Rapper 50 Cent nêu lý do nhiều người đồng cảm với ông Trump sau vụ ám sát hụt
Văn hóa - Ngày đăng : 19:45, 23/09/2024
Rapper 50 Cent nêu lý do nhiều người đồng cảm với ông Trump sau vụ ám sát hụt
50 Cent nói sẽ không tham gia vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, nhưng điều đó không ngăn rapper này thừa nhận rằng nhiều người đồng cảm với Trump vì phản ứng của ông sau vụ ám sát hụt đầu tiên.
Có tên thật là Curtis James Jackson III, 50 Cent đã tham gia một cuộc phỏng vấn mới đây để thảo luận về cuốn sách mới của anh là The Accomplice. Tại đây, rapper 49 tuổi được hỏi về quan điểm của mình về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
"Tôi muốn tránh xa chuyện đó. Bạn biết đấy, những chuyện như Trump bị bắn và họ bắt đầu phát bài Many Men giúp lượt nghe trực tuyến tăng vọt 250%", 50 Cent nói.
50 Cent nhắc đến Many Men, bản hit năm 2003 của anh được phát khi ông Trump đã bước ra sân khấu trong một buổi livestream vài ngày sau vụ ám sát hụt ông hôm 13.7 ở bang Pennsylvania (Mỹ). Bài rap có lời như sau: "Nhiều người đàn ông muốn tôi chết. Máu trong mắt tôi và tôi không thể nhìn thấy. Tôi đang cố gắng trở thành con người mà tôi được định sẵn phải trở thành".
50 Cent nói về việc đồng cảm với ông Trump sau khoảnh khắc đó, đặc biệt là khi ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa giơ nắm đấm trong bức ảnh mang tính biểu tượng.
"Ông ấy nói hãy chiến đấu. Được thôi. Và đó chính xác là điều tôi đã làm sau khi bị bắn. Tôi chỉ chuyển sang chế độ chiến đấu. Nhiều người đồng cảm với Trump theo cách này", 50 Cent bình luận về hành động gây sốt của ông Trump.
Nam rapper người Mỹ gốc Phi đôi khi đã nhắc đến ý tưởng ủng hộ ông Trump trong quá khứ. Hồi tháng 6, 50 Cent nói với phóng viên CBS News rằng anh tin rằng những người đàn ông da đen đang "đồng cảm với Trump vì họ cũng bị cáo buộc vi phạm RICO".
RICO (Racketeer Influenced and Corrupt Organizations Act) là đạo luật Các Tổ chức bị ảnh hưởng và tham nhũng bởi các mạng lưới tội phạm được ban hành tại Mỹ vào năm 1970. RICO là đạo luật mạnh mẽ của Mỹ nhằm chống lại các băng nhóm tội phạm có tổ chức thông qua việc truy cứu trách nhiệm pháp lý với họ. Khi ai đó nói rằng "họ cũng bị buộc tội RICO", điều đó có nghĩa là họ đang đối mặt với các cáo buộc nghiêm trọng liên quan đến tội phạm có tổ chức.
Đầu năm 2024, 50 Cent cho hay: "Tôi nghĩ Trump sẽ làm Tổng thống Mỹ lần nữa, nhưng tôi sẽ không nói điều đó".
Đáng chú ý nhất, vào tháng 10.2020, 50 Cent đã kêu gọi những người theo dõi tài khoản Instagram của anh (hiện có hơn 33,3 triệu) hãy bầu cho ông Trump sau khi thấy bản tin cho rằng cư dân thành phố New York (Mỹ) có thể bị đánh thuế ở mức 62% dưới thời Tổng thống Biden.
"Chuyện quá quắt! Bầu cho Trump. Tôi không quan tâm Trump không thích người da đen. 62%, các người bị điên à?", 50 Cent viết. Thế nhưng, rapper đình đám này đã rút lại lời ủng hộ ông Trump trong một bài đăng trên Twitter một tuần sau đó.
"Một lần nữa, chết tiệt Donald Trump, tôi chưa bao giờ thích ông ta. Theo tôi biết, ông ta có thể đã gài bẫy tôi, nhưng đó là chuyện quá khứ", 50 Cent tweet.
Không riêng 50 Cent mà nhiều người đồng cảm với Trump vì phản ứng giơ nắm đấm của ông sau vụ ám sát hụt đầu tiên, gồm cả Elon Musk và Mark Zuckerberg.
Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla và ông chủ mạng xã hội X, tuyên bố "hoàn toàn ủng hộ ông Donald Trump" vài phút sau khi tiếng súng nổ vang lên tại buổi vận động tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ tại bang Pennsylvania.
Elon Musk còn đăng bức ảnh được chia sẻ rộng rãi cho thấy ông Trump được hộ tống rời sân khấu sau khi tiếng súng vang lên. Bức ảnh cho thấy ông Trump với máu trên mặt giơ nắm đấm lên. Lá cờ Mỹ có thể được nhìn thấy đang bay phấp phới ở phía sau.
Sau đó, Elon Musk cũng ca ngợi ông Trump mạnh mẽ khi nhận xét rằng "lần cuối cùng nước Mỹ có một ứng cử viên mạnh mẽ như thế này là Theodore Roosevelt".
Theodore Roosevelt là chính trị gia, nhà bảo tồn, nhà văn và là Tổng thống thứ 26 của Mỹ, tại nhiệm từ năm 1901 đến 1909. Ông Theodore Roosevelt (thành viên của đảng Cộng hòa) là nhân vật chủ chốt trong việc thúc đẩy các chính sách chống độc quyền trong Thời kỳ Tiến bộ đầu thế kỷ 20.
Trước vụ việc ông Trump bị ám sát hụt, Elon Musk chưa công khai ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào cho cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Trước đó, Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX luôn tự nhận là người độc lập về mặt chính trị và tránh xa chính trường. Tuy nhiên, Elon Musk phủ nhận thông tin ông đã cam kết quyên góp 45 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của Trump, nhưng cho biết đã tạo ra một ủy ban hành động chính trị "ủng hộ chế độ trọng dụng người tài và quyền tự do cá nhân" đang liên kết với đảng Cộng hòa.
Đáp lại, cựu Tổng thống Donald Trump cho biết "không có lựa chọn nào khác" ngoài việc ủng hộ ô tô điện sau khi Elon Musk ủng hộ ông rất mạnh mẽ.
Tại một cuộc mít tinh ở bang Georgia (Mỹ) hôm 4.8, Trump nói với đám đông rằng ông ủng hộ ô tô điện nhưng cho rằng người dân vẫn nên tiếp cận xe chạy bằng xăng.
"Tôi ủng hộ ô tô điện. Tôi phải ủng hộ ô tô điện vì các bạn biết đấy, Elon Musk đã ủng hộ tôi rất mạnh mẽ. Vì vậy, tôi không có lựa chọn nào khác", ông Trump nói trước đám đông.
Sau đó, Trump làm rõ rằng ông chỉ ủng hộ xe điện như một "phần nhỏ" của ngành công nghiệp ô tô lớn hơn.
"Các bạn muốn có xe chạy bằng xăng. Các bạn muốn có xe hybrid (lai). Các bạn muốn có mọi loại xe", ông nói.
Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các quy định về ô tô điện của chính quyền Biden, gồm cả kế hoạch tăng doanh số xe điện lên một nửa tổng doanh số bán xe hơi mới vào năm 2030.
Khi phát biểu tại một hội nghị về bitcoin vào tháng 7, ông Trump đã đưa ra những nhận xét tương tự khi nhắc đến các quy định từ chính quyền Biden khiến ô tô chạy bằng xăng khó đáp ứng các tiêu chuẩn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ hơn.
"Không phải ai cũng phải có xe điện. Tôi đã nói với cậu ấy (Elon Musk) như vậy. Vì vậy, chúng tôi sẽ xóa bỏ các quy định đó nếu cậu không phiền. Một số người muốn ô tô chạy bằng xăng, một số người muốn xe hybrid và một số người thích xe điện", ông Trump cho hay.
Mark Zuckerberg nói rằng phản ứng của ông Trump sau khi bị ám sát hụt hôm 13.7 là "ngầu", nhưng từ chối ủng hộ một ứng cử viên Tổng thống Mỹ nào trong kỳ bầu cử sắp tới.
Giám đốc điều hành Meta Platforms nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng Bloomberg. "Nhìn thấy Donald Trump đứng dậy sau khi bị bắn vào mặt và giơ tay lên với lá cờ Mỹ là một trong những điều ngầu nhất mà tôi từng thấy trong đời. Ở một mức độ nào đó, với tư cách là người Mỹ, thật khó để không cảm động trước tinh thần chiến đấu đó. Tôi nghĩ đó là lý do nhiều người thích ông ấy".
