Thủ tướng ấn tượng với thành tích xuất sắc của học sinh ngôi trường đặc biệt tại Thủ đô
Giáo dục - Ngày đăng : 12:12, 05/09/2024
Thủ tướng ấn tượng với thành tích xuất sắc của học sinh ngôi trường đặc biệt tại Thủ đô
Dự lễ khai giảng tại Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính ấn tượng với những thành tích xuất sắc mà các cháu học sinh khiếm thị đã đạt được như thủ khoa Trường đại học Sư phạm ngoại ngữ, hay hoàn thành học tiến sĩ tại Mỹ…
Sáng 5.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự lễ khai giảng, chung vui cùng các thầy cô giáo, học sinh tại Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - ngôi trường duy nhất dạy hòa nhập học sinh thể chất bình thường với học sinh khiếm thị tại Hà Nội.
Những tấm gương sáng vượt qua nghịch cảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ rất vui mừng và cảm động tới dự lễ khai giảng năm học 2024-2025 của trường.
"Chúng ta cảm nhận và trân trọng tình cảm ấm áp, sự yêu thương, lòng nhân ái của các thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh và các cháu học sinh thân yêu. Được nhìn thấy những nụ cười vui tươi trên những gương mặt rạng ngời của các cháu, tôi cảm nhận rất rõ sự hào hứng, quyết tâm cho một năm học mới sắp bắt đầu", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh: Ghi nhớ và khắc sâu lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, then chốt trong bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, mang tính quyết định với sự phát triển bền vững của đất nước với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
“Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo được tập trung triển khai, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đánh giá trường Nguyễn Đình Chiểu đã và đang thực hiện tốt mô hình giáo dục hòa nhập cho học sinh khiếm thị từ lớp 1 đến lớp 9. Các cháu học sinh được chuẩn bị các kỹ năng cần thiết, cơ bản cho sự phát triển năng khiếu cá nhân… giúp các cháu tự tin và bình đẳng tham gia các hoạt động học tập và hòa nhập cộng đồng.
Đặc biệt, Thủ tướng ấn tượng với những thành tích xuất sắc mà các cháu học sinh khiếm thị nhà trường đã đạt được như cháu Đào Thu Hương, thủ khoa Trường đại học Sư phạm ngoại ngữ; cháu Nguyễn Thị Thanh Mai hoàn thành học tiến sĩ tại Mỹ; cháu Lã Minh Trường là gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; cháu Lý Thành Anh Kiệt mới học lớp 5 nhưng đã là tân sinh viên Khoa Piano, Học viện Âm nhạc quốc gia…
“Các cháu thực sự là những tấm gương sáng về sự nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn, gian khổ và nghịch cảnh, đạt được những thành tích rất đáng tự hào, không ngừng làm rạng danh mái trường mang tên danh nhân Nguyễn Đình Chiểu”, Thủ tướng nói.
Con người là nguồn lực quý giá nhất
Thủ tướng nêu rõ năm học mới 2024-2025 ngành giáo dục nói riêng và cả nước nói chung cần tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng".
“Việc gì làm chưa tốt thì phải khẩn trương khắc phục để làm tốt hơn. Việc gì làm tốt rồi thì phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để làm tốt hơn nữa, đạt kết quả cao hơn nữa, năm học sau đạt kết quả tốt hơn năm học trước”, Thủ tướng nêu.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT, các bộ ngành, địa phương phải tiếp tục kiến tạo yếu tố nền tảng cho phát triển giáo dục và đào tạo; tạo môi trường tiên tiến, lành mạnh về pháp lý, văn hoá, đạo đức, kiến thức, thúc đẩy xã hội học tập, đặc biệt là điều kiện thuận lợi đối với các cháu học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn…
Theo đó, quán triệt và tổ chức triển khai hiệu quả Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ đề ra cho năm học 2024-2025, nhất là thư của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân dịp khai giảng năm học mới.
Thủ tướng cũng yêu cầu chú trọng triển khai chương trình giáo dục phổ thông gắn với đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính cực, chủ động của học sinh; cập nhật và vận dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, phù hợp với xu hướng giáo dục hiện nay trên thế giới; thúc đẩy xã hội học tập và tạo cơ hội học tập suốt đời…
Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chú trọng công tác giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông nhằm đảm bảo quyền học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp.
Thủ tướng mong các thầy cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải gương mẫu trong rèn luyện, khích lệ, hướng dẫn, truyền cảm hứng cho các học sinh; phát hiện, khuyến khích, tạo điều kiện cho từng học sinh phát huy sở trường, năng khiếu của mình; khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
Với các học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu, Thủ tướng mong các cháu hãy luôn luôn cố gắng vượt qua những thử thách và thiệt thòi, không ngừng học tập chăm chỉ, tiếp thu kiến thức, chủ động, tích cực rèn luyện "đức - trí - thể - mỹ"; luôn nuôi dưỡng ý chí vươn lên, ước mơ, khát vọng cống hiến, trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, cho đất nước.
"Chúng ta tin tưởng rằng mỗi ngày học tập, vui chơi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa thân yêu, các cháu sẽ tiếp tục tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, lý thú và có thật nhiều kỷ niệm đẹp với nhà trường. Chúng ta mong rằng tất cả các cháu học sinh luôn cố gắng phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt, đạt nhiều thành tích cao hơn nữa, trở thành những công dân tốt có trách nhiệm với đất nước, đưa dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu mong muốn", Thủ tướng phát biểu.
Thành lập năm 1982, trường Nguyễn Đình Chiểu là trường dạy hòa nhập học sinh không khuyết tật với học sinh khiếm thị duy nhất tại Hà Nội. Trường có uy tín, có nhiều kinh nghiệm, thành công trong công tác giáo dục chuyên biệt cho trẻ khiếm thị và dạy hòa nhập trẻ không khuyết tật với trẻ khiếm thị. Các học sinh khiếm thị chiếm khoảng 10% tổng số học sinh của nhà trường.