Phân bón vô cơ vẫn khống chế thị trường ĐBSCL

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 16:25, 16/09/2024

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hoàng Trung, nông nghiệp Việt Nam trong 30 năm trở lại đây chủ yếu dựa trên phân bón vô cơ do áp lực thâm canh tăng năng suất và tính tiện dụng trong lưu thông. Trong đó đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trọng điểm sử dụng phân bón vô cơ.
Bảo vệ môi trường

Phân bón vô cơ vẫn khống chế thị trường ĐBSCL

Văn Kim Khanh 16/09/2024 16:25

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hoàng Trung, nông nghiệp Việt Nam trong 30 năm trở lại đây chủ yếu dựa trên phân bón vô cơ do áp lực thâm canh tăng năng suất và tính tiện dụng trong lưu thông. Trong đó đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trọng điểm sử dụng phân bón vô cơ.

bon-4(1).jpg
Phân bón hóa học vẫn khống chế thị trường - Ảnh: Văn Kim Khanh

Thực trạng về phân bón vô cơ ở ĐBSCL

Phân bón vô cơ, phân hóa học là phân bón được sản xuất theo quy trình công nghiệp, sử dụng nguyên liệu tự nhiên hoặc tổng hợp. Các loại phân hóa học chính gồm có: Phân đạm (N); phân lân (P); kali (K); phân NPK; phân phức hợp, phân hỗn hợp, phân vi lượng…

Hiện nay ở các tỉnh ĐBSCL phân bón vô cơ vẫn khống chế thị trường phân bón. Tại hầu hết cửa hàng phân bón, phân vô cơ chiến tới 90 - 95%, phân bón hữu cơ chỉ chiếm khoảng 5%. Đó là một thực tế tồn tại hàng chục năm nay trên thị trường phân bón ĐBSCL.

bon-5.jpg
Nông dân ĐBSCL đang sử dụng phân hóa học với số lượng điều chỉnh giảm - Ảnh: Internet

Tại thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) có 3 cơ sở kinh doanh phân bón khá quy mô. Tìm hiểu 3 cơ sở này, họ đều có câu trả lời khá giống nhau: “Ở đây chúng tôi mua bán chủ yếu là phân hóa học. Phân hữu hóa học chiếm tới 95%, phân hữu cơ cũng có nhưng chỉ khoảng 5%. Thực tế nhu cầu phân bón hóa học vẫn là chủ lực, nhu cầu về phân hữu cơ còn ít lắm”.

Cũng theo anh Lâm Văn Tân, một chủ cơ sở kinh doanh phân bón ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), nhu cầu sử dụng phân hữu cơ còn thấp lắm. Có mấy nguyên nhân làm cho phân hữu cơ chưa được sử dụng nhiều, như: Khối lượng, không tiện dụng cho cây lúa; sử dụng phân bón hữu cơ phát triển không nhanh bằng dùng phân hóa học; giá thành khá cao. Nông dân dùng phân hữu cơ làm ra nông sản có chất lượng tốt nhưng đâu là nơi thu mua sản phẩm sản xuất bằng phân hữu cơ với giá thích hợp cho người đầu tư? Đó là vấn đề quan trọng”.

bon-2.jpg
Một điểm bán phân bón ở Mỹ Tú (Sóc Trăng) - Ảnh: Văn Kim Khanh

Hiện cả nước có khoảng 1.000 doanh nghiệp sản xuất phân bón với sản lượng khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại và nhập khẩu hơn 4 triệu tấn/năm. Cả nước tiêu thụ khoảng 15 triệu tấn phân bón/năm.

Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nền kinh tế hằng năm thiệt hại rất lớn do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra. Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy cho biết, từ việc quản lý đến sản xuất, phân phối hiện có nhiều bất cập. Trong số 9.000 loại phân bón đang có mặt trên thị trường, nhiều sản phẩm không đạt chất lượng như đăng ký với cơ quan chức năng.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, đến nay cả nước đã có hơn 24.000 loại sản phẩm phân bón, trong đó 80% là phân bón vô cơ. Tại các tỉnh ĐBSCL có 5.265 loại sản phẩm, chiếm 21,5%, trong đó phân vô cơ hơn 4.000 sản phẩm, còn lại là phân hữu cơ.

bon-1.jpg
Phân bón vô cơ vẫn tràn ngập thị trường ĐBSCL - Ảnh: Văn Kim Khanh

Quan ngại về dư lượng phân bón vô cơ ở ĐBSCL

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), về sử dụng phân bón, lượng phân sử dụng từ năm 2017 đến năm 2020 ở ĐBSCL là 10,3 triệu tấn/năm. Năm 2020, con số này giảm còn 10,23 triệu tấn. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết ĐBSCL sử dụng nhiều phân bón nhất, hơn 1 tấn/ha, tăng 42% so với mặt bằng chung cả nước.

