Microsoft: Thông tin ‘bà Kamala Harris lái xe tông bé gái 13 tuổi rồi bỏ chạy’ là sai sự thật
Thế giới số - Ngày đăng : 12:04, 18/09/2024
Microsoft: Thông tin ‘bà Kamala Harris lái xe tông bé gái 13 tuổi rồi bỏ chạy’ là sai sự thật
Một thông tin sai sự thật đang lan truyền trên mạng xã hội rằng “bà Kamala Harris, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, khiến bé gái 13 tuổi bị liệt sau vụ tông xe rồi bỏ chạy được cho ở San Francisco năm 2011”.
Theo nghiên cứu mới của Microsoft, đó là sản phẩm của chiến dịch tung tin sai lệch bí mật xuất phát từ Nga.
Các nhà nghiên cứu Microsoft phát hiện ra rằng chiến dịch này đã tạo ra video, trả tiền cho một diễn viên để đóng vai nạn nhân đưa ra cáo buộc và phát tán tuyên bố này thông qua trang web giả mạo của một hãng tin tức không tồn tại ở thành phố San Francisco (Mỹ) có tên KBSF-TV. Theo Microsoft, nhóm người Nga chịu trách nhiệm cho hành vi này được gọi là Storm-1516, một troll farm (trang trại troll).
Troll farm là thuật ngữ dùng để chỉ các tổ chức hoặc nhóm chuyên sản xuất và lan truyền thông tin sai lệch, tin đồn hoặc các nội dung gây hoang mang trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. Những kẻ troll trong các trang trại này thường tạo ra hàng loạt tài khoản giả mạo hoặc ẩn danh để đăng tải, bình luận và chia sẻ thông tin với mục tiêu gây hoang mang, chia rẽ, hoặc tác động đến dư luận.
Những troll farm có thể được nhà nước tài trợ hoặc thuộc sở hữu tư nhân, thường được sử dụng để phục vụ các chiến dịch tuyên truyền chính trị, đặc biệt là trong bối cảnh bầu cử hoặc xung đột quốc tế.
Microsoft cho biết phát hiện này là dấu hiệu cho thấy những người tại Nga đang tăng cường các nỗ lực gây ảnh hưởng ở nước ngoài trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5.11.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Nga tại Washington không trả lời khi được hãng tin Reuters đề nghị bình luận.
"Các hoạt động gây ảnh hưởng của người Nga ban đầu gặp khó khăn trong việc điều chỉnh các hoạt động nhắm vào chiến dịch của đảng Dân chủ sau khi ông Biden rút khỏi cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Tuy nhiên vào cuối tháng 8, các thành viên của Storm-1516 bắt đầu sản xuất nội dung cáo buộc Phó tổng thống Harris và Thống đốc Tim Walz trong các thuyết âm mưu giả mạo kỳ lạ", Microsoft cho biết trong bài viết trên blog.
Phó tổng thống Kamala Harris hôm 6.8 thông báo chọn Thống đốc bang Minnesota - Tim Walz (60 tuổi) làm người đồng hành cùng bà trên đường đua Nhà Trắng. Tim Walz từng có 24 năm binh nghiệp, trước khi tham gia chính trị. Quyết định này biến Tim Walz, một cựu binh, cựu giáo viên trung học đến từ vùng Trung Tây nước Mỹ, thành mảnh ghép cuối cùng để bà Kamala Harris hoàn thiện đội ngũ tranh cử.
Theo các chuyên gia Microsoft, Storm-1516 được biết đến với việc sản xuất các video gây hiểu lầm có sự tham gia của các diễn viên lồng tiếng hoặc diễn viên trên màn ảnh đóng giả người tố giác hoặc nhà báo chia sẻ thông tin sai lệch, tai tiếng.
Theo hồ sơ đăng ký trực tuyến, một trang web của KBSF-TV đã được tạo ra ngay trước khi xuất bản bài viết liên quan đầu tiên về “vụ tông bé gái 13 tuổi rồi bỏ chạy” không có thật. Tuyên bố này đã được lưu hành trên các nền tảng truyền thông xã hội, gồm cả X, bằng cách sử dụng hashtag #HitAndRunKamala.
Video cũng được chia sẻ vào ngày 3.9 trên X bởi Aussie Cossack, người tự mô tả mình là "Điệp viên nước ngoài đã được đăng ký của Sputnik News", với thông điệp "Hãy lan truyền rộng rãi nhé các bạn MAGA". Ước tính video đã được xem hơn 2,7 triệu lần.
MAGA là viết tắt của Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), một khẩu hiệu chính trị nổi tiếng được ông Donald Trump sử dụng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Khẩu hiệu này phản ánh cam kết của ông Trump trong việc khôi phục vị thế và sức mạnh của nước Mỹ trên các mặt trận kinh tế, quân sự và chính trị.
MAGA sau đó đã trở thành biểu tượng của phong trào ủng hộ ông Trump, bao gồm các chính sách bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ nghĩa dân tộc kinh tế và giảm thiểu sự can thiệp của chính phủ vào đời sống kinh doanh. Những người ủng hộ ông Trump thường tự gọi mình là MAGA folks.
