Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 3
Sự kiện - Ngày đăng : 12:01, 08/09/2024
Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 3
Ngay từ đầu giờ sáng nay (8.9), các khu vực ở Hà Nội đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra và xử lý khắc phục hậu quả sau bão số 3.
Huyện Quốc Oai
Suốt đêm hôm qua (7.9), Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và các xã, thị trấn của huyện Quốc Oai đã ứng trực 100% quân số kịp thời khắc phục các sự cố sau bão số 3.
Theo báo cáo nhanh, toàn huyện có 241 cây xanh bị bổ, 50 cành cây bị gãy, 40m tường bao bị đổ, 210ha lúa bị đổ, 676ha lúa bị ngập, 20ha cây ăn quả bị ảnh hưởng, 181ha thủy sản bị ngập, 3 cột điện bị đổ…
Ngoài ra, 1 cột điện tại xã UBND xã Yên Sơn, 1 cột điện tại xã Tuyết Nghĩa bị đổ, 1 cột điện tại xã Cấn Hữu bị đổ. Công ty Điện lực quốc Oai đã chủ động phối hợp với UBND các xã thị trấn khắc phục kịp thời, không gây nguy hiểm cho người dân.
Hiện Huyện đang tổ chức giải tỏa cây xanh bị đổ, gãy không để ùn tắc giao thông. Rà soát cây xanh, kiểm tra, cắt tỉa ngay cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gãy mất an toàn không để xảy ra trường hợp cây gãy đổ gây tai nạn cho người, phương tiện.
Huyện cũng vận hành tối đa các trạm bơm tiêu để tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hướng dẫn Nhân dân chuẩn bị vật tư, hóa chất, phương tiện, dụng cụ bảo vệ an toàn sản xuất; kịp thời di dời vật nuôi, cây trồng đến những khu vực an toàn; bám sát cơ sở hướng dẫn triển khai các quy trình bảo quản nông sản, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng, trừ bệnh hại, vệ sinh đồng ruộng, chuồng trại chăn nuôi cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản trong và sau khi bão đi qua; chuẩn bị dự phòng cơ số cây, con giống để sẵn sàng gieo trồng ngay khi bão tan… để phục hồi ổn định sản xuất.
Để bảo vệ sản xuất và đời sống dân sinh, toàn huyện đang vận hành 9 trạm bơm tiêu gồm: Thông Đạt, Vĩnh Phúc, Yên Sơn, Cấn Hạ, Đông Yên, Cộng Hoà, Cống Mẻn, Trại Ro, Đồng Mạ với 32 tổ máy để tiêu úng.
Ngay từ đầu giờ sáng nay (8.9), lãnh đạo huyện đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra và xử lý khắc phục hậu quả sau bão số 3.
Quận Nam Từ Liêm
Theo báo cáo nhanh của quận Nam Từ Liêm, đến 6 giờ 30 phút ngày 8.9, trên địa bàn quận có 557 cây đổ và 121 cây gãy cành. UBND các phường đã chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn đang thực hiện cắt dọ, di dời bảo đảm an toàn cho người dân và tạo thuận lợi cho việc lưu thông; 15 mái tôn bị lật: 02 nhà tốc mái ở phường Đại Mỗ, 1 nhà ở Tây Mỗ, 1 nhà ở Mễ Trì, 5 nhà ở Cầu Diễn và 6 nhà tốc mái trên địa bàn phường Mỹ Đình 1 đã được gia cố bằng bao cát...
UBND các phường đã chủ động xây dựng các phương án di dời khi có thiên tai sự cố. Đến nay, UBND phường Xuân Phương đã cử 1 tổ công tác phối hợp với tổ dân phố số 4 vận động di dời 1 gia đình (3 người) có nhà ở không bảo đảm an toàn đến nơi ở kiên cố, bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng của người dân (Trạm y tế phường Xuân Phương).
