Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Múa lân đến từ đâu?
Văn hóa - Ngày đăng : 09:50, 17/09/2024
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng: Múa lân đến từ đâu?
Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng đã giải thích khá thấu đáo về nguồn gốc của nghệ thuật múa lân trong văn hóa dân gian Việt Nam.
Múa lân là hình thức nghệ thuật truyền thống phổ biến trong các dịp lễ hội và là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Xuất hiện trong chương trình Kính đa chiều, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ những gì ông đã nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa nghệ thuật của múa lân trong văn hóa dân gian Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, lân là một linh vật không có thật nhưng mang điềm lành, báo hiệu “thiên hạ thái bình” hoặc có thánh nhân ra đời. Do đó, theo giai thoại về đức Khổng Tử, tương truyền khi vị thánh nhân này viết kinh Xuân Thu thì người dân bắt được một con lân què chân ngoài đồng. Khi ấy, đức Khổng Tử than rằng đạo của ông đến lúc cùng, không còn phát triển, bèn chấm dứt quyển kinh Xuân Thu từ đó. Về sau, kinh Xuân Thu còn được gọi là Lân kinh.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giải thích, lân bị què có nghĩa báo hiệu loạn lạc sắp xảy ra, thánh nhân không còn, nên về sau người dân múa lân để gửi gắm mong ước thanh bình và phát đạt, bởi lân là điềm báo của sự thịnh trị, an lành và phát đạt.
Nhà nghiên cứu văn hóa cho biết thêm, lân là một biểu tượng cổ đại. Trong tâm thức cổ đại, kỳ - lân, phụng - hoàng, uyên ương là cặp đôi lưỡng thể, có ý nghĩa vũ trụ. Đây là biểu tượng cho tính toàn thể thống nhất, chứa đựng cả hai yếu tố âm dương. Đời sau, các cặp đôi lưỡng thể phân biệt ra âm - dương, đực - cái, chẳng hạn như kỳ lân thì kỳ là con đực, lân là con cái, đối với phụng hoàng thì phụng là con mái, hoàng là con trống.
Clip nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giải thích nguồn gốc múa lân
Ngày nay ngoài múa lân còn kết hợp cả múa sư tử. Với cộng đồng người Hoa, đoàn múa lân sư tử hay lân - sư - rồng và đột lốt linh vật bằng lông, không phải bằng giấy. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết múa sư tử có xuất xứ và ý nghĩa khác so với múa lân.
Theo ông Trảng, trước đó, sư tử là loài vật không có ở Trung Quốc mà chỉ tồn tại ở các quốc gia như Ấn Độ, châu Phi hay phương Tây và được xem là vua của muôn loài. Phải đến thời hậu Hán khi các nước vùng Tây Vực tặng cho vua Hán 2 con sư tử thì người Trung Quốc mới tận mắt nhìn thấy loài vật này. Từ đó, sư tử trở thành biểu tượng của quyền lực và sự mạnh mẽ, được tôn sùng trong văn hóa tín ngưỡng nghệ thuật của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng lấy ví dụ nhiều chùa, miếu, hội quán ở Trung Quốc thường đặt hai con sư tử phía trước. Hai sư tử này là một đôi gồm sư tử đực và sư tử cái. Để phân biệt hai tượng sư tử, người ta thường làm bộ phận tính dục khác nhau. Tuy nhiên nhiều nơi thanh nhã thì tượng sư tử đực và cái được phân biệt qua hành động như sư tử đực chơi đùa với một quả cầu còn sư tử cái thì đùa giỡn cùng sư tử con.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng hình ảnh sư tử du nhập vào Trung Quốc còn có thể gắn liền sự truyền bá của Phật giáo. Theo ông, sư tử là biểu tượng quan trọng trong Phật giáo. Khi Phật giáo lan truyền sang các quốc gia thì hình tượng sư tử cũng được truyền bá khắp nơi, trở thành một phần của nghệ thuật và tín ngưỡng tôn giáo.
Qua những chia sẻ của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, có thể thấy rằng múa lân không chỉ là một hình thức nghệ thuật biểu diễn mà còn chứa đựng những mong ước về sự bình an và thịnh vượng.
Kính đa chiều là talkshow với format mới lạ và hấp dẫn. Mỗi tập phát sóng sẽ có nhiều chủ đề để cùng bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. Chương trình hứa hẹn mang đến cái nhìn đa chiều thông qua những cuộc đối thoại sâu sắc, thảo luận và chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của người trong cuộc.