Đấu giá đất cao bất thường, Thứ trưởng Bộ TN-MT giải thích nguyên nhân
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 20:26, 07/09/2024
Đấu giá đất cao bất thường, Thứ trưởng Bộ TN-MT giải thích nguyên nhân
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho biết có một số nguyên nhân dẫn đến việc giá trúng đấu giá đất ở Thanh Oai, Hoài Đức vừa qua tăng vọt.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7.9, báo chí đặt câu hỏi về nguyên nhân và giải pháp đối với một số trường hợp trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, có trường hợp cao bất thường vừa qua.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho hay Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai Luật Đất đai để đảm bảo đưa luật đi vào cuộc sống có hiệu lực, hiệu quả, mang lại sự phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường phát triển bền vững của đất nước. Trong đó có nội dung về giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất.
Sau khi có thông tin báo cáo về trường hợp đấu giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, trong đó có trường hợp cao bất thường, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 482 yêu cầu Bộ TN-MT, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cùng UBND TP.Hà Nội kiểm tra, rà soát, đánh giá để tìm các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp.
Ông Ngân cho hay trước khi nhận được công điện của Thủ tướng, Bộ TN-MT đã chủ động thành lập đoàn kiểm tra phối hợp với UBND TP.Hà Nội rà soát, xem xét, đánh giá các cuộc đấu giá đó và thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Ngân, bước đầu cho thấy các địa phương đã có các hoạt động nhằm kiểm soát chặt chẽ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trước khi tổ chức đấu giá như thành lập tổ chức giám sát, bố trí lực lượng công an đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình đấu giá. Sau khi có kết quả đấu giá quyền sử dụng đất và phản ánh của báo chí, dư luận, cơ quan chức năng hiện đã chủ động chỉ đạo rà soát nắm bắt tình hình giao dịch trên địa bàn, đặc biệt đối với các lô đất đấu giá.
Theo ông Ngân, nhận định của đoàn kiểm tra cho thấy việc trúng đấu giá tăng cao so với giá khởi điểm là đúng thực tế. Có một số nguyên nhân ban đầu như sau:
Thứ nhất, xu hướng tăng giá chung của thị trường bất động sản đang trên đà phục hồi, và một lượng giá giao dịch tăng trưởng tốt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp từ đầu năm 2024, đặc biệt là đối với các bất động sản có pháp lý rõ ràng, được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thuộc các khu vực quy hoạch phát triển đô thị đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như các huyện Hoài Đức và Thanh Oai là khu vực mà người dân và nhà đầu tư tham gia.
Thứ hai, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra trong thời điểm giao thoa giữa Luật Đất đai năm 2013 hết hiệu lực và Luật Đất đai năm 2024 bắt đầu có hiệu lực, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023.
Như vậy, theo ông Ngân, sự giao thoa giữa thời kỳ luật cũ hết hiệu lực còn luật mới có hiệu lực, do đó, quá trình tổ chức đấu giá xuất phát từ các quy định của luật cũ và chuyển sang luật mới nên sẽ có một số nguyên nhân, trong đó có việc xác định giá đất để làm giá khởi điểm cho đấu giá quyền sử dụng đất.
“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN-MT phải phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và UBND TP.Hà Nội chỉ ra những nguyên nhân cụ thể nhất. Do đó, chúng tôi đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan để tiếp tục có những thông tin, tài liệu cung cấp, sẽ có những buổi làm việc đảm bảo đánh giá tác động nhiều chiều, ý kiến của nhiều cơ quan trên cơ sở nhiều quy định của pháp luật để tìm ra nguyên nhân rồi đề xuất giải pháp”, ông Ngân nêu.
Theo ông Ngân, nếu như sau khi đánh giá mà phát hiện ra các nguyên nhân do lỗi từ cơ chế chính sách và có tính phổ quát, ảnh hưởng đến việc đấu giá quyền sử dụng đất trên phạm vi cả nước thì Bộ TN-MT sẽ đề xuất tham mưu phương án cho các cấp chính quyền sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật.
“Trường hợp không phải lỗi do cơ chế chính sách mà lỗi do quá trình tổ chức thực hiện thì chúng tôi sẽ đề xuất và tham mưu để các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cùng rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các phương án đấu giá, xác định giá đất và tổ chức đấu giá đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo ổn định tình hình trong thực hiện đấu giá đất”, ông Ngân nói.
Trước đó, một số huyện của Hà Nội đã tạm hoãn đấu giá đất sau khi một số vụ đấu giá “ồn ào” trên dư luận.
Theo kế hoạch, trong tháng 9 này, UBND huyện Thanh Oai sẽ tổ chức 2 đợt đấu giá 114 lô đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương.
Trong đó, đợt đấu giá thứ nhất với 57 lô do Công ty Đấu giá Hợp danh Đấu giá Việt Nam thực hiện; đợt đấu giá thứ hai sẽ do Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia điều hành.
UBND huyện Thanh Oai cho biết sẽ thông báo tổ chức lại cuộc đấu giá khi rà soát lại các pháp lý, điều kiện để mở cuộc đấu giá, đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Không riêng Thanh Oai, trong thông báo ngày 27.8, Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia cũng cho biết sẽ tạm dừng đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 27 thửa đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa và Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội).
Các lô đất này có diện tích 48 - 72m2, giá khởi điểm 22 - 32 triệu đồng/m2, khoản tiền đặt trước 221 - 436 triệu đồng/thửa. Kế hoạch ban đầu, phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 7.9.
Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia thông tin, việc tạm dừng đấu giá được thực hiện theo yêu cầu của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông. Buổi đấu giá sẽ được tổ chức lại ngay sau khi công ty nhận được quyết định từ quan chức năng.
Trước đó, ngày 22.8, huyện Hoài Đức thông báo dừng đấu giá 52 lô đất tại khu Lòng Khúc - nơi ghi nhận mức trúng đấu giá lên tới 133 triệu đồng/m2.