Xây dựng Vân Đồn thành thành phố đáng sống của châu Á - Thái Bình Dương
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:44, 04/01/2019
Về kinh tế, đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất đạt 5,6 tỉ USD, tương ứng GRDP đạt 1,6 tỉ USD; đóng góp vào ngân sách nhà nước 10% giá trị xuất khẩu. Về xã hội, tốc độ tăng dân số trung bình trong các giai đoạn đến 2020, 2021 - 2025, 2026 - 2030 tương ứng là 6%, 11% và 8%.
Quy mô dân số tăng từ 52.000 người năm 2019 lên 140.000 người vào năm 2030. Đến năm 2030, tạo khoảng 89.000 việc làm; phấn đấu đến năm 2030 đạt 15 bác sĩ/1 vạn dân và 3 dược sĩ/1 vạn dân; tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%, 100% người dân được dùng nước sạch; 100% xã có nghĩa trang, thu gom rác thải; giữ gìn khu bảo tồn Bái Tử Long…
Ngoài ra, mục tiêu đến 2050, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Vân đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương…
Vân Đồn phấn đấu tạo lập môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn kết hợp với xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch đồng bộ để phát triển ngành du lịch. Phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 170.000 người nước ngoài đến Vân Đồn.
Tập trung phát triển và kinh doanh cảng hàng không, vận tải hàng không, cũng như đẩy mạnh phát triển ngành logistics để đưa Vân Đồn trở thành một trung tâm cung cấp dịch vụ hậu cần đẳng cấp thế giới, trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hoá vào khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu đến năm 2030 đưa Vân Đồn trở thành Trung tâm tài chính phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về công nghiệp công nghệ cao, tập trung phát triển một số ngành sử dụng công nghệ cao như y dược, sinh học, công nghệ nano, công nghệ thông tin trong hệ thống sản xuất, công nghệ sử dụng nguyên liệu tiên tiến, công nghệ năng lượng và môi trường.
Định hướng phát triển cảng hàng không quốc tế tại phía Tây đảo Cái Bầu đạt tiêu chuẩn cấp 4E, sân bay quân sự cấp II, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; nghiên cứu xây dựng một số sân bay trực thăng (taxi trực thăng) ở các đảo để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa Vân Đồn và Hạ Long, Móng Cái và một số đảo khác; phát triển loại hình thuỷ phi cơ phục vụ nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hoá.
Đường bộ hoàn thiện xây dựng tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, xây dựng các cầu và Khu kinh tế Vân Đồn…
Không gian đô thị của Vân Đồn sẽ chia ra 3 phần. Trong đó, không gian đô thị đảo Cái Bầu sẽ gồm các khu kinh tế phía Tây, ven biển phía Bắc; thành phố sân bay - khu thương mại tự do, khu nghỉ mát phức hợp, thị trấn Cái Rồng và bán đảo Cổng chào.
Không gian đô thị quần đảo Vân Hải gồm: Công viên; du lịch nông nghiệp; các khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và hoàn đảo du lịch trong tương lai.
Không gian đô thị trung tâm gồm: Trung tâm hành chính - đô thị trung tâm Cái Rồng; khu công nghiệp sáng tạo; khu công nghệ sinh học; khu dịch vụ sáng tạo; khu sản xuất tiên tiến và hậu cần; khu chế tạo; khu sân bay; khu thương mại tự do; khu thung lũng công nghệ; trung tâm tài chính; khu tái định cư; trung tâm triển lãm văn hoá; khu du lịch và dịch vụ vui chơi giải trí; cảng biển du lịch và cảng cá, hồ cảnh quan.
Về huy động vốn đầu tư, giải pháp chủ yếu là xây dựng chính sách phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước. Đồng thời, tập trung huy động vốn từ đất đai thông qua ưu đãi về tiền thuê đất, mặt nước cho hoạt động kinh doanh; đầu tư cơ sở hạ tầng qua hình thức BT; doanh thu từ dịch vụ bất động sản dành cho đầu tư...
Bên cạnh đó là có chính sách thu hút nhân tài và các nhà khoa học trên thế giới; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ…
Lam Thanh