Năm 2018, Việt Nam đầu tư vào nước nào nhiều nhất?

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 18:18, 26/12/2018

Trong năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 38 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 81,5 triệu USD, chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư. Australia xếp thứ hai với 55,5 triệu USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư. Mỹ xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư 52,9 triệu USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư.
Năm 2018, Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất vào Lào - Ảnh minh họa

Theo báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) năm 2018 do Bộ KH-ĐT vừa công bố, trong năm 2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 19,1 tỉ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Cũng theo báo cáo này, xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) đạt 175,5 tỉ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 71,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 173,2 tỉ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 70,7% kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực ĐTNN đạt 142,7 tỉ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 60,1% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 32,8 tỉ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 30,5 tỉ USD không kể dầu thô.

Tính đến ngày 20.12.2018, cả nước có 3.046 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới gần 18 tỉ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2017. Cũng trong 12 tháng năm 2018, cả nước có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỉ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ 2017.

Tính chung trong năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,46 tỉ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN với tổng số vốn đạt 16,58 tỉ USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 6,6 tỉ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,67 tỉ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký...

Theo đối tác đầu tư, Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 8,59 tỉ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,2 tỉ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5 tỉ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư...

Năm 2018, Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký là 7,5 tỉ USD, chiếm 21,2% tổng vốn đầu tư. TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 5,9 tỉ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư.

Tính lũy kế đến ngày 20.12.2018, cả nước có 27.353 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 340,1 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 191,4 tỉ USD, bằng 56,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong năm 2018, cả nước có 149 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam 376,1 triệu USD; có 35 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 56 triệu USD. Tính chung trong 12 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 432,1 triệu USD.

Trong năm 2018, lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,7 triệu USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai với 82,9 triệu USD và chiếm 19,1% tổng vốn đầu tư; nông, lâm nghiệp, thủy sản đứng thứ ba với 52,3 triệu USD, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.

Trong năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 38 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 81,5 triệu USD, chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư. Australia xếp thứ hai với 55,5 triệu USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư. Mỹ xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư 52,9 triệu USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Campuchia, Slovakia, Cuba.

Lam Thanh