Pháp dùng luật tội phạm mạng cứng rắn lần đầu thấy ở phương Tây nhắm vào CEO Telegram
Thế giới số - Ngày đăng : 23:03, 17/09/2024
Pháp dùng luật tội phạm mạng cứng rắn lần đầu thấy ở phương Tây nhắm vào CEO Telegram
Khi nhắm vào Giám đốc điều hành Telegram - Pavel Durov, các công tố viên Pháp đã có quân át chủ bài để sử dụng, một luật mới nghiêm khắc mà không có luật quốc tế tương tự nào để hình sự hóa các ông trùm công nghệ có nền tảng cho phép những sản phẩm hoặc hoạt động bất hợp pháp.
Được ban hành vào tháng 1.2023, luật LOPMI đã đưa Pháp lên vị trí hàng đầu trong một nhóm các quốc gia có lập trường cứng rắn hơn với những trang web có nhiều tội phạm. Vì OPMI được ban hành gần đây nên chưa có vụ án nào mà các công tố viên thành công trong việc kết tội ai đó dựa trên luật này.
Với luật vẫn chưa được thử nghiệm tại tòa án, nỗ lực tiên phong của Pháp nhằm truy tố những nhân vật như Pavel Durov có thể phản tác dụng nếu các thẩm phán nước này ngần ngại trừng phạt các ông chủ công nghệ vì cáo buộc phạm tội trên nền tảng của họ.
Một thẩm phán người Pháp đã chính thức điều tra Pavel Durov vào tháng trước, buộc tội tỷ phú 39 tuổi gốc Nga với nhiều tội danh khác nhau. Trong đó có tội danh năm 2023 là "đồng lõa trong việc quản lý nền tảng trực tuyến để cho phép giao dịch bất hợp pháp, trong một băng đảng có tổ chức", với mức án tối đa 10 năm tù và khoản tiền phạt 500.000 euro (556.300 USD).
Việc Pavel Durov bị Pháp điều tra chính thức không đồng nghĩa có tội hoặc nhất thiết phải dẫn đến xét xử, nhưng cho thấy các thẩm phán nghĩ rằng có đủ bằng chứng để tiến hành việc này. Các cuộc điều tra Pavel Durov có thể kéo dài nhiều năm trước khi được đưa ra xét xử hoặc bị hủy bỏ.
Đã nộp 5 triệu euro để được tại ngoại, Pavel Durov phủ nhận Telegram là "thiên đường vô chính phủ". Telegram nói rằng họ "tuân thủ luật pháp Liên minh châu Âu (EU) và vô lý khi tuyên bố rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu nó phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nền tảng đó".
Trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh tuần trước, Laure Beccuau (công tố viên ở Paris, thủ đô Pháp) đã ca ngợi luật năm 2023 là công cụ mạnh mẽ để chống lại các nhóm tội phạm có tổ chức đang ngày càng hoạt động trực tuyến.
Luật này có vẻ độc đáo. 8 luật sư và học giả nói với hãng tin Reuters rằng họ không biết bất kỳ quốc gia nào khác có luật tương tự.
"Không có tội danh nào trong luật pháp Mỹ tương tự với điều đó và tôi cũng không biết có luật nào tương tự ở thế giới phương Tây", Adam Hickey, cựu trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, cho biết. Adam Hickey từng thành lập chương trình an ninh mạng quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ, hiện làm việc tại công ty luật Mayer Brown.
Adam Hickey nói các công tố viên Mỹ có thể buộc tội ông chủ công nghệ là "đồng phạm hoặc giúp sức cho các hành vi phạm tội do người dùng thực hiện" nhưng chỉ khi có bằng chứng cho thấy "nhà điều hành có ý định cho người dùng tham gia và tự mình tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm".
Ông trích dẫn bản án năm 2015 của Ross Ulbricht, chủ sở hữu trang web Silk Road đã tổ chức bán ma túy. Các công tố viên Mỹ lập luận rằng Ross Ulbricht "cố ý điều hành Silk Road như thị trường tội phạm trực tuyến nằm ngoài tầm với của cơ quan thực thi pháp luật", theo Bộ Tư pháp Mỹ. Ross Ulbricht đã bị kết án tù chung thân.
Timothy Howard, cựu công tố viên liên bang Mỹ đưa Ross Ulbricht vào tù, hoài nghi rằng Pavel Durov có thể bị kết án tại Mỹ nếu không có bằng chứng cho thấy ông biết về những kẻ phạm tội trên Telegram và tích cực tạo điều kiện cho chúng, đặc biệt là xét đến quy mô lớn và chủ yếu tuân thủ pháp luật của cơ sở người dùng Telegram.
Timothy Howard nhận xét: "Theo kinh nghiệm của tôi về hệ thống pháp luật Mỹ, luật của Pháp được xem như một cách tiếp cận pháp lý rất cứng rắn".
Michel Séjean, giáo sư luật mạng người Pháp, cho biết luật nghiêm ngặt hơn ở nước này được đưa ra sau khi chính quyền trở nên bực bội với các công ty như Telegram.
"Nó không phải là vũ khí hạt nhân. Nó là vũ khí giúp bạn không trở nên bất lực khi đối mặt với các nền tảng không hợp tác", Michel Séjean bình luận.