Công ty Điện lực Nam Từ Liêm ghi nhận 17 sự cố tại trạm biến áp và đường dây điện do cây đổ. Hiện nay đã xử lý được 8/17 trường hợp.
Huyện Chương Mỹ
Ghi nhận ban đầu, do ảnh hưởng của bão số 3, trên một số tuyến đường của huyện xuất hiện một số cây xanh bị đổ gãy đã được các lực lượng nhanh chóng xử lý sự cố, không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức thông tin, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, huyện Chương Mỹ đã có phương án ứng phó ngay từ ngày 5.9. Theo đó, 100% quân số của các phòng, ban, ngành, đơn vị của huyện thường xuyên ứng trực 24/24. Tại cơ sở, lực lượng xung kích của các xã, thị trấn cũng bám sát địa bàn, sẵn sàng dọn dẹp cây cối, vật dụng bị mưa gió làm hư hỏng, bảo đảm an toàn giao thông, tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân.
"Chúng tôi đã yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, hồ, đập, công trình thủy lợi, công trình xây dựng. Kịp thời phát hiện, xử lý ngay những hư hỏng, sự cố để bảo đảm an toàn công trình, đồng thời tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp tiêu úng bảo vệ phục hồi sản xuất", Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết.
Quận Hoàn Kiếm
Tính đến chiều 7.9, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 18 cây xanh bị gãy cành lớn. Riêng khu vực hồ Hoàn kiếm bị gãy 5 cành. Có 51 cây xanh bị gãy, đổ rải rác trên địa bàn 18 phường.
Đã có 3 người bị thương do cành cây si gãy đổ tại 11 phố Chả Cá. Về tài sản, 2 xe máy bị hư hỏng nhẹ; 1 tủ điện bị móp nhẹ, 2m rào sắt hư hỏng do cây xanh 53 Hàng Bài đổ. Tại số nhà 14 Nguyễn Siêu bị tốc 1 mái tôn.
UBND các phường và Công ty thoát nước Hà Nội (Xí nghiệp số 1) đã trực và xử lý các điểm thoát nước ngay tại thời điểm mưa lớn, không gây ngập úng, bảo đảm an toàn giao thông.
Di dời các hộ dân phường Hàng Bồ đến nơi an toàn tránh, trú bão số 3.
Huyện Đan Phượng
Thống kê sơ bộ, tính đến 17 giờ chiều 7.9, trên địa bàn huyện Đan Phượng có 46 cây xanh trên địa bàn huyện Đan Phượng bị gãy, đổ, trong đó trên tuyến đường N4 có 2 cây keo tai tượng, 2 cây sấu; đường Đan Phượng - Tân Hội có 2 cây sấu; đường Liên Hồng 2 cây bằng lăng tím; đường Quốc lộ 32 qua thị trấn Phùng 3 cây sấu; khu đô thị Tân Tây đô xã Tân Lập có 8 cây Osaka; Trường Tiểu học Thượng Mỗ có 6 cây điệp vàng…
Về sản xuất nông nghiệp, diện tích trồng trọt bị ảnh hưởng do mưa bão của toàn huyện là 6,56ha. Trong đó diện tích lúa đổ nghiêng 1,2ha, ngô 0,36ha, chuối 5ha (đổ khoảng 2%, tương đương 0,1ha).
Ngay sau khi nhận được thông tin sự cố đổ cây xanh, lực lượng chức năng từ huyện đến các xã, thị trấn đã tăng cường kiểm tra, cưa cành, thu dọn cây đổ, trả lại giao thông thông thoáng trên các tuyến đường, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới người dân cũng như các công trình.
Cũng trong ngày 7.9, Đoàn công tác của Ban Chỉ huy quân sự huyện Đan Phượng và lãnh đạo xã Hồng Hà đã tiến hành kiểm tra, động viên các ngư dân làng chài của xã Hồng Hà trên sông Hồng neo đậu thuyền, bè cá và vào nơi trú ẩn an toàn.