Báo cáo tài chính chỉ ra Telegram là doanh nghiệp khá nhỏ với tương lai không chắc chắn
Thế giới số - Ngày đăng : 19:32, 01/09/2024
Báo cáo tài chính chỉ ra Telegram là doanh nghiệp khá nhỏ với tương lai không chắc chắn
Pavel Durov khó thuyết phục người khác rằng Telegram có giá trị khoảng 30 tỉ USD ngay cả khi không phải ngồi tù ở Pháp.
Tuần này, chính quyền Pháp cáo buộc Pavel Durov, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Telegram, với nhiều tội danh liên quan đến hoạt động bất hợp pháp trên nền tảng của mình, gồm nội dung khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy và giao dịch gian lận. Những tháng trước đó, Pavel Durov nói rằng ông có thể đưa Telegram lên sàn chứng khoán và đưa ra mức định giá 30 tỉ USD cho công ty nhắn tin/mạng xã hội của mình, với hơn 900 triệu người dùng.
Mới đây, tờ Financial Times cho biết đã xem xét tình hình tài chính năm 2023 của Telegram và những con số khiến công ty khó thuyết phục người khác rằng nó có giá trị khoảng 30 tỉ USD, ngay cả khi Pavel Durov không phải ngồi tù.
Năm ngoái, Telegram đã lỗ 108 triệu USD trên doanh thu 342 triệu USD, theo Financial Times.
Không có gì lạ khi các hãng công nghệ tiêu dùng phát triển nhanh lại thua lỗ khi lên sàn chứng khoán. Twitter rơi vào cảnh tương tự vào năm 2012 và Reddit cũng vậy trong năm 2024.
Dấu hiệu cảnh báo lớn hơn với Telegram là cơ cấu kinh doanh được báo cáo. Trong khi chỉ có khoản tiền khiêm tốn từ các nguồn thu truyền thống của mạng xã hội như quảng cáo và đăng ký trả phí, Telegram kiếm được 40% tổng doanh thu từ các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử, theo Financial Times.
Telegram vận hành một ví kỹ thuật số nơi người dùng có thể lưu trữ tiền điện tử và các loại tiền tương tự, đồng thời bán các vật phẩm sưu tầm kỹ thuật số, như tên người dùng, cho người xài ứng dụng. Hoạt động kinh doanh đó dường như chủ yếu diễn ra trên Toncoin, một loại tiền điện tử ban đầu do Telegram xây dựng.
Financial Times lưu ý những điều đó khiến Telegram có vẻ giống "công ty tiền điện tử có hoạt động phụ là nhắn tin". Telegram không trả lời khi được đề nghị bình luận.
Bạn có thể xây dựng một doanh nghiệp là trung tâm giao dịch tiền điện tử và điều đó khá có giá trị, chẳng hạn Coinbase hiện có giá trị khoảng 45 tỉ USD. Song việc yêu cầu các nhà đầu tư quyết định xem Telegram có phải là công ty truyền thông xã hội như Twitter, ứng dụng nhắn tin kiểu WhatsApp hay thứ gì đó khác, với sự phụ thuộc vào một loại tiền điện tử không phổ biến, sẽ là điều thực sự khó khăn.
Mức định giá mà Pavel Durov đề xuất cho Telegram không phù hợp với thực tế về quy mô và doanh thu hiện tại của công ty. Ví dụ, Coinbase kiếm được một khoản lợi nhuận nhỏ vào năm 2023 với doanh thu là 2,9 tỉ USD. Trước khi được Elon Musk mua lại vào tháng 10.2022 với giá 44 tỉ USD, Twitter (hiện là X) có giá trị khoảng 25 tỉ USD và kiếm được lợi nhuận khoảng 5 tỉ USD mỗi năm. Hiện có giá trị 10 tỉ USD, Reddit kiếm được lợi nhuận 800 triệu USD vào năm ngoái.
Thật sự rất khó để thấy doanh thu 342 triệu USD của Telegram có thể so sánh với những con số đó.
