Nhà đồng sáng lập Google đối mặt 2 vụ kiện vì tai nạn máy bay khiến 2 phi công thiệt mạng

Thế giới số - Ngày đăng : 18:55, 04/09/2024

Sergey Brin, nhà đồng sáng lập Google, đang phải đối mặt với vụ kiện thứ hai liên quan đến vụ tai nạn máy bay ngoài khơi bờ biển California (Mỹ) vào tháng 5.2023 khiến hai phi công thiệt mạng.
Thế giới số

Nhà đồng sáng lập Google đối mặt 2 vụ kiện vì tai nạn máy bay khiến 2 phi công thiệt mạng

Sơn Vân 04/09/2024 18:55

Sergey Brin, nhà đồng sáng lập Google, đang phải đối mặt với vụ kiện thứ hai liên quan đến vụ tai nạn máy bay ngoài khơi bờ biển California (Mỹ) vào tháng 5.2023 khiến hai phi công thiệt mạng.

Hồi tháng 7, gia đình phi công Dean Rushfeldt đã đệ đơn kiện Sergey Brin, văn phòng gia đình tư nhân của ông là Bayshore Global, Google và một số công ty liên quan tại Tòa án Tối cao Santa Clara (bang California, Mỹ), cáo buộc nhiều tội danh về hành vi bất cẩn. Vụ việc xảy ra sau khi góa phụ của phi công phụ Lance Maclean đệ đơn kiện Sergey Brin và Bayshore Global hồi tháng 2, đưa ra những khiếu nại tương tự.

Đơn kiện mới nhất cho thấy sự leo thang trong những khó khăn pháp lý mà tỷ phú Sergey Brin (51 tuổi) và văn phòng gia đình của ông phải đối mặt, đồng thời hé lộ một góc nhìn hiếm hoi về hoạt động bên trong đội ngũ nhân viên tư nhân làm việc cho những người cực kỳ giàu có.

Người phát ngôn của Sergey Brin không trả lời khi được đề nghị bình luận. Vào tháng 2, một phát ngôn viên của văn phòng gia đình Sergey Brin chia sẻ: "Chúng tôi vô cùng đau buồn trước sự mất mát của phi hành đoàn lái máy bay De Havilland DHC6-400 Twin Otter và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân".

Vụ tai nạn máy bay chết người và những cáo buộc

Ngày 20.5.2023, Dean Rushfeldt và Lance Maclean được giao nhiệm vụ lái máy bay từ thành phố Santa Rosa (bang California) đến Honolulu (bang Hawaii), với đích đến cuối cùng là Fiji (đảo quốc tại châu Đại Dương).

Theo hồ sơ tòa án, máy bay sở hữu bị một bình nhiên liệu được thiết kế để mở rộng phạm vi bay nhưng thiết bị này bị trục trặc và hết nhiên liệu khi cách bờ biển California khoảng 48,28 km. Máy bay đã rơi xuống Thái Bình Dương và Dean Rushfeldt và Lance Maclean được phát hiện tử vong bên trong, nhưng không thể tìm thấy thi thể họ trước khi máy bay chìm, theo các đơn kiện.

Trong các đơn kiện, gia đình Dean Rushfeldt cáo buộc Bayshore Global và một công ty liên quan là Seafly mắc nhiều lỗi ở quá trình bảo dưỡng máy bay. Thiết bị bình nhiên liệu được lắp đặt sai "dựa trên trí nhớ " thay vì theo danh sách kiểm tra, nhật ký đúng của các sửa đổi không được ghi lại và không có giấy chứng nhận chính xác, các tài liệu pháp lý cáo buộc.

Vụ kiện mới nhất từ ​​tháng 7 cũng cáo buộc Sergey Brin và văn phòng gia đình của ông can thiệp trái phép vào một xác chết, cáo buộc rằng đội ngũ của ông hứa sẽ tìm lại thi thể Dean Rushfeldt "nhưng âm mưu không bao giờ làm như vậy".

Các luật sư của Sergey Brin cố gắng bác bỏ vụ kiện trước đó

Vụ kiện trước đó, được đệ trình vào tháng 2, bởi góa phụ của phi công phụ Lance Maclean, cũng cáo buộc máy bay của Sergey Brin bị rơi do một sửa đổi được lắp đặt không đúng cách.

Cũng nêu tên Google và hai công ty hợp đồng mà văn phòng gia đình Sergey Brin sử dụng để bảo dưỡng máy bay, đơn kiện đó cũng cáo buộc nhà đồng sáng lập Google che giấu bằng chứng bằng cách cản trở nỗ lực cứu hộ.

"Brin là một trong những người giàu nhất thế giới. Nếu ông ấy muốn tìm lại máy bay và hài cốt của những người đã mất, điều đó sẽ được thực hiện”, các luật sư cho góa phụ của Lance Maclean viết vào thời điểm đó trong hồ sơ pháp lý.

Sergey Brin hiện là người giàu thứ 10 thế giới với tài sản ròng 135 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index (chỉ số tỷ phú của Bloomberg).

