Bão số 4 giật cấp 10, cách Đà Nẵng 200km

Sự kiện - Ngày đăng : 05:37, 19/09/2024

Sáng sớm nay (19.9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành cơn bão số 4.
Sự kiện

Bão số 4 giật cấp 10, cách Đà Nẵng 200km

P.V 19/09/2024 05:37

Sáng sớm nay (19.9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành cơn bão số 4.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4 giờ sáng nay (19.8), vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 17,3 độ vĩ bắc; 109,8 độ kinh đông, cách Đà Nẵng 210km về phía đông bắc, cách Quảng Trị khoảng 260km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74km/h), giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ khoảng 20km/h.

screenshot-2024-09-19-052251.jpg
Dự báo diễn biến bão trong 24 giờ tới - Nguồn: Trung tâm DBKTTV quốc gia

Vùng biển phía tây khu vực bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6 - 7 (39 - 61km/h), sóng biển cao 2 - 4m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62 - 74km/h), giật cấp 10 (89 - 102km/h), sóng biển cao 3 - 5m, biển động mạnh.

Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động mạnh, ở khu vực biển từ Bình Định đến Cà Mau; phía nam của khu vực giữa Biển Đông, khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) gió tây nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9, sóng biển cao từ 3 - 5m. Biển động mạnh.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Từ sáng 19.9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62 - 74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h); sâu trong đất liền có gió giật cấp 6 - 7.

baos04-19.9bbbbbbbbbbbb.jpg
Dự báo hướng đi của bão số 4 - Nguồn: Trung tâm DBKTTV quốc gia

Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó mưa bão

Trước dự báo áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4 trong đêm 18.9, gây gió mạnh, sóng lớn ven biển và đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó.

Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; Bộ trưởng các bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Lao động - Thương Binh và Xã hội, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu trên tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, cập nhật liên tục thông tin diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ; chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế trên địa bàn, quán triệt phương châm "bốn tại chỗ", chủ động xử lý các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Các địa phương phải tập trung triển khai rà soát, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền không đi vào, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện tại nơi neo đậu tránh trú và các hoạt động sản xuất trên biển, ven biển, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu du lịch, dịch vụ ven biển.

Triển khai phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân; hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, sản xuất kinh doanh, đê điều, hồ đập, công trình xây dựng, nhất là công trình giao thông, đê kè đang thi công dở dang; khẩn trương hoàn thành việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị, nhà cửa, trụ sở, nạo vét, khơi thông cống rãnh, hệ thống tiêu thoát nước; vận hành, điều tiết các hồ đập thủy điện, thủy lợi trên địa bàn khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra tình trạng lũ chồng lũ.

Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Chủ động triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh; kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các hộ dân tại các khu vực bị cô lập; tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở, thiếu nước uống.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, dự báo, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai có hiệu quả công tác ứng phó theo quy định.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tổ chức trực ban 24/7, theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Công an chỉ đạo các lực lượng cứu hộ, cứu nạn ứng trực thường xuyên, sẵn sàng cứu dân, tài sản và các yêu cầu khẩn cấp khác.

P.V