"Nhiều thực thể trong hệ sinh thái ủng hộ Nga đã phát triển video và các tuyên bố của nó. Storm-1516 dựa vào một số nhân vật này, chẳng hạn Aussie Cossack, để tăng cường việc khuếch đại các video của mình", Trung tâm phân tích mối đe dọa của Microsoft cho biết.
Aussie Cossack không trả lời ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận.
Đầu tháng 9, Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn cáo buộc rửa tiền với hai nhân viên của mạng lưới truyền thông RT (Nga) vì những gì các quan chức cho biết là kế hoạch thuê một công ty Mỹ sản xuất nội dung trực tuyến để tác động đến cuộc bầu cử.
Các quan chức Mỹ nói mục tiêu của Nga là làm trầm trọng thêm sự chia rẽ chính trị ở Mỹ và làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng với viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine. Kamala Harris cho biết nếu được bầu làm Tổng thống Mỹ, bà sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine trong việc bảo vệ đất nước này chống lại Nga.
Hôm 17.9, Meta Platforms (công ty mẹ Facebook, Instagram, Threads, WhatsApp) tuyên bố cấm đài RT, Rossiya Segodnya và các mạng lưới truyền thông nhà nước khác của Nga khỏi những nền tảng do họ sở hữu.
"Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định mở rộng những chủ trương hiện hành với các cơ quan truyền thông nhà nước Nga. Rossiya Segodnya, RT và các tổ chức khác sẽ bị cấm khỏi các ứng dụng của chúng tôi trên toàn cầu vì hoạt động can thiệp nội bộ quốc gia khác từ nước ngoài", Meta Platforms tuyên bố.
Meta Platforms cho biết lệnh cấm trên sẽ được thi hành trong vài ngày tới và có hiệu lực với tất cả ứng dụng do công ty này sở hữu như Facebook, Instagram, WhatsApp, Threads.
Lệnh cấm trên đánh dấu bước leo thang căng thẳng đáng kể giữa công ty mạng xã hội lớn nhất thế giới và truyền thông Nga.
Trong nhiều năm qua, căng thẳng giữa Meta Platforms và các tổ chức trên đã âm ỉ khi công ty Mỹ tiến hành một số biện pháp giới hạn khả năng hoạt động của báo đài Nga, như không cho phép chạy quảng cáo trên Facebook và Instagram, giảm phạm vi các bài đăng của họ tiếp cận người dùng...
Trước lệnh cấm, RT có hơn 7,2 triệu người theo dõi trên Facebook và hơn 1 triệu người theo dõi trên Instagram.
Về chuyện trên, người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov chia sẻ với các phóng viên hôm 17.9: "Meta Platforms đang tự làm mất uy tín của mình bằng những hành động này. Những hành động có chọn lọc như vậy chống lại phương tiện truyền thông Nga là không thể chấp nhận được... Điều đó làm phức tạp triển vọng bình thường hóa quan hệ của chúng tôi với Meta".
Người phát ngôn của YouTube cũng cho biết công ty đã chấm dứt hơn 230 kênh liên kết với Rossiya Segodnya và AVO TV Novosti, vốn đã bị chặn khỏi người xem.
Nga từng coi Meta Platforms là tổ chức "cực đoan" vào năm 2022, chặn Instagram và Facebook, phản đối những thay đổi trong chính sách về ngôn từ kích động thù địch của công ty do Mark Zuckerberg điều hành cho phép người dùng trút giận lên Nga vì cuộc tấn công Ukraine.
Nga cũng chỉ trích những nỗ lực trước đây của Meta Platforms nhằm hạn chế phạm vi tiếp cận của phương tiện truyền thông Nga và phạt công ty này nhiều lần vì không xóa nội dung mà họ cho là bất hợp pháp ở nước này.
WhatsApp, ứng dụng của Meta Platforms mà Nga vẫn chưa cấm đến nay, vẫn được hàng triệu người Nga sử dụng.
Telegram, ứng dụng mà Pavel Durov - tỷ phú gốc Nga tạo ra, cũng được sử dụng rộng rãi ở Nga. Pavel Durov và Telegram bị điều tra chính thức tại Pháp vào tháng 8.
VK Video, được điều hành bởi hãng công nghệ VK do nhà nước kiểm soát, cung cấp giải pháp thay thế cho YouTube, vốn đang chịu áp lực ở Nga vì nỗ lực chặn phương tiện truyền thông nhà nước Nga.
Nhà Trắng từ chối bình luận về động thái mới của Meta Platforms. Song hôm 13.9, Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken kêu gọi các nước trên thế giới xem hoạt động của RT là hoạt động tình báo lén lút.
Ở chiều ngược lại, RT thường xuyên chỉ trích các hành động của Mỹ và cáo buộc chính quyền Biden tìm cách ngăn chặn đài này hoạt động báo chí.