Cảnh giác với bẫy ‘gỡ rối hôn nhân và nhờ mở thẻ ATM'

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:16, 21/09/2024

"Gỡ rối hôn nhân" và " nhờ mở thẻ ATM" là hai chiêu thức mà kẻ gian sử dụng để lừa đảo nhiều người.
Khoa học - công nghệ

Cảnh giác với bẫy ‘gỡ rối hôn nhân và nhờ mở thẻ ATM'

Tiểu Vũ 21/09/2024 16:16

"Gỡ rối hôn nhân" và " nhờ mở thẻ ATM" là hai chiêu thức mà kẻ gian sử dụng để lừa đảo nhiều người.

Dẫn dụ học sinh, sinh viên mở thẻ ATM để lừa đảo

Thời gian gần đây, tại một số tỉnh thành xảy ra nhiều vụ việc lừa đảo mở thẻ ATM để sử dụng vào mục đích xấu. Chiêu thức thường được sử dụng là kẻ lừa đảo giả dạng nhân viên ngân hàng tiếp cận các đối tượng nhờ mở thẻ ATM để “đủ chỉ tiêu” đơn vị đã giao. Những người được chúng nhắm tới thường là học sinh, sinh viên. Nếu đồng ý mở thẻ, họ sẽ được trả công từ 200.000 - 500.000 đồng cho một tài khoản.

dan-du-hoc-sinh-sinh-vien-mo-the-atm-de-lua-dao-2-.jpg
Các nhóm trao đổi mua bán tài khoản ngân hàng tràn làn trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

Kẻ gian còn cung cấp cho học sinh, sinh viên điện thoại có sẵn sim để đăng ký mở tài khoản thanh toán, dịch vụ Internet banking, SMS banking, sau đó chúng yêu cầu trả lại điện thoại đã cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực. Tiếp đó chúng thu thập dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt các học sinh, sinh viên để phục vụ xác minh danh tính của khách hàng khi có yêu cầu.

Đáng lo ngại, khi đã có được thông tin và thẻ ngân hàng, kẻ xấu sẽ sử dụng thẻ ATM đứng tên các nạn nhân để phục vụ cho hoạt động lừa đảo và rao bán thông tin tài khoản ngân hàng trên các diễn đàn để trục lợi. Điều này sẽ khiến các nạn nhân gặp rủi ro và bị liên lụy về mặt pháp lý khi vô tình tiếp tay cho kẻ gian.

“Khi tiết lộ thông tin cá nhân, các đối tượng tội phạm sẽ sử dụng thông tin này để thực hiện hoạt động trái pháp luật. Nạn nhân bị lừa đảo có thể đối diện với mức xử phạt của tội đồng phạm hoặc bị xử lý trách nhiệm về tội mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác”, luật sư Đàm Văn Hùng (Công ty Luật TNHH Lập Phương) cho biết.

Để phòng tránh thủ đoạn này, người dân cần nâng cao cảnh giác, lưu ý và cẩn trọng trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng. Không tham gia mua bán thông tin cá nhân để các đối tượng sử dụng vào hoạt động rửa tiền và các hoạt động vi phạm pháp luật khác.

Bẫy lừa tâm sự “gỡ rối” hôn nhân

Khi các dịch vụ “gỡ rối hôn nhân” nở rộ trên các nền tảng mạng xã hội thì cũng là lúc rất nhiều người nhẹ dạ dính bẫy lừa đảo từ các dịch vụ này.

Các thủ đoạn lừa đảo thường rất tinh vi và được tính toán rất kỹ để đánh vào tâm lý cảm xúc của những người gặp rắc rối trong hôn nhân. Ban đầu, “chim mồi” đăng trên mạng xã hội những bài viết lâm ly tâm sự về những bất ổn trong hôn nhân của mình nhưng sau đó đã vượt qua vì may mắn gặp được chuyên gia tâm lý giỏi giúp gỡ rối. Những bài viết như vậy luôn nhận được sự chia sẻ đồng cảm của rất nhiều người. Đó cũng là lúc các “chuyên gia” xuất hiện giăng bẫy lừa đảo để trục lợi.

bay-lua-tam-su-_go-roi_-hon-nhan-3-.jpg
Chia sẻ về hôn nhân gia đình của một tài khoản FB - Ảnh chụp màn hình

Chị L.G.A (TP.HCM) chia sẻ, do gặp vấn đề trong tình cảm, chị đã đăng tâm sự của mình lên một nhóm Facebook, không lâu sau đó một nick FB đã nhắn tin liên hệ sẽ giúp chị bằng cách bẻ khóa tài khoản mạng xã hội của chồng chị để theo dõi. Tin tưởng, nên chị đã làm theo và ngậm ngùi vì mất 3 triệu đồng mà không nhận được kết quả gì. Tôi đã liên hệ và được hướng dẫn rất là cặn kẽ và họ báo giá cho tôi là 5 triệu đồng một tháng theo dõi. Tôi rất là tin tưởng nên đã chuyển trước 3 triệu đồng nhưng sau đó thì tôi không thể liên lạc với người này. Lúc ấy tôi đã nhận ra mình bị lừa”, chị L.G.A kể lại.

Hình thức lừa đảo theo kiểu tâm sự về bí quyết phát hiện chồng ngoại tình xuất hiện khắp mạng xã hội. Những dịch vụ được giới thiệu sau đó đều là lừa đảo để trục lợi. Chị V.T.M. (TP.HCM) chia sẻ: “Gia đình tôi đang bất hòa, nên tôi tìm đến một câu lạc bộ trên Facebook. Sau khi tham khảo chương trình online, tôi tham gia chương trình đó. Người hướng dẫn khiến tôi hoàn toàn tin tưởng vào đó nên tôi đã đóng 6 triệu đồng nhưng chỉ nhận được những tài liệu hồ sơ mơ hồ. Tôi liên lạc với người hướng dẫn nhưng không nhận được sự trả lời nào”.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm: “Phụ nữ thường phải đối mặt và sợ hãi, lo lắng trước những vấn đề hôn nhân gia đình. Khi đó các đối tượng sẽ đánh vào tâm lý của người phụ nữ để khơi gợi những nhu cầu hoặc tạo ra những cái bẫy trên mạng xã hội sẽ khiến cho nạn nhân bị thu hút. Để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, người dùng nên cẩn trọng trước những bài viết tâm sự trên mạng. Với chủ đề này, người dùng có thể đọc tham khảo nhưng phải hết sức cảnh giác, cân nhắc cẩn thận nếu có ai đó đề nghị “giúp đỡ” thông qua các dịch vụ có tính phí…”.

Tiểu Vũ