“Công cụ có khả năng mạnh mẽ và hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách”
Luật năm 2023 bắt nguồn từ sách trắng của Bộ Nội vụ Pháp năm 2020, trong đó kêu gọi đầu tư lớn vào công nghệ để giải quyết các mối đe dọa mạng đang gia tăng.
Tiếp theo là một luật tương tự vào tháng 11.2023, gồm cả biện pháp định vị địa lý theo thời gian thực của những người bị tình nghi phạm tội nghiêm trọng bằng cách kích hoạt thiết bị của họ từ xa. Một đề xuất bật camera và loa ngoài của thiết bị để các nhà điều tra có thể theo dõi hoặc nghe lén đã bị Hội đồng Hiến pháp Pháp bác bỏ.
Những luật mới này đã trao cho Pháp một số công cụ mạnh mẽ nhất thế giới để giải quyết tội phạm mạng, bằng chứng là vụ bắt giữ Pavel Durov ở Paris, theo Sadry Porlon - luật sư người Pháp chuyên về luật công nghệ truyền thông.
Tom Holt, giáo sư về tội phạm mạng tại Đại học Michigan State (Mỹ), nói LOPMI "là công cụ có khả năng mạnh mẽ và hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách", đặc biệt là trong các cuộc điều tra về hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em, buôn bán thẻ tín dụng và các cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DdoS), nhắm vào các doanh nghiệp hoặc chính phủ.
Được trang bị các quyền lực mới, đơn vị tội phạm mạng J3 đầy tham vọng tại văn phòng công tố Paris (giám sát cuộc điều tra Pavel Durov) đang tham gia vào một số vụ án nổi cộm nhất của Pháp.
Vào tháng 6, đơn vị J3 đã đóng cửa Coco, diễn đàn trò chuyện ẩn danh liên quan đến hơn 23.000 thủ tục tố tụng pháp lý kể từ năm 2021 vì các tội danh như mại dâm, hiếp dâm và giết người.
Coco giữ vai trò trung tâm trong phiên tòa đang gây chấn động nước Pháp.
Dominique Pelicot (71 tuổi) bị cáo buộc tuyển dụng hàng chục người đàn ông trên Coco để cưỡng hiếp vợ mình, người mà ông đánh thuốc mê. Dominique Pelicot đã làm chứng tại tòa hôm 17.9, thừa nhận tội lỗi của mình và xin gia đình tha thứ. Trong khi đó, 50 người đàn ông khác cũng đang bị xét xử vì tội cưỡng hiếp.
Isaac Steidel, chủ sở hữu của Coco, bị tình nghi phạm tội tương tự Pavel Durov là "cung cấp một nền tảng trực tuyến để cho phép tổ chức tội phạm thực hiện giao dịch bất hợp pháp".
Julien Zanattam, luật sư của Isaac Steidel, từ chối bình luận.
Hôm 5.9, Pavel Durov chỉ trích giới chức Pháp áp dụng những điều luật lạc hậu khi truy tố ông và phủ nhận các cáo buộc nhằm vào Telegram.
Pavel Durov đăng bài viết dài trên Telegram, cho biết "thật đáng ngạc nhiên" khi ông phải chịu trách nhiệm về nội dung do người khác đăng trên nền tảng này.
"Sử dụng luật từ thời kỳ trước khi có smartphone để buộc tội một CEO về những hành động phạm pháp do bên thứ ba gây ra trên ứng dụng họ quản lý là cách tiếp cận sai lầm", ông viết.
Đây là lần đầu tiên Giám đốc điều hành Telegram lên tiếng kể từ khi bị bắt ở Pháp tối 24.8, rồi đóng phí khoảng 5 triệu euro hôm 28.8 để được tại ngoại.
Pavel Durov cũng phủ nhận những tuyên bố cho rằng Telegram "không khác gì một dạng thiên đường vô chính phủ", khẳng định ứng dụng này xóa "hàng triệu bài đăng và kênh có hại" mỗi ngày.
Giám đốc điều hành Telegram bác bỏ cáo buộc nền tảng không phản hồi các yêu cầu của giới chức Pháp, khẳng định ông đích thân giúp chính quyền nước này "thiết lập đường dây nóng với Telegram để giải quyết mối đe dọa khủng bố".
Pavel Durov sử dụng giọng điệu hòa giải hơn ở cuối bài viết, cho hay số lượng người dùng tăng vọt của Telegram đã gây ra những khó khăn ngày càng lớn, khiến tội phạm dễ dàng lạm dụng nền tảng. Ông ước tính Telegram đã đạt 950 triệu người dùng trên toàn thế giới.
"Đó là lý do tôi đặt mục tiêu đảm bảo cải thiện đáng kể vấn đề này", Giám đốc điều hành Telegram cho hay, nói thêm rằng vấn đề đang được giải quyết nội bộ và sẽ chia sẻ thêm thông tin chi tiết trong tương lai.
Ngoài ra, Pavel Durov tuyên bố Telegram sẵn sàng rút khỏi một quốc gia nếu không thể thống nhất về sự cân bằng phù hợp giữa quyền riêng tư và bảo mật với các cơ quan quản lý địa phương.