trải nghiệm du lịch, có thêm thu nhập ổn định.

Trở lại làng bè

Hơn 7 giờ 30 sáng 30.8, chị Minh Trang (35 tuổi, ngụ phường Bình Đức, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, là hướng dẫn viên du lịch) cùng tài công lái chiếc vỏ lãi đón chúng tôi tại bến sông ngay chân cầu Cần Xây. Sau khi được trang bị áo phao, đoàn chúng tôi xuất phát từ địa phận phường Bình Đức băng ngang qua sông Hậu để đến làng bè với quãng đường khoảng 3 cây số.

“Mình đi vỏ lãi đến làng bè mất khoảng 20 phút. Khi đến nơi các anh chị sẽ được tham quan làng bè, cho cá ăn và thưởng thức những thủy sản tươi ngon tại bè”, chị Trang thông báo với đoàn.

1-lang1.jpg
Du khách hào hứng khi được tham quan trải nghiệm làng bè cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) - Ảnh: A.T

Chiếc vỏ lãi lướt nhanh trên sông Hậu, nước sông đục ngầu chảy xiết, những chiếc bè cá của ngư dân dân xuất hiện. Đến một bè cá đang neo đậu sát đuôi cù lao Ông Hổ, chúng tôi gặp một người đàn ông da rám nắng và được giới thiệu tên Hùng (ngụ xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên). Ông Hùng đang loay hoay cho cá ăn và cho biết ông là chủ bè cá tại đây và cũng là người theo nghiệp nuôi cá cha mẹ để lại.

Ông Hùng kể, hơn chục năm trước, cha mẹ ông bắt chước những ngư dân ở vùng đầu nguồn huyện An Phú thả nuôi cá hú, cá tra. Con giống chủ yếu khai thác bằng nghề đóng hàng đáy trên sông theo mùa lũ. Năm nào lũ lớn cá giống nhiều vô kể.

“Hồi đó, chưa nắm bắt được kỹ thuật, thuốc men hạn chế nên nguồn cá hao hụt, hiệu quả không cao, nhưng lại kiếm tiền ổn định, bởi lúc đó có ít người nuôi cá nên cá bán được giá. Về sau, thấy con cá hú, cá tra nuôi được, nhiều người kéo về đây đóng bè khiến giá cá bấp bênh đến thời điểm này”, ông Hùng nhớ lại.

Cũng theo ông Hùng, sau khi nối nghiệp cha mẹ, ông và vợ không nuôi cá hú, cá tra nữa mà chỉ nuôi những loại cá có "đầu ra" như cá điêu hồng, cá hô, cá mè vinh, cá rô phi…

3-lang3.jpg
Rất nhiều ngư dân xứ cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) sinh sống bằng nghề nuôi cá bè - Ảnh: Tô Văn
2-lang2.jpg
Ông Hùng đang cho cá ăn - Ảnh: Tô Văn

Qua quan sát, hai chiếc bè cá của ông Hùng neo đậu san sát nhau, mỗi bè rộng hơn 80m2, theo ông Hùng có sức chứa hơn 100.000 con cá mè vinh, cá hô. Mỗi năm thu hoạch, đạt sản lượng trung bình từ 20 - 25 tấn cá thương phẩm. Ngoài 2 bè cá, ông Hùng còn nuôi thêm 8 vèo cá điêu hồng, cá rô phi. Mỗi vèo chứa khoảng 100.000 con. Mỗi lần thu hoạch, đạt trung bình từ 15 - 20 tấn.

Nhờ nuôi bè cá mà gia đình ông Hùng trở nên khấm khá, con cái được ăn học tử tế. Mặc dù quanh năm lấy bè làm nhà, nhưng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Dưới bè có máy phát điện, tivi, dàn karaoke, tủ lạnh và có ghe làm phương tiện giao thông thủy, trên bờ có cả xe máy đi lại.

Trải nghiệm ẩm thực và đời sống bình dị

Từ khi có nghề thủy sản trên các lồng bè, làng bè Mỹ Hòa Hưng dần thu hút khách du lịch. Các hộ dân ở đây nhanh chóng nắm bắt cơ hội dần cải tạo các lồng bè để làm điểm đón khách du lịch đến tham quan và phục vụ các món ăn tươi ngon.

4-lang4(1).jpg
Món cá mè vinh nướng mọi tươi ngon được bắt tại bè phục vụ du khách - Ảnh: Tô Văn
Về An Giang trải nghiệm du lịch làng bè xứ cù lao Ông Hổ - Clip: Tô Văn

Cô gái 35 tuổi tên Trân (một thợ nấu trên lồng bè của ông Hùng) đang tranh thủ dọn thức ăn khi khách vừa rời đi, chia sẻ: “Em và Hùng là bạn rất thân từ học lớp 10. Khi vào đại học mỗi đứa theo đuổi ngành nghề riêng. Từ khi Hùng tâm sự sẽ mở thêm điểm du lịch trải nghiệm trên lồng bè nên em sắp xếp công việc ở TP.HCM về đây chung tay giúp Hùng làm đầu bếp. Lương của em một tháng được Hùng trả công khoảng 5 - 7 triệu đồng.

Việc Hùng triển khai mô hình trải nghiệm du lịch ở đây em thấy khá mới mẻ nên một số ngày trong tuần thì vắng khách. Riêng những ngày cuối tuần khách đến rất đông (chủ yếu bọn em phục vụ đoàn khách lớn), nên chúng em ít khi được thảnh thơi mấy ngày cuối tuần”, Trân bộc bạch.

Trong khi đó, anh David Vũ (Việt kiều Mỹ) chia sẻ: “Khi được trải nghiệm tại làng bè, tôi ấn tượng bởi khung cảnh thiên nhiên đầy hữu tình nơi miền quê sông nước. Một điểm nhấn đặc biệt nữa là những làng bè gắn với nghề truyền thống của người dân địa phương.

Không gian nơi đây thật bình yên và êm ả đến lạ thường khiến cho những ai đặt chân đến đều có cảm giác thư giãn và dường như trút bỏ hết những lo âu của cuộc sống thường ngày”.

Tô Văn