Liên tục xuất hiện các ổ bệnh sởi trong trường học, TP.HCM lập 12 tổ phản ứng nhanh
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:49, 14/09/2024
Liên tục xuất hiện các ổ bệnh sởi trong trường học, TP.HCM lập 12 tổ phản ứng nhanh
Chỉ sau 1 tuần khai khai giảng năm học mới 2024-2025, TP.HCM phát hiện có đến 5 trường tiểu học tại 4 quận huyện xuất hiện ổ bệnh sởi. Đây là số lượng khiến nhiều người lo lắng về tình hình bệnh sởi.
Thành lập 12 tổ phản ứng nhanh
Ngày 14.9, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã quyết định thành lập 12 tổ phản ứng nhanh theo khu vực địa bàn quận, huyện và TP.Thủ Đức. Đây là biện pháp cấp bách giúp giải quyết hiệu quả các ổ bệnh sởi bùng phát tại trường học, nơi tập trung đông học sinh dễ có nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo đó, mỗi tổ gồm 2 - 3 thành viên từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và 1 thành viên từ các bệnh viện như: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng thành phố.
Nhiệm vụ của các tổ phản ứng nhanh là thực hiện giám sát tình hình dịch bệnh, triển khai các hoạt động đáp ứng và theo dõi ổ bệnh, đồng thời hướng dẫn trường học và trạm y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sởi.
Cụ thể, khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi, nhân sự phụ trách y tế của trường phải báo cáo ngay cho trưởng trạm y tế trên địa bàn. Trưởng trạm y tế ghi nhận, đánh giá và cử người đến hiện trường để phối hợp xử lý, đồng thời điều tra sơ bộ tình hình. Nếu phát hiện có ổ bệnh tại trường, trưởng trạm y tế phải báo cáo ngay cho trung tâm y tế, sau đó kích hoạt tổ phản ứng nhanh để đến trường học phối hợp cùng y tế địa phương giám sát và xử lý ổ bệnh.
Để đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống bệnh sởi tại trường học, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội chỉ đạo các cơ sở trực thuộc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch. Khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi, các cơ sở phải báo cáo ngay cho trạm y tế để nhận được hỗ trợ kịp thời.
Theo Sở Y tế TP.HCM, ngoài việc đẩy nhanh chương trình tiêm vắc xin sởi tại trường học, việc thành lập tổ phản ứng nhanh là một giải pháp quan trọng trong chiến lược ứng phó bệnh sởi, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo môi trường học tập an toàn cho trẻ trong bối cảnh bệnh sởi vẫn đang diễn biến phức tạp.
Chỉ 1 tuần có đến 5 trường tiểu học xuất hiện ổ bệnh
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cho biết sau 10 ngày thực hiện chương trình tiêm chủng cho tất cả các trẻ từ 1 - 10 tuổi trên địa bàn TP chưa tiêm đủ mũi vắc xin sởi (kể từ ngày 31.8 đến hết ngày 9.9), đã tiêm cho 19.821 trẻ từ 1 - 5 tuổi (chiếm tỷ lệ 32,6%) và 5.260 trẻ từ 6 - 10 tuổi (chiếm tỷ lệ 8,3%) trên tổng số trẻ thuộc diện phải tiêm. Như vậy vẫn còn đến 70% trẻ từ 1 - 5 tuổi và gần như toàn bộ nhóm trẻ từ 6 - 10 tuổi (thuộc diện cần tiêm) chưa được tiêm chủng.
Trong khi đó, qua báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, sau 1 tuần nhập học, trên địa bàn thành phố ghi nhận 5 trường học tiểu học của 4 quận huyện xuất hiện ổ bệnh sởi (từ 2 ca trở lên). Dự kiến nhiều ổ bệnh sởi mới sẽ tiếp tục xuất hiện tại trường học trong thời gian tới, nếu đợt tiêm vắc xin không kịp thời bao phủ cho các trường hợp trẻ chưa có miễn dịch.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM đang đẩy mạnh tiến độ thực hiện tiêm vắc xin phòng chống sởi trên địa bàn và phải cơ bản hoàn thành trong tháng 9, để giảm sự lây lan của bệnh và sớm kết thúc.
Hiện số trẻ thuộc diện cần tiêm trong đợt này khoảng 125.000 trẻ. Trong đó, nhóm trẻ từ 1 - 5 tuổi cần tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, và hoàn thành trong tháng 9; đồng thời TP bắt đầu triển khai đồng loạt tiêm vắc xin cho trẻ từ 6 - 10 tuổi ngay từ tuần thứ 3 của tháng 9.2024.
Sở Y tế TP.HCM đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tích cực rà soát, lập danh sách trẻ 1 - 10 tuổi chưa tiêm đủ mũi phối hợp với các trung tâm y tế, trạm y tế để tổ chức tiêm chủng cho trẻ càng sớm càng tốt; UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện tích cực rà soát, lập danh sách trẻ 1 - 10 tuổi chưa tiêm đủ mũi trên địa bàn, và vận động gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng; ưu tiên rà soát tại những khu vực biến động dân cư, khu nhà trọ, nơi cưu mang những trẻ lang thang cơ nhỡ… không để bỏ sót trẻ cần tiêm trên địa bàn.