TS Nguyễn Đức Nhật: 'Để tránh sang chấn tâm lý, cần dệt tấm lưới an toàn cho trẻ'

Văn hóa - Ngày đăng : 12:30, 09/09/2024

Vụ bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng (TP.HCM) bạo hành trẻ em được báo chí phản ánh gần đây khiến dư luận phẫn nộ. Chúng tôi đã gặp tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật - nhà tham vấn và giám sát lâm sàng, dịch giả cuốn sách “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó” để trao đổi sâu hơn vấn đề sang chấn tâm lý ở trẻ em, cũng như những dấu hiệu cần lưu ý, phương pháp để chữa lành và cách để xây dựng một mạng lưới hỗ trợ an toàn cho sự phát triển toàn diện của các em.
Văn hóa

TS Nguyễn Đức Nhật: 'Để tránh sang chấn tâm lý, cần dệt tấm lưới an toàn cho trẻ'

Hạ Vĩ 09/09/2024 12:30

Vụ bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng (TP.HCM) bạo hành trẻ em được báo chí phản ánh gần đây khiến dư luận phẫn nộ. Chúng tôi đã gặp tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật - nhà tham vấn và giám sát lâm sàng, dịch giả cuốn sách “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó” để trao đổi sâu hơn vấn đề sang chấn tâm lý ở trẻ em, cũng như những dấu hiệu cần lưu ý, phương pháp để chữa lành và cách để xây dựng một mạng lưới hỗ trợ an toàn cho sự phát triển toàn diện của các em.

  • Thưa tiến sĩ, trong quá trình nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở Mái ấm Hoa Hồng, bảo mẫu ở đây đã có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các trẻ. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề và lâu dài đến sức khỏe tâm thần của trẻ không?

- TS Nguyễn Đức Nhật: Tôi đồng tình với nhận định của các nhà chuyên môn là những đứa trẻ bị bạo hành ở đây sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng về các mặt tâm lý lẫn phát triển. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm thần của trẻ kéo dài nhiều năm về sau. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên nhất định rằng trẻ bị bạo hành thì chắc chắn bị sang chấn, mà cần hiểu là các em sẽ có nguy cơ bị sang chấn nếu không có sự quan tâm hỗ trợ đúng mức. Vấn đề quan trọng bây giờ chính là mọi người (gia đình, chuyên gia, cộng đồng) sẽ phải hỗ trợ cho các em như thế nào sau sự việc bạo hành mới là điều quan trọng.

tie-n-si-nguye-n-u_-c-nha_-t-nha-tham-va-n-gia-m-sa-t-la-m-sa-ng.jpg
  • Trường hợp xảy ra ở Mái ấm Hoa Hồng có phải là trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu, một thuật ngữ mà tiến sĩ Bruce Perry có nhắc đến trong cuốn sách Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó. Vậy trải nghiệm này là gì và nó có gây hại hay không?

- TS Nguyễn Đức Nhật: Đây là một thuật ngữ bắt nguồn từ một nghiên cứu ở Mỹ khi người ta thấy có nhiều người lớn kể lại những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu, như việc bị đánh đập, bạo hành, chứng kiến cha mẹ ly hôn, có người nhà mất sớm, hoặc những trải nghiệm khủng khiếp hơn và nó gây ra những vấn đề cho họ khi trưởng thành. Những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu có thể hiểu là những sự kiện, những biến cố xảy ra với một đứa trẻ và nó có khả năng ảnh hưởng lâu dài hoặc là gây sang chấn khi đứa trẻ này lớn lên.

Một sang chấn có thể ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của trẻ tùy vào giai đoạn mà nó xảy ra. Tức là nó xảy ra càng sớm trong những năm đầu đời chừng nào thì tác động của nó càng nghiêm trọng hơn và sẽ kéo dài cho đến tuổi trưởng thành. Vì vậy nếu một đứa trẻ gặp biến cố vào năm 1 tuổi sẽ chịu ảnh hưởng rất khác so với đứa trẻ lên 10 tuổi. Nhưng có một điều chúng ta cần phải hiểu là, không phải đứa trẻ nào trải qua biến cố hoặc một sự kiện có khả năng gây sang chấn thì chắc chắn đứa trẻ đó sẽ bị sang chấn, bởi điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tính khí của trẻ, nguồn lực hỗ trợ, sự giúp đỡ của môi trường xung quanh và những người chăm sóc…