Có lẽ bất kỳ ngân hàng nào đang làm việc về đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) giả định của Telegram sẽ nhấn mạnh vào ý tưởng rằng dù doanh thu của Telegram khá khiêm tốn, nhưng công ty này đạt được tất cả điều đó với nhóm nhân viên cực kỳ nhỏ, chỉ khoảng 50 người. Điều đó sẽ mang lại cho Telegram khả năng tạo ra biên lợi nhuận thực sự ấn tượng một ngày nào đó khi hoạt động kinh doanh phát triển.
Song sau những sự kiện hoặc thông tin mới xuất hiện trong tháng 8, việc thuyết phục người khác (nhà đầu tư, đối tác hoặc công chúng) về mức định giá cao hoặc chiến lược kinh doanh của Telegram sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Dù chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ vụ án Pháp chống lại Telegram, có vẻ như nó tập trung vào chính sách cố ý gần như không kiểm duyệt của công ty và sự không sẵn lòng tuân thủ các yêu cầu từ chính phủ để chống lại hành vi bất hợp pháp trên nền tảng.
Pavel Durov nói rằng việc không kiểm duyệt, không tuân thủ của Telegram là vấn đề chính trị/tôn giáo, nhưng cũng có một lý do kinh doanh thực tế đằng sau đó. Như mọi mạng xã hội lớn, việc kiểm duyệt nội dung và tuân thủ quy định của các chính phủ là quá trình tốn kém và phức tạp, đòi hỏi phải thuê nhiều nhân viên để thực hiện. Hiện tại, Pavel Durov không phải lo lắng về điều đó.
Tuy nhiên, nếu muốn xoa dịu chính phủ Pháp và có thể là những nước khác đang xem xét đưa ra cáo buộc tương tự thì Pavel Durov rất có thể phải đồng ý thay đổi cách điều hành doanh nghiệp của mình và thuê thêm nhiều người hơn. Có thể điều đó sẽ làm Telegram có giá trị hơn trong dài hạn. Song, động thái này chắc chắn sẽ làm giảm lợi nhuận của công ty trong ngắn hạn.
Được tạp chí Forbes ước tính có khối tài sản trị giá 15,5 tỉ USD, Pavel Durov cho biết vào tháng 4 rằng một số chính phủ đã tìm cách gây sức ép với ông, nhưng Telegram nên vẫn là nền tảng trung lập chứ không phải là "một thế lực trong địa chính trị".
Pavel Durov lập ra Telegram vào năm 2013 và rời Nga năm 2014 vì từ chối tuân thủ các yêu cầu đóng cửa các cộng đồng đối lập trên VK (VKontakte), nền tảng truyền thông xã hội mà ông đã bán.
Telegram là ứng dụng nhắn tin được mã hóa, với gần 1 tỉ người dùng, đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga, Ukraine và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Telegram được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và WeChat.
Pavel Durov liệt kê quan điểm chính trị của mình là "chủ nghĩa tự do" và cho biết ông được truyền cảm hứng từ người đồng sáng lập Apple - Steve Jobs.
Pavel Durov có được hộ chiếu Pháp vào năm 2021 thông qua một thủ tục đặc biệt dành cho những người nước ngoài có địa vị cao, miễn cho họ các yêu cầu pháp lý thông thường, gồm cả việc phải sống ở quốc gia này ít nhất 5 năm.
Theo luật của Pháp, bất kỳ người nước ngoài nào cũng có thể được trao quyền công dân theo các quy tắc đặc biệt miễn là họ nói tiếng Pháp và "góp phần thông qua công việc xuất sắc của mình vào ảnh hưởng của Pháp và sự thịnh vượng của quan hệ kinh tế quốc tế".
Pavel Durov chưa bao giờ sống ở Pháp và chưa rõ ông có mối liên hệ đặc biệt nào với nước này hay không. Hôm 10.6, Pavel Durov đã đăng trên kênh Telegram của mình: "Là một công dân Pháp, tôi đồng ý rằng Pháp là điểm đến nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất".
Phương tiện truyền thông nhà nước Nga đưa tin Pavel Durov cũng có quyền công dân của Nga, St Kitts và Nevis (đảo quốc nằm trong Quần đảo Leeward, Tây Ấn, nằm trong vùng Biển Caribe).