Vụ kiện từ góa phụ của Lance Maclean tiến triển hơn vụ kiện do gia đình Dean Rushfeldt thực hiện. Các luật sư của Sergey Brin đã cố gắng bác bỏ những khiếu nại từ vụ kiện đầu tiên trên một số cơ sở, gồm cả các yêu cầu pháp lý của bang California liên quan đến việc tìm lại thi thể đều bị ngăn cản bởi Đạo luật Tử vong trên Biển cả. Hai bị đơn, Google và một cá nhân, đã được loại khỏi vụ kiện vào tháng 7

Sergey Brin, Bayshore Global, Google và các bị đơn khác vẫn chưa phản hồi về vụ kiện từ vợ của Dean Rushfeldt. Google và các bên khác được nêu tên trong vụ kiện không phản hồi câu hỏi tìm bình luận của trang Insider những ngày gần đây.

nha-dong-sang-lap-google-doi-mat-vu-kien-thu-hai-vi-tai-nan-may-bay-khien-2-phi-cong-thiet-mang.jpg
Sergey Brin đang phải đối mặt với vụ kiện thứ hai liên quan đến vụ tai nạn máy bay ngoài khơi bờ biển California (Mỹ) vào tháng 5.2023 khiến hai phi công thiệt mạng - Ảnh: Getty Images

Đồng sáng lập Google trở lại với ánh đèn sân khấu

Gần đây, Sergey Brin lại trở thành tâm điểm của sự chú ý từ giới truyền thông và công chúng sau một thời gian ít được nhắc đến.

Cùng với người đồng sáng lập Google khác là Larry Page, Sergey Brin đã rời khỏi công ty vào năm 2019, chuyển sự chú ý của mình sang các hoạt động khác như công ty khinh khí cầu Lighter Than Air Research. Tuy nhiên, sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) đã đưa tỷ phú từng nghỉ hưu năm ngoái trở lại để giúp Google xây dựng mô hình AI Gemini của mình.

Sergey Brin bắt đầu xuất hiện tại các cuộc họp nội bộ Google và thậm chí còn trả lời phỏng vấn hiếm hoi với một nhóm nhà báo tại hội nghị dành cho nhà phát triển của công ty (I/O) hồi tháng 5.

Khi xếp hàng chờ dùng thử các sản phẩm AI mới của Google tại I/O hôm 14.5 , nữ nhà báo Shirin Ghaffary của hãng tin Bloomberg nhìn thấy một người đang đi lại trên sàn trong chiếc áo phông dài tay màu xanh da trời. Đó chính là Sergey Brin.

“Đại loại là tôi đã nghỉ hưu vào khoảng thời gian xảy ra đại dịch COVID-19”, Sergey Brin nói với Shirin Ghaffary và một nhóm nhỏ phóng viên trong một cuộc trò chuyện ngẫu hứng. Thế nhưng, sự bùng nổ AI gần đây đã vẫy gọi Sergey Brin trở lại làm việc.

Từng dẫn đầu trong lĩnh vực AI, Google phải chạy đua để bắt kịp OpenAI trong 18 tháng qua kể từ khi công ty khởi nghiệp này phát hành ChatGPT cuối tháng 11.2022. Google đã tổ chức lại các nhóm, phát hành các mô hình AI mới và bắt đầu tích hợp các tính năng AI tạo sinh vào sản phẩm tìm kiếm cốt lõi của mình. Những người đồng sáng lập Google, trước đây đã rời đi, cũng quay lại hợp tác với công ty. Trong khi đó, OpenAI đang phát triển một sản phẩm tìm kiếm dựa trên AI và cố gắng chiêu mộ nhân tài từ Google.

Cuộc trò chuyện kéo dài 8 phút với Sergey Brin, người hiếm khi nói chuyện với báo chí, chứa đầy những điều thú vị cho thấy cách ông suy nghĩ về AI.

Từng ủng hộ mạnh mẽ cho Google Glass (sản phẩm gặp thất bại của công ty gần 10 năm trước), Sergey Brin cho rằng ý tưởng về kính thông minh có thể phù hợp hơn trong thời đại AI tạo sinh hiện nay.

"Bạn biết đấy, thật là buồn cười vì nó từng giống như phần cứng hoàn hảo. Google Glass sẽ là ứng dụng đột phá ngay bây giờ, 10 năm sau. Tôi biết rằng nhiều người đang tạo ra các clip AI khác nhau và những thứ tương tự. Ý tôi là kiểu dáng của kính khá tuyệt. Tôi ước gì mình tính toán thời điểm tốt hơn một chút", Sergey Brin thổ lộ.

Sergey Brin cho rằng ảo giác (AI tạo ra thông tin sai y như thật) là một vấn đề lớn nhưng đang “bị thu hẹp lại”. Trong cuộc sống của mình, Sergey Brin cho biết sử dụng AI nhiều nhất cho việc viết mã. Ông đang tìm hiểu xem liệu có đúng là nhà đồng sáng lập Google - Larry Page từng gọi Elon Musk là speciesist (người có quan điểm phân biệt đối xử dựa trên loài) vì coi trọng con người hơn AI hay không.

"Tôi không biết. Tôi không có mặt ở thời điểm đó. Tôi coi AI như một công cụ cho bản thân, không phải là đối thủ cạnh tranh hay bất cứ thứ gì khác", doanh nhân 50 tuổi người Mỹ gốc Do Thái nói.

Sơn Vân