Tổng thống CH Czech kêu gọi Ukraine nên thực tế về các mục tiêu lãnh thổ

Quốc tế - Ngày đăng : 13:28, 24/09/2024

Tổng thống CH Czech Petr Pavel bày tỏ quan điểm rằng Ukraine cần chấp nhận khả năng Nga sẽ tạm thời kiểm soát một phần lãnh thổ của nước này khi cuộc chiến kết thúc.
Quốc tế

Tổng thống CH Czech kêu gọi Ukraine nên thực tế về các mục tiêu lãnh thổ

Hoàng Vũ (theo NYT) 24/09/2024 13:28

Tổng thống CH Czech Petr Pavel bày tỏ quan điểm rằng Ukraine cần chấp nhận khả năng Nga sẽ tạm thời kiểm soát một phần lãnh thổ của nước này khi cuộc chiến kết thúc.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Pavel, một cựu tướng NATO và là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Ukraine, cho rằng Kyiv cần phải chấp nhận một thực tế khó khăn: một phần lãnh thổ của Ukraine có thể sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga "tạm thời" trong nhiều năm tới. Theo ông Pavel, cả Ukraine và Nga đều sẽ khó có thể đạt được các mục tiêu tối đa của mình trong cuộc xung đột.

Quan điểm của ông Pavel, một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng đến các vấn đề an ninh quốc gia Séc đã phản ánh sự chuyển biến trong suy nghĩ của nhiều nhà lãnh đạo châu Âu rằng khả năng Ukraine khó có thể giành lại tất cả các vùng lãnh thổ bị Moscow kiểm soát.

tt-czech.png
Tổng thống Cộng hòa Czech Petr Pavel tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào tháng 7 - Ảnh: Getty

Tình thế khó khăn của Ukraine

Ông Pavel nhận xét rằng các lãnh đạo Ukraine và những người ủng hộ quốc tế của họ cần "thực tế" về khả năng giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát. Cuộc phản công của Ukraine, dù đã đạt được một số thành công, nhưng vẫn chưa thể giành lại các vùng đất lớn từ tay lực lượng Nga. Điều này đang làm gia tăng sự mệt mỏi trong chính trường châu Âu, khi cuộc chiến đã kéo dài hơn 31 tháng.

Về lâu dài, ông nhà lãnh đạo Czech cảnh báo rằng "điều tạm thời" này có thể kéo dài trong nhiều năm, tương tự như tình trạng kiểm soát của Liên Xô tại các nước Baltic trong suốt gần nửa thế kỷ trước khi các quốc gia này tuyên bố độc lập sau khi khối này tan rã.

Thay đổi trong thái độ của châu Âu

Mặc dù các nước châu Âu vẫn khẳng định Ukraine sẽ quyết định tương lai của mình mà không có sự can thiệp của NATO hay Liên minh châu Âu (EU), nhưng thực tế nội bộ cho thấy sự mệt mỏi ngày càng tăng trong việc cung cấp viện trợ quân sự và chính trị cho Kyiv. Điều này đặc biệt rõ ràng khi các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy thân Nga như Thủ tướng Viktor Orban của Hungary. Ông công khai chỉ trích việc hỗ trợ Ukraine và thúc đẩy chấm dứt xung đột thông qua đàm phán hòa bình.

Ở trong nước, ông Pavel cũng đối mặt với áp lực từ công chúng Czech, khi một cuộc thăm dò ý kiến mùa hè cho thấy gần 2/3 người Czech ủng hộ việc nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, ngay cả khi phải đánh đổi một phần lãnh thổ Ukraine bị Nga kiểm soát. Chính phủ Czech, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Petr Fiala, tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, song áp lực từ phía người dân vẫn đang gia tăng.

Cuộc tranh luận về tương lai của Ukraine

Câu hỏi về tương lai của Ukraine sẽ là tâm điểm tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần này, nơi Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ kêu gọi thêm sự ủng hộ quân sự và chính trị. Volodymyr Zelensky cũng sẽ trình bày một "kế hoạch chiến thắng" với Tổng thống Mỹ Joe Biden, dù trước đó ông Zelensky đã bày tỏ lo ngại về việc nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự thay đổi trong tâm lý người dân Ukraine, với khoảng 32% sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ, tăng từ 8 - 10% trong năm đầu tiên của cuộc chiến. Tuy nhiên, phần lớn người Ukraine vẫn phản đối việc từ bỏ đất đai cho Nga.

Những thách thức trong việc tìm kiếm hòa bình

Tổng thống Czech Pavel nhấn mạnh rằng cả Ukraine và các đồng minh cần phải nhìn nhận thực tế về mức độ hỗ trợ mà Kyiv có thể nhận được từ các quốc gia phương Tây. Ông cũng cảnh báo rằng việc dừng cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine sẽ không tự động mang lại hòa bình, và Nga sẽ không dừng các hoạt động quân sự nếu Ukraine tuyên bố ngừng chiến đấu.

Ông cũng phê phán Thủ tướng Orban của Hungary, người đã nhiều lần chỉ trích các nước NATO vì viện trợ cho Ukraine. Mặc dù Orban đã tìm cách thúc đẩy một "chính sách hòa bình" không rõ ràng, ông Pavel cho rằng những đề xuất này là không thực tế trong bối cảnh Nga vẫn kiên định với các yêu cầu về lãnh thổ.

Quan điểm của Tổng thống Petr Pavel phản ánh một sự chuyển biến trong suy nghĩ của một số lãnh đạo châu Âu về cuộc chiến giữa Ukraine và Nga. Trong khi nhiều nước châu Âu vẫn tiếp tục ủng hộ Ukraine, sự mệt mỏi chiến tranh và áp lực từ các lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy đang thúc đẩy cuộc tranh luận về cách thức giải quyết xung đột.

Đối với Ukraine, thách thức lớn sẽ là làm thế nào để duy trì sự ủng hộ quốc tế trong bối cảnh cuộc chiến tiếp tục kéo dài mà chưa có giải pháp rõ ràng.

Hoàng Vũ (theo NYT)