Pavel Durov đã nảy ra ý tưởng về một ứng dụng nhắn tin được mã hóa trong khi phải đối mặt với áp lực từ chính quyền Nga. Em trai của ông, Nikolai Durov, đã thiết kế hệ thống mã hóa.
"Tôi muốn được tự do còn hơn phải nghe lệnh của bất kỳ ai", Pavel Durov nói vào tháng 4 về việc rời khỏi Nga và tìm kiếm trụ sở cho công ty của mình, gồm cả thời gian làm việc tại Berlin (thủ đô Đức), London (thủ đô Anh), Singapore và San Francisco (thành phố ở Mỹ).
Pavel Durov nói thủ tục hành chính, đặc biệt là để tuyển dụng nhân tài toàn cầu, ở những nơi này quá phức tạp và ông đã bị tấn công trên đường phố ở San Francisco bởi những kẻ trộm điện thoại.
Tỷ phú sinh năm 1984 nói điều đáng báo động hơn là ông đã nhận được quá nhiều sự chú ý từ các cơ quan an ninh Mỹ, gồm cả Cục Điều tra Liên bang (FBI). Pavel Durov cáo buộc các cơ quan Mỹ đã cố gắng thuê một trong những kỹ sư của ông để tìm cửa hậu vào nền tảng Telegram.
Pavel Durov cho biết ông đã chọn UAE làm trụ sở Telegram vì đây là một "quốc gia trung lập", muốn làm bạn với tất cả mọi người và không liên kết với bất kỳ siêu cường nào, vì vậy ông cảm thấy đây là nơi tốt nhất cho một "nền tảng trung lập".
Ông nói Telegram được cả các nhà vận động đối lập và chính phủ sử dụng nhưng sẽ không đứng về phía nào.
“Quan điểm khác nhau được tự do thể hiện và tranh luận với nhau có thể mang lại sự tiến bộ và một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người”, Pavel Durov cho hay.
Tỷ phú gốc Nga nói rằng ngoài tiền hay Bitcoin, ông không có tài sản lớn nào như bất động sản, máy bay phản lực hay du thuyền vì muốn được tự do.
Telegram thông báo hiện có doanh thu "hàng trăm triệu USD" kể từ khi giới thiệu tính năng quảng cáo và đăng ký gói trả tiền cách đây hai năm. Pavel Durov loại trừ việc bán nền tảng vì "muốn duy trì sự độc lập".
Từng là ngôi nhà chung của cộng đồng tiền điện tử, Telegram nay đã bùng nổ nhờ các tính năng nhắn tin bảo mật mã hóa đầu cuối. Không chỉ cộng đồng tiền điện tử, Telegram trở thành một công cụ giao tiếp quan trọng cho các chính phủ và quan chức cũng như người dùng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo Telegram không được kiểm duyệt nên vẫn là điểm nóng cho hoạt động tội phạm, lừa đảo cũng như nội dung cực đoan, khiêu dâm, khủng bố và thông tin sai lệch.
Theo Reuters, Pavel Durov từng được ca ngợi là "Mark Zuckerberg của Nga" sau khi đồng sáng lập VK, mạng xã hội phổ biến nhất tại Nga mà ông đã bán. Pavel Durov nhiều lần công khai ủng hộ quyền tự do ngôn luận và Telegram ra đời với lý do này.
Telegram hiện có 5 trung tâm dữ liệu đặt tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Việc đặt các trung tâm dữ liệu ở nhiều khu vực khác nhau giúp Telegram đảm bảo tính an toàn và bảo mật cho dữ liệu người dùng, đồng thời giảm độ trễ và tăng tốc độ truy cập trên toàn thế giới.
Ngoài ra, Telegram cũng sử dụng mạng lưới máy chủ phân tán để lưu trữ dữ liệu người dùng. Điều này giúp Telegram có khả năng chống chọi tốt hơn trước các cuộc tấn công mạng và đảm bảo tính sẵn sàng của dịch vụ. Số lượng trung tâm dữ liệu của Telegram có thể thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào nhu cầu người dùng và chiến lược phát triển của công ty.
Giữa tháng 4 vừa qua, Pavel Durov cho biết Telegram có thể sẽ vượt 1 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng trong vòng một năm tới vì nó đang lan rộng như "cháy rừng".