Tôi đã từng làm việc với một số trường hợp sang chấn ở những người trưởng thành và đôi khi nó có thể kéo dài khoảng vài chục năm. Có nghĩa là sự kiện đó đã xảy ra cách đây hai, ba mươi năm nhưng nó vẫn còn đang ảnh hưởng tới họ. Vậy thì chúng ta có thể khẳng định được một điều rằng: tác động của sang chấn có thể kéo dài đến gần như cả tiến trình phát triển của một con người chứ không chỉ ở đứa trẻ nữa.

dua-tre-duoc-nuoi.jpg
  • Vậy có sự thật nào chúng ta cần biết về sang chấn tâm lý ở trẻ em? Và sang chấn tâm lý ở trẻ em có khác biệt so với người lớn không?

- TS Nguyễn Đức Nhật: Sang chấn tâm lý ở trẻ em thực ra phổ biến hơn nhiều người vẫn nghĩ, nhưng chúng ta lại có xu hướng bỏ sót, ngay cả với những người làm chuyên môn lâu năm. Vì trẻ em ít vốn từ hơn và chúng gặp khó khăn trong việc miêu tả, nên khi người ta thấy một đứa trẻ có biểu hiện hơi lạ, họ thường sẽ quy kết những dấu hiện đó là đứa trẻ tăng động, không nghe lời, hoặc chống đối...

Trẻ khác với người lớn vì người lớn đã có đủ nhận thức về chuyện gì đang xảy ra, có đủ khả năng để mô tả và tìm kiếm sự giúp đỡ. Tóm lại, đây là một vấn đề đáng được quan tâm, nhưng cả chúng ta lẫn những người trong giới chuyên môn vẫn chưa được trang bị đủ kiến thức. Nên tôi rất hy vọng chúng ta sẽ có sự hiểu biết nhiều hơn về nó, ít nhất là thông qua cuốn sách Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó này.

  • Những dấu hiệu nào mà phụ huynh hoặc người chăm sóc nên chú ý để nhận diện sang chấn tâm lý ở trẻ?

- TS Nguyễn Đức Nhật: Cái này rất khó cho phụ huynh và đôi khi gây khó khăn cho cả những người làm chuyên môn bởi vì nó rất dễ bị lầm tưởng qua những rối loạn khác, đặc biệt là trong bối cảnh văn hóa Việt Nam khi chúng ta luôn trông chờ ở trẻ một sự nghe lời. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ phải bận rộn trong việc kiếm tiền nên đôi khi họ cũng không còn năng lượng và thời giờ để quan sát những dấu hiệu khác thường ở con cái.

Tuy nhiên, có một số biểu hiện mà chúng ta có thể để ý, không nhất thiết trẻ có dấu hiệu này chắc chắn sẽ mắc sang chấn, nhưng nó cũng giống như những tín hiệu cảnh báo để cha mẹ có thể để tâm nhiều hơn. Thứ nhất là sự lo sợ thể hiện một cách rõ nét ở trẻ khi một số tác nhân, chẳng hạn như có mặt người lạ, hoặc ở một môi trường nào đó thì trẻ phản ứng một cách dữ dội. Thứ hai là trẻ có những sa sút về mặt học tập, có những việc trẻ bị chậm lại hơn hoặc đã làm đến một tiến trình phát triển nhưng bây giờ trẻ bị thoái lùi. Chẳng hạn như khi trẻ lên hai tuổi đã có thể tự đi vệ sinh nhưng bỗng nhiên một ngày trẻ lại bắt đầu đái dầm, hoặc trẻ không thể nào tự đi tiêu tiểu nữa. Đó là những dấu hiệu cần để ý bởi vì những sang chấn có thể kéo lùi lứa tuổi phát triển của trẻ lại. Một dấu hiệu khác là trẻ thường xuyên có những cơn mà tôi tạm gọi là xung động quấy phá, khóc mà không rõ lý do, đặc biệt là với một số trẻ có những khó khăn về phát triển thì trẻ lại càng bộc lộ sự khó chịu đó nhiều hơn, và chúng ta cũng không biết thật sự trẻ đang gặp vấn đề gì.

