Ngành sản xuất sữa bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 13:15, 22/09/2024
Ngành sản xuất sữa bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu
Ấn Độ là nhà sản xuất sữa lớn nhất thế giới dựa trên cấu trúc của các hợp tác xã sữa và một chương trình quốc gia mở rộng sản xuất sữa bắt đầu từ năm 1970.
Phần lớn những người sản xuất sữa trong các hợp tác xã này là các trang trại nhỏ với nguồn lực hạn chế.
Phát thải của ngành sữa: Một nghịch lý vòng lặp?
Namrata Ginoya, quản lý cấp cao của chương trình Phục hồi và Năng lượng tại Viện Tài nguyên Ấn Độ cho biết: “Với tác động của biến đổi khí hậu, nhiều nông dân nhỏ không còn đủ khả năng nuôi gia súc”.
Singh bổ sung: “Các nhà chức trách chưa tập trung vào những biến đổi khí hậu trong khi mục tiêu hiện tại đề ra vẫn cứ là đạt được sản lượng sữa cao hơn”. Điều này có vẻ khá chủ quan duy ý chí.
Năm 2021, Cục Chăn nuôi và Sữa bắt đầu thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phát triển sữa, với mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng sữa quốc gia vào năm 2024 so với năm 2016.
Năm 2022, bang Uttar Pradesh đã công bố chính sách xúc tiến sản phẩm sữa và phát triển ngành sữa trong 5 năm. Tuy nhiên, 11 mục tiêu của chính sách này không xem xét rõ ràng tác động của biến đổi khí hậu. Hiện tại, có rất ít dữ liệu công khai về tiến độ của các dự án này.
Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến hiệu suất sản xuất của chăn nuôi thịt và sữa, nhưng đây là mối quan hệ hai chiều. Ở chiều ngược lại, chăn nuôi gia súc làm gia tăng biến đổi khí hậu bằng cách đóng góp đáng kể vào lượng khí thải nhà kính.
So sánh trong khoảng thời gian 20 năm, phát thải khí methane (mà phát thải từ quá trình tiêu hóa của gia súc chiếm phần lớn) có khả năng gây nóng lên toàn cầu cao gấp 86 lần so với carbon dioxide. Cũng may là methane phân hủy trong khí quyển sau khoảng 10 năm, trong khi carbon dioxide tồn tại từ 300 đến 1.000 năm.
Dialogue Earth đã tham khảo ý kiến của V Beena, giáo sư sinh lý học thú y tại Đại học Khoa học Động vật và Thú y Kerala: “Ở Ấn Độ, lượng khí thải carbon từ chăn nuôi gia súc có thể không đáng kể như ở các nước phương Tây, nơi có số lượng lớn động vật được nuôi để lấy thịt, dẫn đến phát thải methane cao. Tại đây, mô hình nông nghiệp kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt giúp hấp thụ carbon, khiến nhiều trang trại gần như trung hòa carbon”.
Beena bổ sung: “Cần có các đánh giá về carbon cho các trang trại. Ngoài ra, cần xây dựng một hệ thống cấp phép có thể đảm bảo rằng mỗi trang trại duy trì được sự trung hòa carbon”.
Những giải pháp thận trọng
Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ đã khởi động dự án Đổi mới Quốc gia về Nông nghiệp Chịu đựng Biến đổi Khí hậu (NICRA) vào năm 2011. Đây là một nỗ lực để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào nghiên cứu, trình diễn công nghệ và nâng cao nhận thức.
Gaurav cho biết: “NICRA đã thu được những kết quả có giá trị, chẳng hạn như xác định các đặc điểm di truyền ở các giống bò bản địa để tăng năng suất và khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt. Dự án đã thí điểm nghiên cứu tại 151 huyện dễ bị tổn thương bởi khí hậu với kết quả khả quan, nhưng việc phổ biến kiến thức và tích hợp vào chính sách vẫn còn thiếu”.
Trong thời gian chờ đợi, có rất ít cách để những người nông dân nghèo bù đắp nếu chăn nuôi gặp rủi ro do biến đổi khí hậu. Chương trình bảo hiểm gia súc của chính phủ chi trả khi gia súc chết có phải là một giải pháp cho người nông dân?
Theo yêu cầu Cung cấp Thông tin (RTI) của Dialogue Earth, Phòng Phát triển Sữa của bang Uttar Pradesh đã tiết lộ rằng từ tháng 4.2008 đến tháng 3.2024, tổng cộng 840.063 con gia súc sữa đã được bảo hiểm theo chương trình này. Từ tháng 4 đến tháng 8.2024, thêm 53.962 con được bảo hiểm. Trong năm tài chính 2017-18, tỷ lệ bảo hiểm cao nhất, với 204.296 con được bảo hiểm. Trong năm 2009-10, chỉ có 7.808 con được bảo hiểm. Nếu nhìn vào từ 2008 đến đến 2024 thì số gia súc được bảo hiểm ngày càng tăng. Tuy nhiên, số lượng tăng đó cũng chỉ giống như muối bỏ bể.
Năm 2018-19, có 19 triệu bò và 33 triệu trâu ở Uttar Pradesh, theo cuộc tổng điều tra gia súc của chính phủ năm 2019. Chỉ cần nhẩm tính cũng thấy, trong 15 năm qua, tỷ lệ gia súc sữa được bảo hiểm ở Uttar Pradesh chưa bao giờ vượt quá 0,4%.
Một số công ty tư nhân, như DeHaat ở Bihar và Liên đoàn Tiếp thị Sữa Hợp tác Kerala (được gọi là Milma ở Kerala và Kutch Milk Union ở Gujarat), đang thí điểm chương trình bảo hiểm gia súc dựa trên nhiệt độ.
Digvijay Singh, giám đốc đầu vào sữa của DeHaat, cho biết công ty đã đăng ký cho 4.500 nông dân khi triển khai chương trình này vào tháng 3. Tuy nhiên, thời hạn bảo hiểm cho họ chỉ từ tháng 4 đến tháng 7. DeHaat đã chi trả khoảng 55 yêu cầu bồi thường cho giai đoạn đó. Công ty có kế hoạch mở rộng chương trình vào năm 2025 để bảo hiểm cho thời gian dài hơn.