Sở KH-ĐT lên tiếng về đề xuất khu du lịch tâm linh Hương Sơn của doanh nghiệp Xuân Trường
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:58, 26/12/2018
Chiều 25.12, trao đổi với báo chí tại cuộc giao ban thông tin báo chí Thành ủy Hà Nội về việc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường vừa đề xuất đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh có quy mô 1.000 ha ở khu vực chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, ông Trần Đức Nam, Phó giám đốc Sở KH-ĐH Hà Nội cho biết đây không phải là đề án chỉ duy nhất của nhà đầu tư Xuân Trường vào khu vực Mỹ Đức, chùa Hương.
“Hiện giờ ở đây có 3-4 dự án trước đó đã được Bộ VH-TT-DL đã có kết luận, trong đó có cả tâm linh, cáp treo liên quan đến Hòa Bình, Hà Nội”, ông nói.
Theo ông Nam, việc xây dựng đầu tư một khu vực tâm linh, du lịch ở đây, phía Xuân Trường cho rằng mục đích đầu tư thu lợi chỉ là một phần. Doanh nghiệp mong muốn tạo ra cho Hà Nội một không gian đẹp và chỉ 4 - 5 năm sau có thể được trở thành di sản thế giới.
"Đề án của doanh nghiệp Xuân Trường đề nghị đầu tư hơn 1.000 ha, trong đó theo chúng tôi tính toán có hơn 400 ha chồng lấn với các dự án khác. UBND TP yêu cầu Sở KH-ĐT họp với các nhà đầu tư, trong đó khẳng định các nhà đầu tư cùng hợp tác, trong quá trình đó phải xây dựng một quy hoạch tổng thể", ông Nam cho biết.
Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng để dự án trở thành di sản thế giới không phải là chuyện đơn giản. Đây chỉ là mong muốn của nhà đầu tư. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo các nhà đầu tư khác là làm trong lĩnh vực này không cẩn thận cũng rất dễ đổ vỡ do chi phí lớn. Hiện nay nhà đầu tư Xuân Trường cũng chưa cụ thể ở khu vực nào và tiến độ thực hiện như thế nào”, ông nói.
Trước đó, trong công văn số 5360/KH&ĐT-NNS gửi UBND TP.Hà Nội về việc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề nghị đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn, Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết, doanh nghiệp Xuân Trường đã có văn bản đề xuất dự án từ tháng 7.2018.
Theo đề xuất, doanh nghiệp sẽ xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức với quy mô khoảng 1.000 ha (phía Bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao của tỉnh Hà Nam, phía tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam), tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng.
Dự án gồm các hạng mục như: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20 km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100 m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng…
“Nếu được triển khai, doanh nghiệp cam đoan Khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hóa cùng với khu du lịch Tam Chúc Hà Nam vào năm 2028. Khi khu du lịch hoàn thành, sẽ đón từ 6 - 8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và ngân sách khoảng 1.000 tỉ đồng/năm”, Giám đốc doanh nghiệp Xuân Trường nêu rõ trong công văn.
Liên quan đến đề xuất xây dựng siêu dự án tâm linh quy mô 15.000 tỉ đồng tại chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) của doanh nghiệp Xuân Trường, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy - Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết dự án khu du lịch tâm linh Hương Sơn không nằm trong quy hoạch khu du lịch quốc gia mà Thủ tướng phê duyệt, cụ thể là tại Quyết định 201 ngày 22.1.2013.
Theo bà Thúy, để làm khu du lịch quy mô như vậy phải đánh giá tác động môi trường chi tiết; phải xác định dự án vì quyền lợi của ai, ai là người được hưởng lợi nhiều nhất? Việc làm dự án có đúng luật hay không và có ảnh hưởng thế nào đến thiên nhiên, di sản văn hóa, tâm linh hay không?
Trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, ĐBQH Kim Thúy cho biết nhiều dự án du lịch, tâm linh của Xuân Trường có mô hình chung là đề xuất tổng vốn đầu tư rất cao (trên 10.000 tỉ đồng) nhưng trong đó chủ yếu là vốn nhà nước (ngân sách trung ương và địa phương).
Điển hình là dự án Hồ núi Cốc, bà Thúy dẫn thông tin từ PGS.TS Đào Trọng Tứ trả lời báo chí thì tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỉ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp bỏ ra chỉ vài trăm tỉ đồng, còn lại là vốn nhà nước.
“Tại dự án Khu du lịch tâm linh Hương Sơn mà doanh nghiệp này đề xuất mới đây cũng tái diễn kịch bản tương tự khi doanh nghiệp đề nghị "Nhà nước giải phóng mặt bằng và làm toàn bộ phần hạ tầng” để bàn giao cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu tâm linh, dịch vụ và khai thác", bà Thúy nêu.
Theo bà Thúy, cách triển khai tại các dự án trên có dấu hiệu vi phạm Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… Do đó, đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết: “Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn và cần ưu tiên cho những lĩnh vực then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, việc quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án trên có đúng pháp luật không? Bộ trưởng có giải pháp gì để phòng ngừa, ngăn chặn những dự án tương tự xảy ra?”.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng nêu, vừa qua doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất xây dựng Tuyến đường hành hương từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia qua Chùa Hương (Hà Nội), qua Tam Chúc, Ba Sao (Hà Nam), về Bái Đính (Ninh Bình).
Giai đoạn trước mắt, thực hiện đoạn đi qua Hà Nội nằm trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31.3.2016, giao UBND Hà Nội tổ chức hoàn chỉnh hồ sơ và bố trí vốn.
“Xung quanh đề xuất này, theo báo chí phản ánh có dấu hiệu trục lợi từ doanh nghiệp Xuân Trường, vẽ ra tuyến đường hành hương đi qua 3 khu du lịch do doanh nghiệp đầu tư để đặt các trạm thu phí, thương mại hoá chủ trương phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh các trạm thu phí BOT trong thời gian qua khiến dư luận hết sức bức xúc chứ không thực tâm phát triển du lịch theo chủ trương được duyệt”, bà Thúy nêu.
Lam Thanh