Khi chúng ta thấy những dấu hiệu đó bắt đầu xuất hiện tần suất nhiều hơn thì lời khuyên của tôi là nên đưa trẻ đến gặp những nhà chuyên môn. Những bệnh viện nhi hiện nay đều có khoa tâm lý tâm thần để có thể giúp xác định được một cách tốt hơn, là liệu trẻ có từng trải qua một biến cố hay hiện đang trong tình trạng bị sang chấn hay không.

ts-nguyen-duc-nhat.jpg
  • Vậy yếu tố quan trọng nhất trong việc điều trị cho trẻ em có phải là việc phát hiện sớm để can thiệp kịp thời?

- TS Nguyễn Đức Nhật: Có thể nói như vậy. Nếu chúng ta nhận diện được và hỗ trợ trẻ càng sớm thì sẽ ít để lại những dư chấn, những tác động về lâu, về dài cũng sẽ được giảm thiểu. Trong quyển sách tác giả cũng đề cập khá nhiều tình huống, nhiều ca lâm sàng mà tác giả đã hỗ trợ, như khi đến được với tác giả thì đứa trẻ đã chịu sang chấn từ nhiều năm trước. Việc hỗ trợ chậm trễ như vậy sẽ khiến tiến trình bị kéo dài hơn và khả năng phục hồi sẽ chậm hơn. Tuy nhiên, một tin mừng là não bộ của chúng ta có sự linh hoạt để tái cấu trúc lại những liên kết mà nó đã tạo dựng do những vấn đề sang chấn gây ra. Với những phương pháp tiếp cận và hỗ trợ phù hợp thì khả năng phục hồi vẫn luôn luôn khả quan. Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu rõ về nó, cần tìm được những nơi phù hợp và những nguồn lực cần thiết để hỗ trợ thì tôi tin rằng việc điều trị và hồi phục, hay gần đây chúng ta gọi là chữa lành, là hoàn toàn khả thi.

  • Việc điều trị cho trẻ em gặp sang chấn được diễn ra như thế nào, và có phương pháp trị liệu nào được khuyến nghị?

- TS Nguyễn Đức Nhật: Hiện nay có một vài phương pháp được khuyến nghị và trong Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó cũng đề cập. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu là không phải phương pháp nào ở nước ngoài cũng phù hợp với văn hóa của người Việt. Tuy nhiên có một số hướng dẫn chung mà các bậc cha mẹ có thể tham khảo. Đầu tiên là nếu một triệu chứng của trẻ trở nên quá mức, ví dụ như quá sợ hãi hay có những hành vi gây đau cho bản thân hoặc người khác thì việc thăm khám bác sĩ tâm thần là cần thiết. Một số loại thuốc sẽ khiến cho trẻ “đằm” lại và sự bùng nổ ở trẻ cũng giảm bớt. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyến khích là chúng ta có những điều trị về mặt tâm lý, bởi vì trẻ có thể chịu những tổn thương về mặt tinh thần và thuốc chỉ làm giảm triệu chứng nhưng không thể làm mất đi những ký ức, hoặc những phản ứng về mặt cảm xúc của trẻ đối với tình trạng đấy. Trong quá tình đó, đôi khi các bậc cha mẹ cũng cần phải kết hợp thêm với những liệu pháp về vật lý trị liệu nếu nó ảnh hưởng đến những chức năng như về cơ hay việc vận động của trẻ.

Ngoài ra, tôi nghĩ quan trọng hơn cả là nguồn lực của gia đình vì bác sĩ Perry cũng nói rất rõ trong cuốn sách: một trong những yếu tố bảo vệ và giúp cho một đứa trẻ vượt qua sang chấn, hoặc không có nguy cơ bị sang chấn khi gặp một sự kiện khủng khiếp, là cái cách người lớn phản ứng và sự chăm sóc của những người thân trong gia đình dành cho trẻ. Khi có biến cố xảy ra thì việc được thấu hiểu, bảo vệ từ những người thân, theo tôi nghĩ là cách điều trị quan trọng nhất trong cả tiến trình này.

1tg-dua-tre-duoc-nuoi-trong-chuong-cho-1.jpg
  • Có thể thấy gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình điều trị của trẻ, nhưng có sai lầm nào mà quý phụ huynh thường mắc phải trong quá trình hỗ trợ trẻ?

