Khoảng 1.000 tỉ đồng dư nợ của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão lũ

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:29, 20/09/2024

Tổng dư nợ của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng 100.000 tỉ đồng.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Khoảng 1.000 tỉ đồng dư nợ của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão lũ

Tuyết Nhung 20/09/2024 21:29

Tổng dư nợ của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng 100.000 tỉ đồng.

Thông tin trên được đưa ra chiều nay (20.9), tại Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Ngân hàng vào cuộc, đưa ra nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 70 năm qua tại đất liền, là siêu bão với sức tàn phá lớn, ảnh hưởng rộng, có 26 địa phương chịu tác động nặng nề. Cơn bão đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế. Theo số liệu thống kê đến ngày 17.9, thiệt hại đối với nền kinh tế là trên 50.000 tỉ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,15%. Những ngày này, bão lũ đã qua đi nhưng vẫn còn rất nhiều hình ảnh địa phương gặp vất vả trong việc ổn định cuộc sống của người dân.

web.jpg
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Đối với ngành Ngân hàng, doanh nghiệp, người dân là khách hàng của các tổ chức tín dụng (TCTD) chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay mới... Con số thống kê cho thấy, dư nợ của TCTD bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng 100.000 tỉ đồng.

Hiện các ngân hàng đang chủ động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại thông qua việc xây dựng và triển khai các gói tín dụng hỗ trợ cho vay mới, miễn giảm lãi vay (đối với dư nợ hiện hữu và dư nợ mới)... bằng chính khả năng tài chính của mình.

Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Lê Quang Vinh cho biết, nhằm kịp thời hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại do bão lũ, ngân hàng đã triển khai chính sách giảm tới 0,5% lãi suất cho vay trong giai đoạn từ ngày 6.9.2024 đến hết ngày 31.12.2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 tại các địa phương thuộc khu vực bị ảnh hưởng. Chương trình giảm lãi suất được áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới. Ước tính chính sách này sẽ góp phần giảm thiểu khó khăn cho gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 130 nghìn tỉ đồng và số tiền hỗ trợ lên tới 100 tỉ đồng.

Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, khoảng 12.000 khách hàng với dư nợ 21.000 tỉ đồng bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ. Đồng thời dự kiến sẽ giảm lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng với từng mức độ từ 0,5 - 2%.

Còn theo Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - ông Đoàn Việt Nam, theo thống kê có khoảng 1.000 khách hàng cá nhân tại hơn 40 chi nhánh bị thiệt hại với dư nợ trên 40.000 tỉ đồng và con số có thể vẫn tiếp tục gia tăng. Hiện ngân hàng vẫn tiếp tục rà soát thiệt hại. BIDV đã triển khai chương trình hỗ trợ, giảm lãi suất từ 0,5 - 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại của khách hàng, chương trình áp dụng đối với cả nhóm khách hàng hiện hữu và khách hàng mới, triển khai gói tín dụng mới 60.000 tỉ đồng áp dụng từ ngày hôm nay đến hết năm 2024.

Đại diện Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, đối với khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng, ngân hàng có chính sách giảm tối đa 2% nhưng sẽ được phân loại theo mức độ thiệt hại, năng lực tài chính, giảm 0,5 - 1% khoản vay ngắn hạn, giảm 1 - 2% khoản vay trung, dài hạn. Chương trình áp dụng ngay từ hôm nay cho đến hết 2024. Đối với khoản vay mới, MB sẽ ban hành gói hỗ trợ trị giá 2.000 tỉ đồng, giảm 1% so với lãi suất thông thường. Sau 18.9, đã xây dựng, bổ sung thêm gói 7.000 tỉ đồng, giảm 1% so với lãi suất thông thường, đồng thời công ty bảo hiểm của MB cũng đang khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với các khách hàng, đảm bảo kịp thời

Ông Hồ Nam Tiến - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cho biết, ngân hàng dự định cơ cấu nợ, gia hạn thời gian trả lãi, gốc cho khách hàng hiện hữu tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc bị thiệt hại do bão lũ. LPBank sẽ giảm lãi suất cho vay với tổng quy mô dư nợ lên tới 29.700 tỉ đồng. Dự kiến, hơn 63.200 khách hàng tại 26 tỉnh/thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão sẽ được hưởng lợi từ chương trình này.

Đối với các khách hàng mới, LPBank cũng áp dụng những chính sách hỗ trợ cần thiết với gói cho vay lên tới 8.000 tỉ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ giảm lãi suất cho vay dự kiến lên đến 85 tỉ đồng.

Đại diện Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, triển khai gói hỗ trợ 2.000 tỉ đồng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, bên cạnh giảm tối đa 50% số tiền lãi khách hàng phải trả hiện tại, ngân hàng sẽ giữ cố định mức lãi suất giảm này đến muộn nhất là ngày 31.1.2025. Ngân hàng sẽ nhận đề nghị hỗ trợ từ khách hàng từ nay đến hết tháng 10. Phạm vi chương trình hỗ trợ lãi suất tại tất cả các tỉnh thành phía bắc bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Các chính sách được triển khai một cách công khai, minh bạch

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục tích cực chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng chính nguồn lực của mình. Tùy theo năng lực của mỗi TCTD, thông qua những chính sách về khoanh nợ, giảm lãi suất, tiết kiệm chi phí quản lý để hỗ trợ kịp thời, đồng bộ, đúng đối tượng, chia sẻ trên tinh thần chia sẻ và đồng hành với khách hàng trong thời điểm khó khăn. Các chi nhánh của TCTD tại địa phương chủ động liên hệ xử lý các vấn đề, vướng mắc cho những đối tượng khách hàng khó khăn, chịu ảnh hưởng do cơn bão.

586139.jpg
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú

"Nghiêm túc thực hiện các chính sách đã đề ra và cam kết, trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; và thực hiện đồng bộ theo hệ thống, từ trụ sở chính đến các chi nhánh. Các chính sách phải được bảo đảm triển khai một cách công khai, minh bạch; thể hiện rõ sự đồng bộ, quyết tâm của cả hệ thống ngân hàng, tuy nhiên phải lưu ý kiểm tra, ngăn chặn hành vi sai phạm trong nội bộ", Phó thống đốc nhấn mạnh.

Về phía NHNN, Phó thống đốc cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách kịp thời, linh hoạt, tiếp tục bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù cơn bão số 3 gây ra nhiều thiệt hại nặng nề, phải bảo đảm nguồn vốn cho các lĩnh vực cần đảm bảo sự tăng trưởng, ngành ngân hàng quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,8%.

Phó thống đốc cũng yêu cầu các TCTD nghiên cứu những chính sách giãn, hoãn thời gian trả nợ hợp lý; thực hiện công tác tham mưu cho địa phương về các phương pháp tín dụng phù hợp với người dân, các quy định, điều kiện vay vốn, bao gồm cả vay tiêu dùng - một khoản vốn nhỏ nhưng thiết yếu để giúp đỡ khách hàng có cơ hội khôi phục kinh tế, dần ổn định lại cuộc sống.

Thêm vào đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách một cách hợp lý để hỗ trợ các ngân hàng trong thực hiện triển khai chính sách tín dụng dành cho người dân. NHNN sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, nghiên cứu, bổ sung những nội dung liên quan như: trích lập dự phòng rủi ro (làm căn cứ cho việc xây dựng cơ chế), giãn, hoãn thời hạn trả nợ (dành riêng cho đối tượng chịu thiệt hại từ cơn bão số 3), để sớm trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ đó xây dựng chương trình hành động ngành ngân hàng để ban hành cho các đơn vị có căn cứ triển khai thực hiện.

Tuyết Nhung