Trong một lá thư gửi cho Dân biểu đảng Cộng hòa Jim Jordan, Mark Zuckerberg cho biết mục tiêu của ông là duy trì sự "trung lập" về chính trị, tức không công khai ủng hộ ông Donald Trump (ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa) hay bà Kamala Harris (ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ).
Jim Jordan, lãnh đạo Ủy ban Tư pháp thuộc Hạ viện Mỹ, là người chỉ trích Mark Zuckerberg mạnh mẽ.
"Mục tiêu của tôi là trung lập và không đóng vai trò nào theo cách này hay cách khác, hoặc thậm chí tỏ ra đang đóng vai trò nào đó", Mark Zuckerberg viết trong lá thư, trang The Wall Street Journal đưa tin.
Theo Mark Zuckerberg, không giống như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần trước, ông không có kế hoạch quyên góp để hỗ trợ cơ sở hạ tầng bầu cử vào năm 2024. Năm 2020, Mark Zuckerberg và vợ đã quyên góp 400 triệu USD cho các tổ chức phi đảng phái giúp điều hành các cuộc bầu cử trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Đảng Cộng hòa gọi vợ chồng Mark Zuckerberg là Zuckerbucks và tuyên bố rằng họ đã mang lại lợi ích cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử.
Zuckerbucks là sự kết hợp giữa họ của Mark Zuckerberg và từ bucks (tiếng lóng chỉ đơn vị tiền tệ USD). Từ này thường được sử dụng bởi những người chỉ trích Mark Zuckerberg về các khoản quyên góp của ông. Họ cho rằng nhà đồng sáng lập Facebook sử dụng tiền của mình để can thiệp vào quá trình bầu cử và gây ảnh hưởng đến kết quả.
"Khoản quyên góp được thiết kế để phi đảng phái, trải rộng trên khắp các cộng đồng thành thị, nông thôn và ngoại ô. Tuy nhiên, tôi biết rằng một số người tin việc này có lợi cho một đảng hơn đảng kia dù các phân tích cho thấy điều ngược lại", ông viết.
Dù các khoản quyên góp từ lâu đã gây tranh cãi, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences vào tháng 5 đã phát hiện ra rằng các khoản quyên góp tư nhân, như của Mark Zuckerberg, không có lợi cho đảng Dân chủ.
Đầu tháng 8, Mark Zuckerberg gọi điện xin lỗi ông Trump vì chatbot trí tuệ nhân tạo Meta AI nói vụ ám sát hụt ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa không xảy ra.
Ông Trump nói trên chương trình Mornings with Maria của Fox Business: "Mark Zuckerberg thực sự đã xin lỗi, nói rằng họ đã mắc lỗi. Cậu ấy thực sự thông báo rằng sẽ không ủng hộ một đảng viên Dân chủ vì tôn trọng tôi, sau những gì tôi đã làm ngày hôm đó (hôm bị ám sát hụt – PV)".
Trước đó, ngày 9.7, Trump nói rằng nếu được bầu làm Tổng thống Mỹ, ông sẽ "theo đuổi những kẻ gian lận bầu cử và bỏ tù họ dài lâu", ám chỉ cả Mark Zuckerberg.
Hôm 15.9, đội ngũ chiến dịch tranh cử của Trump thông báo ông bị ám sát hụt lần hai khi đang chơi golf tại hạt West Palm Beach (bang Florida). Truyền thông Mỹ tiết lộ nghi phạm nổ súng vào sân golf của ông Trump ở Florida có tên là Ryan Wesley Routh (58 tuổi, sống tại bang Hawaii).
Một nhân viên mật vụ dường như đã phát hiện ra nòng súng trường nhô ra khỏi hàng rào của khu nghỉ dưỡng và bắn nhiều phát vào Ryan Wesley Routh.
Sau khi bị phát hiện, Ryan Wesley Routh đã bỏ lại khẩu súng trường kiểu AK có ống ngắm, camera GoPro cùng hai túi đen và các vật dụng khác và chạy trốn bằng một ô tô màu đen. Tuy nhiên, hắn đã bị bắt giữ ngay sau đó.