Hà Nội kiên quyết sơ tán toàn bộ dân ở khu vực nguy hiểm, tránh để bị cô lập

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:37, 11/09/2024

Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu kiên quyết sơ tán các hộ sinh sống tại khu vực nguy hiểm ngoài đê tới nơi an toàn theo đúng phương châm: sơ tán toàn bộ gia đình, không để sót bất cứ người nào ở lại, tránh tình trạng bị cô lập trong mưa lũ.
Theo dòng thời sự

Hà Nội kiên quyết sơ tán toàn bộ dân ở khu vực nguy hiểm, tránh để bị cô lập

Lam Thanh 11/09/2024 14:37

Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu kiên quyết sơ tán các hộ sinh sống tại khu vực nguy hiểm ngoài đê tới nơi an toàn theo đúng phương châm: sơ tán toàn bộ gia đình, không để sót bất cứ người nào ở lại, tránh tình trạng bị cô lập trong mưa lũ.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ kết hợp áp cao lục địa tăng cường, từ hôm nay (11.9) đến sáng 12.9, TP.Hà Nội có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có thể có ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết để chống úng ngập, đơn vị đã hạ mực nước đệm, mở đập Thanh Liệt; duy trì trạm bơm Đồng Bông 1, 2 Cổ Nhuế; cầu Bươu hoạt động không vượt quá 50% công suất; Trạm Yên Sở vận hành 18/20 bơm.

Sáng 11.9, UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết quận đã di dời 836 hộ dân ngoài đê sông Hồng thuộc 4 phường Đông Ngạc, Liên Mạc, Thụy Phương, Thượng Cát đến nơi an toàn. Phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) đã vận động di chuyển 214 hộ dân với 429 nhân khẩu nằm trong ngõ 76 An Dương.

Quận Hoàn Kiếm đã vận động 46 hộ dân có nhà ở ven sông Hồng của phường Chương Dương di dời lên khu vực địa hình cao hơn. Lực lượng chức năng huyện Ứng Hòa đã hỗ trợ di dời 110 hộ dân với khoảng 400 người đến nơi an toàn sau khi nước sông Đáy dâng cao.

anh-man-hinh-2024-09-11-luc-13.45.37.png
Nhiều khu vực tại Hà Nội ngập sâu, lực lượng chức năng hỗ trợ dân di tản

Tại huyện Đông Anh, 231 hộ với 446 người sống tại các nhà tạm, không an toàn được đưa đến nhà văn hóa, trung tâm y tế và cung cấp miễn phí thuốc men, thực phẩm. Huyện Đan Phượng di dời 66 hộ với 261 nhân khẩu.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Quốc Oai, Thạch Thất cho biết mực nước sông Tích lên cao, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất đã đạt trên báo động 3. Lực lượng chức năng ghi nhận một số vị trí bị tràn đê bao, đê bối như: Khoang Ông, Đồng Mạ và các xã Cấn Hữu, Tuyết Nghĩa, Minh Khai (huyện Quốc Oai).

Tại Thạch Thất, mực nước sông Tích lên cao, vượt mức báo động 3, ảnh hưởng đến 230 hộ dân và 943 nhân khẩu.

Trong đó, xã Cần Kiệm bị ngập 90 hộ với 388 nhân khẩu. Xã Lại Thượng bị ngập 25 hộ với 96 nhân khẩu. Xã Kim Quan có 13 hộ với 51 nhân khẩu, trong đó có 4 hộ với 9 nhân khẩu bị ngập vào nhà, đã di dời đến nơi an toàn; 9 hộ với 42 nhân khẩu ngập đến sân, vườn và công trình phụ. Xã Phú Kim bị ngập 75 hộ với 308 nhân khẩu, trong đó có 5 hộ với 19 nhân khẩu bị ngập vào nhà (đã di dời), 15 hộ với 58 nhân khẩu nước ngập vào nền nhà; 55 hộ với 231 nhân khẩu bị ngập đến sân, vườn và công trình phụ...

Tại huyện Thanh Trì, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Cường cho biết do hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn, trên địa bàn huyện có 11 điểm ngập úng tại các khu dân cư thuộc các xã Ngọc Hồi, Tam Hiệp, Tứ Hiệp, Liên Ninh, Tân Triều. Tại một số khu vực như đường dọc sông Hòa Bình, đường 1A khu vực kho 6, đường 25m - Triều Khúc - Tân Triều; đường Vũ Lăng khu vực Công ty Vinafco… bị ngập cục bộ.

Thống kê sơ bộ cho thấy, tổng diện tích bị ngập của huyện Thanh Trì là 1.146ha; 950ha diện tích lúa tại các xã Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Liên Ninh, Hữu Hòa… đã trổ bông bị ngập, đổ; 391ha diện tích rau màu, cây ăn quả tại các xã Duyên Hàn, Vạn Phúc, Yên Mỹ… bị ngập, hư hại; diện tích ao bị tràn bờ tại các xã Yên Mỹ, Tam Hiệp, Hữu Hòa, Vĩnh Quỳnh là 35ha.

Do nước sông Nhuệ dâng cao dẫn đến tràn tuyến đê và sạt lở tại một số điểm, đoạn qua xã Đại Áng, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị, UBND xã Đại Áng huy động lực lượng trên 1.000 người để xử lý khẩn cấp sự cố.

Công ty Điện lực Thanh Trì đã chủ động cắt điện toàn bộ 3 xã vùng bãi gồm: Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc để bảo đảm an toàn; sau khi nước rút sẽ cấp điện ngay trở lại để phục vụ sinh hoạt của nhân dân.

Để bảo đảm an toàn, huyện Thanh Trì đã vận động, hỗ trợ 32 hộ dân tại các vùng bị ngập cục bộ ở các xã Duyên Hà, Liên Ninh với 71 nhân khẩu đến nơi an toàn.

thanh-tr.jpg
Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đi thị sát, kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ

Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến hôm nay (11.9) cũng trực tiếp thị sát, kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại khu vực đê xung yếu gần Trạm bơm Hòa Bình, xã Đại Áng.

Bà Tuyến ghi nhận các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì đã chủ động ứng phó với bão số 3. Trước diễn biến mực nước sông Hồng liên tiếp tăng cao và đã vượt mức báo động 2 từ đêm 10.9, bà Tuyến đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện tổ chức ứng trực nghiêm 24/24h, sẵn sàng ở mức cao nhất để ứng phó với mức độ cao hơn hiện tại của nước lũ.

Lưu ý mức độ nguy hiểm và những thiệt hại to lớn khi mực nước sông Hồng chạm mức báo động 3, bà Tuyến đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thanh Trì tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ nhân dân vượt qua những khó khăn do mưa lũ gây ra. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm người yếu thế, người già, trẻ em và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; đề nghị các lực lượng chức năng kiên quyết sơ tán các hộ dân sinh sống tại khu vực nguy hiểm ngoài đê tới nơi an toàn, không để sót bất cứ người nào ở lại, tránh tình trạng bị cô lập trong mưa lũ.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng tới thăm, động viên các gia đình đang sơ tán tránh lũ tại điểm sơ tán xã Liên Ninh; chia sẻ những khó khăn và thiệt hại của nhân dân huyện Thanh Trì, đồng thời đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thanh Trì có phương án chuẩn bị lương thực, thực phẩm; cung cấp đầy đủ nước sạch, thuốc chữa bệnh cho người dân phải sơ tán do mưa lũ.

Lam Thanh