Về sử dụng phân bón vô cơ, cả nước sử dụng trung bình 560kg/ha, còn ĐBSCL đã sử dụng đến 754kg/ha gieo trồng, vẫn cao hơn 35% so với mặt bằng chung. Trong đó, Bến Tre sử dụng phân vô cơ cao nhất trong 13 tỉnh ĐBSCL. Với phân bón hữu cơ, lượng sử dụng trung bình cả nước là 1,4 tấn/ha, riêng ĐBSCL là 392kg/ha.

bon-7.jpg
Những mô hình sản xuất theo đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải đều giảm từ 30 - 50% lượng phân bón vô cơ - Ảnh: Internet

Theo Tổng cục Thống kê, diện tích lúa cả năm 2023 ở ĐBSCL ước đạt 7,12 triệu hecta (tính gộp cả 3 vụ), tăng 10,1 nghìn hecta so với năm trước. Năng suất lúa bình quân trong năm 2023 ước đạt 61 tạ/ha. Tổng sản lượng lúa thu hoạch năm 2023 cao kỷ lục, đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn so với năm trước. Với những số liệu như vậy, số lượng phân bón hóa học ĐBSCL sử dụng hằng năm khá lớn so với cả nước.

Ông Trần Thanh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp) cho rằng: “Do nhu cầu về thâm canh, tăng năng suất trong sản xuất lúa nên nông dân trong vùng đã quen sử dụng phân bón hóa học. Hiện nay, ngành nông nghiệp và các tỉnh đều khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, từ tuyên truyền, đến nhận thức, việc nông dân thực hiện canh tác hữu cơ cần phải có quá trình và thời gian”.

cao-2.jpg
Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đang là xu hướng của đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải - Ảnh: L.X.C

Cũng theo ông Trần Thanh Tâm, về chuyện ĐBSCL sử dụng phân vô cơ nhiều hơn các vùng khác, ngoài yếu tố lạm dụng loại phân này của một số nông dân, các ngành chức năng cần phải xem xét đến yếu tố sản xuất luân canh. Vùng ĐBSCL hiện nay sản xuất lúa 1 năm 3 vụ rất phổ biến. Trong khi đó, các vùng miền khác chỉ sản xuất 1 hoặc 2 vụ lúa trong năm.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt: “Hiện nay nông sản có lợi thế rất lớn ở ĐBSCL nhưng việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại rất ít được điều tra, thống kê. Đề nghị Bộ NN-PTNT cho phép Cục BVTV, Cục Trồng trọt hoặc Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản điều tra, đánh giá cụ thể hơn nữa việc sử dụng các vật tư nông nghiệp ở ĐBSCL”.

Cũng theo ông Lê Thanh Tùng, sự kiểm tra không chỉ đánh giá về các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn đánh giá cả việc cần phải tiết kiệm trong sử dụng hơn nữa, cần minh bạch trong sản xuất.

cnc-8.jpg
Các mô hình sản xuất lúa an toàn đều áp dụng giảm phân bón vô cơ, tăng sử dụng phân bón hữu cơ - Ảnh: Internet

Tại hội nghị trực tuyến về thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc BVTV, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại ĐBSCL sáng 27.8, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan cần phải làm sáng tỏ việc sử dụng phân bón để hướng tới một nền nông nghiệp minh bạch theo đúng tôn chỉ Hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu mà Việt Nam đã tham gia.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết ông nhận được nhiều ý kiến từ chuyên gia, cán bộ quản lý và nông dân ở ĐBSCL, đặc biệt là chất lượng nông sản, thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV của ĐBSCL. Bộ trưởng Hoan khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như “3 giảm, 3 tăng”, IPM, sử dụng các sản phẩm vật tư đầu vào thế hệ mới, thông minh, an toàn với môi trường để tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu và các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp với điều kiện và cơ sở hạ tầng sẵn có tại Việt Nam, làm cơ sở cho việc đàm phán mở cửa thị trường nông sản với các nước.

Văn Kim Khanh