Trí tuệ nhân tạo tác dụng thế nào trong y học cận lâm sàng?
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:04, 21/09/2024
Trí tuệ nhân tạo tác dụng thế nào trong y học cận lâm sàng?
Ngoài kỹ thuật điều trị lâm sàng, thì cận lâm sàng cũng không nằm ngoài guồng quay của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vì có liên quan trực tiếp đến công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý.
Như ta đã biết, khoa học - công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, động lực cho sự phát triển của đất nước. Trong lĩnh vực y tế, để phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân ngày càng tốt hơn, các thầy thuốc luôn là những người đi tiên phong tìm tòi, nghiên cứu, tiếp thu tiến bộ khoa học thế giới, ứng dụng sáng tạo vào hoạt động chẩn đoán, điều trị để mang lại sức khỏe cho người dân.
Tại Hội nghị khoa học cận lâm sàng Bệnh viện Chợ Rẫy lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Tiếp cận công nghệ cận lâm sàng mới trong chẩn đoán và điều trị" diễn ra sáng nay (21.9), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đánh giá những năm qua nền y học thế giới và trong nước ngày càng phát triển mạnh.
Ông Thức cho biết ngoài kỹ thuật điều trị lâm sàng, thì cận lâm sàng cũng không nằm ngoài guồng quay của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vì có liên quan trực tiếp đến 3 lĩnh vực: công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý.
“Đây cũng là một trong những ngành của y học hiện đại, có sự ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối Internet vạn vật và Big data”, ông Thức nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức, nhờ những thành tựu của trí tuệ nhân tạo mà hiện nay phần lớn các xét nghiệm hóa sinh, miễn dịch và huyết học - truyền máu, một số xét nghiệm vi sinh, di truyền - sinh học phân tử, tế bào - mô bệnh học đã và đang được tự động hóa trên các hệ thống máy hiện đại, cho ra kết quả nhanh chóng, rút ngắn rất nhiều thời gian so với trước.
Trong khi đó, xét nghiệm vi sinh đã ứng dụng công nghệ sinh học phân tử hiện đại, giúp phòng xét nghiệm có thể định danh vi khuẩn, các gien kháng thuốc của vi khuẩn trực tiếp từ các mẫu bệnh phẩm trong thời gian rất ngắn (1 giờ đồng hồ), giúp bác sĩ lựa chọn kháng sinh điều trị thích hợp ngay từ đầu, hạn chế tình trạng đề kháng kháng sinh đang được quan tâm.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải phẫu bệnh đã giúp chẩn đoán nhanh chóng, chính xác, hạn chế thao tác đọc thủ công, hạn chế tính chủ quan người đọc, chia sẻ hình ảnh trực tuyến cho các chuyên gia khắp mọi nơi, để chẩn đoán chính xác nhất trong thời gian ngắn nhất.
Ngoài ra, ứng dụng kỹ thuật khối phố trong chẩn đoán một số hormone, vitamin, theo dõi nồng độ kháng sinh, thuốc điều trị, thuốc ức chế miễn dịch... giúp bác sĩ gia giảm thuốc điều trị phù hợp từng cá thể bệnh nhân.
Các hệ thống tự đồng hóa của các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, truyền máu giúp liên kết các kỹ thuật xét nghiệm khác nhau trên cùng hệ thống cho kết quả nhanh chóng, giảm sai sót thủ công, giảm số lượng máu xét nghiệm.
Bên cạnh đó, những phát triển vượt bậc trong chẩn đoán hình ảnh, nội soi, y học hạt nhân cũng góp phần khẳng định vai trò quan trọng của cận lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị.
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, hội nghị khoa học cận lâm sàng lần này có hơn 40 bài báo cáo của các chuyên gia quốc tế và trong nước. Các báo cáo xoay quanh về công nghệ cận lâm sàng tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, lĩnh vực xét nghiệm. Đây là cơ hội để các đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy và các đồng nghiệp tham dự hội nghị tiếp cận, nắm bắt., đề xuất triển khai trong thực tế thời gian tới.