50% bệnh nhân suy tim sẽ tử vong sau 5 năm

Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:57, 06/09/2024

Theo ước tính, hiện nay Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người dân sống chung với bệnh suy tim, trong đó có 50% người bệnh sẽ tử vong sau 5 năm. Đây là một con số thực sự đáng báo động.
Thông tin Y học

50% bệnh nhân suy tim sẽ tử vong sau 5 năm

Hồ Quang {Ngày xuất bản}

Theo ước tính, hiện nay Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người dân sống chung với bệnh suy tim, trong đó có 50% người bệnh sẽ tử vong sau 5 năm. Đây là một con số thực sự đáng báo động.

Thông tin trên được BSCK2 Lê Hồng Tuấn - Trưởng khoa Nội tim mạch lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) đưa ra tại Hội thảo khoa học quản lý bệnh suy tim được tổ chức hôm nay (6.9).

50-benh-nhan-suy-tim-se-tu-vong-sau-5-nam-hinh-anh.png
BSCK2 Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) chia sẻ tại Hội thảo khoa học quản lý bệnh suy tim được tổ chức sáng nay ( 6.9) - Ảnh: PV

Theo bác sĩ Lê Hồng Tuấn, suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến, ước đoán 1,6 triệu dân số Việt Nam sống chung với bệnh này. Tỷ lệ mắc suy tim gia tăng do dân số già đi và tần suất các bệnh lý chuyển hóa như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì ngày càng tăng, gây ra nhiều gánh nặng cả về mặt sức khỏe lẫn kinh tế cho xã hội. Bệnh nhân suy tim đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như loạn nhịp tim, phù phổi cấp, thậm chí là tử vong.

“Điều đáng nói là một nửa số bệnh nhân mắc bệnh suy tim hiện nay sẽ tử vong sau 5 năm. Đây thật sự là con số đáng báo động. Trong khi người dân rất sợ hãi khi nghe đến ung thư, tuy nhiên tỷ lệ tử vong do suy tim cao hơn so với các bệnh ung thư thường thấy như ung thư vú hay ung thư đại trực tràng”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, phân tích của bác sĩ Tuấn cho thấy hiện nay không nhiều bệnh nhân biết và hiểu về bệnh suy tim. Nhiều bệnh nhân đến với bác sĩ, bệnh viện khi bệnh trở nặng, và khi cảm thấy khỏe hơn thì bỏ điều trị. Việc thiếu thông tin, kiến thức về bệnh, sự thiếu chủ động trong theo dõi sức khỏe dẫn đến bệnh nhân suy tim thường tái nhập viện gây tốn kém điều trị, tăng nguy cơ tử vong.

“Giờ đây chúng ta nâng cao nhận thức cho bệnh nhân về suy tim, từ triệu chứng, biến chứng đến tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị; đồng thời nâng cao nhận thức của bác sĩ - người trực tiếp khám chữa bệnh cũng cực kỳ quan trọng. Dù đã có những tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bằng thuốc và dụng cụ hỗ trợ, tuy nhiên chỉ khoảng 1/3 dân số suy tim được điều trị một cách đầy đủ. Có lẽ vì lo ngại các tác dụng phụ, diễn tiến của bệnh cũng như sự quá tải của hệ thống y tế”, bác sĩ Tuấn nói.

Bác sĩ Tuấn cho rằng chương trình quản lý suy tim đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc và giảm thiểu gánh nặng của bệnh, giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về bệnh, từ đó nâng cao ý thức tự chăm sóc, tuân thủ điều trị. Ngoài ra, các chương trình quản lý suy tim còn giúp tăng cường sự hợp tác giữa bệnh nhân, nhân viên y tế, tạo điều kiện cho việc điều trị cá nhân hóa và hiệu quả hơn.

"Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, chương trình quản lý suy tim đã hình thành được 5 năm với hơn 300 bệnh nhân đang thăm khám, điều trị và theo dõi. Chương trình này sẽ tiếp tục đồng hành, giúp tối ưu hóa điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, cùng bệnh nhân suy tim sống vui, sống khỏe mỗi ngày", bác sĩ Tuấn cho biết.

Hồ Quang