Sẽ quy trách nhiệm nếu phòng chống bão không nghiêm túc
Sự kiện - Ngày đăng : 19:16, 05/09/2024
Sẽ quy trách nhiệm nếu phòng chống bão không nghiêm túc
"Nếu xảy ra việc người dân còn ở lại khu vực trọng yếu, nguy hiểm, lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hại thì người được phân công phụ trách khu vực đó phải chịu trách nhiệm".
Thông tin trên được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý tại cuộc họp với các bộ, ngành và 27 địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ để triển khai công tác ứng phó với bão số 3 chiều nay (5.9).
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng đêm 6.9 bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc bộ, sau đó sẽ đổ bộ vào đất liền từ khoảng chiều đến tối 7.9. Dự báo có một đợt ngập, lũ diện rộng ở Bắc Bộ và Thanh Hóa. Lượng mưa phổ biến là 150-300mm, có nơi mưa trên 500mm.
"Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các cơ quan quốc tế đều nhận định siêu bão Yagi tiếp tục duy trì cấp siêu bão khi tiếp cận đảo Hải Nam (Trung Quốc). Khi di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, có thể bão Yagi duy trì cấp 13-14 và giật cấp 16. Vào đến đất liền, bão Yagi duy trì cường độ cấp 9-10 và giật cấp 13-14. Đây là cơn bão mạnh, hoàn lưu lớn, tăng cấp nhanh. Trong khuôn khổ hợp tác giữa các cơ quan khí tượng thủy văn trong khu vực, sáng nay Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản đã có cuộc thảo luận về bão Yagi. Đánh giá lại 48 giờ qua giữa Việt Nam và quốc tế về bão Yagi đều giống nhau về quỹ đạo và cường độ", ông Khiêm cho hay.
Theo ông, với kịch bản hiện nay, trên đất liền, vùng trọng tâm, tác động trực tiếp nhất của bão Yagi là từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực ven biển. Sáng 7.9, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và một phần tỉnh Nam Định có gió mạnh cấp 10-12 giật cấp 14.
Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết: Đến chiều 5.9, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông báo đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá cùng 219.913 người biết thông tin về bão số 3 để di chuyển tránh trú. Tỉnh Ninh Bình cấm biển từ 13h ngày 5.9. Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An dự kiến cấm biển từ ngày 6.9.
Khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 52.176ha, 19.343 lồng, bè và 3.906 chòi canh nuôi thủy sản có nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 13-14. Các địa phương đã triển khai gia cố lồng bè, khu nuôi thủy sản, không để người ở lại trên lồng bè.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các bộ, ngành địa phương chỉ còn chưa đầy 1 ngày để chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó. Do đó, ngay từ bây giờ, Bộ trưởng kêu gọi phải ưu tiên những việc giúp ích trực tiếp cho người dân, nhất là tại vùng tâm bão đi qua tại Quảng Ninh, Hải Phòng. Người dân cần cập nhật định kỳ thông tin về bão số 3. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan và đơn vị cần hành động nhanh chóng và chuẩn bị tốt để ứng phó kịp thời với tình hình bão.
Bộ trưởng cho biết, ngày 6.9, bộ sẽ tổ chức đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó siêu bão Yagi tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh… Bộ sẽ cùng các địa phương chuẩn bị công tác ứng phó, nắm bắt để sẵn sàng đưa ra các chính sách hỗ trợ khi cần thiết.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhìn nhận bão Yagi là cơn bão rất mạnh đã đổ bộ vào khu vực Đông Bắc Biển Đông và đang đi vào khu vực Vịnh Bắc Bộ. Phó thủ tướng lưu ý việc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực dự báo về cơn bão một cách kịp thời, chính xác là rất quan trọng trong việc ứng phó với bão.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát lại mọi công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3. Tập trung triển khai nghiêm túc công điện của Thủ tướng Chính phủ, không lơ là, chủ quan trong thời điểm bão đổ bộ và ảnh hưởng của hoàn lưu bão; chủ động phối hợp cung cấp thông tin về bão. Tinh thần, mục tiêu chung, không để thiệt hại về người và hạn chế thấp nhất những thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra.
Phó thủ tướng lưu ý cần thực hiện phòng chống bão nghiêm túc, trách nhiệm. Nếu xảy ra việc người dân còn ở lại khu vực trọng yếu, nguy hiểm, lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hại thì người được phân công phụ trách khu vực đó phải chịu trách nhiệm. Nếu cơ quan dự báo cung cấp bản tin dự báo chính xác mà không được truyền đạt kịp thời thì phải quy trách nhiệm.