- TS Nguyễn Đức Nhật: Đôi khi chúng ta sẽ nghĩ rằng trẻ con thì biết cái gì. Một số phụ huynh tin rằng trẻ thường xuyên khó chịu hoặc là bịa ra vấn đề, trẻ tưởng tượng quá nên không xem trọng sự mô tả của trẻ về những vấn đề mà trẻ đã gặp. Nhưng cũng có khi chúng ta quá tin hoặc trầm trọng hóa vấn đề mà trẻ đang mô tả, vì đôi khi chúng ta không phân biệt được đâu là điều thực sự xảy ra và đâu là sự tưởng tượng của trẻ. Nhưng dù trong trường hợp nào thì tôi nghĩ cha mẹ cũng nên có sự nghiêm túc trong việc coi trọng những mô tả, sự trao đổi của trẻ và trò chuyện để hiểu hơn về câu chuyện, vấn đề mà trẻ đang cố gắng nói cho chúng ta.

Một điều khác, là đôi khi có những tình huống mà người lớn khó chấp nhận rằng nó sẽ xảy ra, chẳng hạn như tình trạng ấu dâm mà chúng ta nói nhiều gần đây trên mạng xã hội. Trong xã hội Việt Nam, chúng ta khó có thể tin được chuyện đó có thể xảy ra trong gia đình mình. Vì lẽ đó, một số phụ huynh thường rơi vào tình trạng khó xử hay chối bỏ. Việc có thể gây ra sang chấn nhiều nhất với một đứa trẻ là khi nói với một người giúp đỡ, một người chăm sóc và người ấy phủ nhận, không tin vào đứa trẻ hoặc có tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân. Điều này có thể gây nên sang chấn cho trẻ, hơn là chính bản thân của sự kiện.

Vì lẽ đó, những người làm chuyên môn như chúng tôi cũng rất cẩn trọng trong cách tiếp chuyện, lắng nghe khi một người đem câu chuyện, biến cố của họ đến. Bởi vì chúng ta có thể sẽ khiến cho họ bị tái sang chấn hoặc là làm trầm trọng hơn vấn đề của họ nếu thiếu sự nhạy cảm và thông hiểu.

  • Chúng ta có thể làm gì để hỗ trợ tốt hơn khi trẻ gặp sang chấn? Trong trường hợp trẻ đã được điều trị và vượt qua sang chấn, ta nên làm như thế nào để giúp đỡ và ngăn ngừa trẻ khỏi việc tái sang chấn?

- TS Nguyễn Đức Nhật: Theo tôi, chúng ta rất cần một mạng lưới, như tác giả tiến sĩ Bruce Perry đã giới thiệu, đó là một mạng lưới từ gia đình, những nhà giáo dục, những người làm chuyên môn, cho đến những người trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp. Đó phải là sự bao bọc của rất nhiều bên khác nhau để giúp đỡ cho một đứa trẻ. Hiện nay ở Việt Nam những bệnh viện như bệnh viện nhi đồng đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến quá trình phát triển của trẻ về mặt tâm sinh lý, và cũng có nhiều dịch vụ tâm lý để hỗ trợ cho trẻ và gia đình khi gặp những biến cố tương tự. Ngoài ra, tôi nghĩ những nhóm hỗ trợ trên mạng xã hội hiện nay cũng đang là nguồn lực tốt cho các bậc phụ huynh khi muốn tìm hiểu về những kiến thức, thậm chí nguồn hỗ trợ từ nước ngoài...

Để ngăn ngừa, chúng ta phải từng bước xây dựng sức bền, sức chịu đựng ở trẻ. Chúng ta có thể tạo những thử thách hoặc giúp cho trẻ từng bước đương đầu được với những tác nhân có thể gây kích hoạt lại sang chấn và nâng cao khả năng hiểu về cảm xúc, xử lý và đương đầu những khó khăn về mặt cảm xúc, tâm lý. Tôi nghĩ việc này sẽ giúp ích về mặt lâu dài, không chỉ cho trẻ mà còn cho cả những người giúp đỡ nữa. Tuy nhiên, quan trọng ngất vẫn là chúng ta phải hướng đến việc chẩn đoán sớm, những hỗ trợ đa ngành và chính sách bảo vệ trẻ em từ cấp nhà nước.

Hạ Vĩ