Bão gây lũ lụt ở châu Âu: Hậu quả từ biến đổi khí hậu?
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 18:04, 20/09/2024
Bão gây lũ lụt ở châu Âu: Hậu quả từ biến đổi khí hậu?
Mặc dù khó có thể đưa ra mối liên hệ rõ ràng giữa thảm họa này và biến đổi khí hậu, nhưng các chuyên gia cho biết trận lũ lụt nghiêm trọng nhất tấn công Trung Âu trong hai chục năm qua phù hợp với mô phỏng về diễn tiến khắc nghiệt của khí hậu.
Swenja Surminski, Giám đốc điều hành về khí hậu và tính bền vững tại công ty bảo hiểm Marsh McLennan và Giáo sư về kiểm soát rủi ro khí hậu tại Trường Kinh tế London cho biết: "Những thay đổi về điều kiện khí hậu khiến các đợt mưa lớn này có khả năng xảy ra cao hơn nhiều, do đó phù hợp với phỏng đoán mà các chuyên gia khí hậu ước tính trước, nhưng rất khó để xác định và nói rằng bao nhiêu phần trăm trong số này là do biến đổi khí hậu".
Lũ lụt đã tác động nặng nề nhất đến Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Áo, Hungary và Ba Lan. Trong khi một số quốc gia đang phải đối mặt với nhiều sự tàn phá hơn, thì những quốc gia khác đang bắt đầu phục hồi. Vào giữa tuần, các tình nguyện viên và quân đội ở phía nam Ba Lan đã cố gắng chuẩn bị ứng phó cho đợt lũ lụt tiếp theo bằng cách đặt bao cát gần lòng sông xung quanh thành phố Wroclaw để bảo vệ nhà cửa người dân. Ở nơi khác, Cộng hòa Séc báo cáo thêm một trường hợp tử vong do lũ lụt sau khi cảnh sát tìm thấy thi thể của một phụ nữ 70 tuổi dường như đã bị nước cuốn trôi ở phía Đông bắc đất nước này. Ngoại trừ phía tây nam Ba Lan, nước dường như đang rút ở hầu hết các nơi, cho phép chính quyền và người dân bắt đầu quá trình dọn dẹp.
Lũ lụt là do cơn bão Boris di chuyển chậm gây ra, mang theo một trận mưa lớn. Trong bốn ngày trong tuần, cơn bão đã trút lượng mưa gấp 5 lần lượng mưa trung bình dự kiến rơi xuống khu vực này vào tháng 9. Theo ảnh chụp từ trên không, tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chẳng hạn như Ostrava, Cộng hòa Séc, nhiều ngôi nhà đã bị nhấn chìm hoàn toàn trong nước.
Romania đã chứng kiến ít nhất bảy trường hợp tử vong do lũ lụt. Tổng thống Klaus Iohannis hôm 14.9 cho biết thời tiết khắc nghiệt là triệu chứng của biến đổi khí hậu. Ông viết: "Chúng ta lại phải đối mặt với những tác động của biến đổi khí hậu, ngày càng hiện diện nhiều hơn ở châu Âu, với những hậu quả nghiêm trọng".
Các chuyên gia cho biết mặc dù còn quá sớm để khẳng định chắc chắn liệu biến đổi khí hậu có trực tiếp gây ra hay làm trầm trọng thêm thảm họa đang diễn ra hay không, nhưng lũ lụt phù hợp với dự đoán thời tiết cực đoan sẽ xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu.
Paul Bates, giáo sư thủy văn tại Đại học Bristol, chuyên gia về khoa học lũ lụt, cho biết: "Thật sự rất khó để liên hệ một sự kiện duy nhất với tác động của biến đổi khí hậu". Bates cho biết để chứng minh chắc chắn liệu biến đổi khí hậu có góp phần gây ra lũ lụt ở châu Âu hay không, thì các nhà nghiên cứu sẽ cần tiến hành một nghiên cứu quy kết, mất ít nhất vài tuần.
Bates cho biết: "Mỗi lần chúng tôi tiến hành một nghiên cứu quy kết, chúng tôi có xu hướng thấy rằng các sự kiện quan sát được đã bị biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm". Bates tin sự kiện lũ lụt vừa qua ở Trung Âu là do biến đổi khí hậu nhưng không có đủ bằng chứng để khẳng định một cách khoa học.
Tuy nhiên, một yếu tố khác có thể góp phần gây ra lũ lụt nghiêm trọng là hoạt động của con người và thay đổi mục đích sử dụng đất. Bates cho biết vì hầu hết các trận lũ lụt gần đây ở Trung Âu là lũ sông nên mối liên hệ giữa lũ lụt và biến đổi khí hậu trở nên kém rõ ràng hơn.
Mưa lớn có thể làm ngập các con sông, khiến chúng có nhiều khả năng bị tràn bờ. Nhưng các quyết định về cơ sở hạ tầng—cho dù là đập và đê hay các khu nhà ở mới trên đồng bằng ngập lụt—có thể đóng vai trò trong việc sự kiện đó có thể tàn phá hay không.
Trong khi đó, khi các kiểu thời tiết này trở nên phổ biến hơn, Surminski cảnh báo: “Đây là thức buộc chúng ta cần chuẩn bị tốt hơn”.