Mark Zuckerberg tâm đắc với 'cỗ máy thời gian' Orion, Meta ra mắt Quest 3S giá từ 300 USD

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 08:30, 26/09/2024

Meta Platforms vừa giới thiệu nguyên mẫu đầu tiên của kính thực tế tăng cường (AR) có tên Orion tại hội nghị Connect thường niên, khi công ty mẹ Facebook phác thảo tham vọng của mình về các sản phẩm sẽ đưa thế giới ảo vào thế giới thực.
Nhịp đập khoa học

Mark Zuckerberg tâm đắc với 'cỗ máy thời gian' Orion, Meta ra mắt Quest 3S giá từ 300 USD

Sơn Vân 26/09/2024 08:30

Meta Platforms vừa giới thiệu nguyên mẫu đầu tiên của kính thực tế tăng cường (AR) có tên Orion tại hội nghị Connect thường niên, khi công ty mẹ Facebook phác thảo tham vọng của mình về các sản phẩm sẽ đưa thế giới ảo vào thế giới thực.

"Đây là thế giới vật lý với các hình ảnh ba chiều (3D) được phủ lên trên đó", Giám đốc điều hành Meta Platforms - Mark Zuckerberg nói sau khi rút chiếc kính đen dày ra khỏi hộp kim loại được mang lên cho ông trên sân khấu một cách ấn tượng.

"Hiện tại, tôi nghĩ cách đúng đắn để nhìn nhận Orion là như một cỗ máy thời gian. Những chiếc kính này tồn tại, chúng thật tuyệt vời và là cái nhìn thoáng qua về tương lai mà tôi nghĩ sẽ rất thú vị", tỷ phú 40 tuổi người Mỹ phát biểu.

Kính Orion làm bằng hợp kim magiê và được cung cấp sức mạnh bởi chip silicon tùy chỉnh do Meta Platforms thiết kế. Người dùng sẽ có thể tương tác với kính Orion thông qua theo dõi bằng tay, giọng nói và giao diện thần kinh dựa trên cổ tay. Mark Zuckerberg cho biết Meta Platforms có kế hoạch làm cho kính Orion nhỏ hơn, đẹp hơn và chi phí thấp hơn trước khi phát hành cho người tiêu dùng sau này.

mark-zuckerberg-tam-dac-voi-co-may-thoi-gian-orion-meta-ra-mat-quest-3s-gia-tu-300-usd-2-.jpg
Nguyên mẫu kính Orion của Meta Platforms

Các hãng công nghệ lớn phát triển thiết bị AR trong nhiều năm, nhưng một số sản phẩm đáng chú ý đã thất bại, chẳng hạn kính Google Glass.

Mark Zuckerberg định vị công nghệ AR như một kiệt tác khi chuyển hướng công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới sang xây dựng các hệ thống metaverse nhập vai vào năm 2021. Tuy nhiên, việc cung cấp sản phẩm đã bị cản trở bởi chi phí phát triển cao và các rào cản công nghệ.

Paolo Pescatore, nhà phân tích tại hãng PP Foresight, nói không có nghi ngờ gì về tham vọng của Meta Platforms trong việc tạo ra các sản phẩm thực tế ảo (VR) và AR trở nên phổ biến với giá cả phải chăng nhất có thể. Thế nhưng, ông nói thêm rằng người dùng "vẫn e ngại với AI" và cần được thuyết phục.

Meta Platforms đặt mục tiêu giao chiếc kính AR thương mại đầu tiên đến tay người tiêu dùng vào năm 2027, thời điểm mà những đột phá về mặt kỹ thuật sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, một nguồn tin cho biết trước sự kiện.

Mark Zuckerberg không trình diễn trực tiếp khả năng của kính Orion trong hội nghị Connect, thay vào đó ông phát một video cho thấy nhiều người phản ứng như thế nào với thiết bị này khi họ dùng thử. Video cho thấy vài hình ảnh thoáng qua về tin nhắn văn bản, hình ảnh được hiển thị qua kính và Jensen Huang (Giám đốc điều hành Nvidia) là cái tên nổi bật trong số những người thử nghiệm.

Sản phẩm gần giống Orion nhất hiện tại là kính thông minh Ray-Ban Meta, ban đầu không được quan tâm nhiều nhưng đã gây sự chú ý vào năm ngoái sau khi được Meta Platforms bổ sung trợ lý AI. Công ty mẹ Facebook đã công bố những cải tiến về AI cho kính Ray-Ban Meta trong năm nay, chẳng hạn giúp người dùng có thể quét mã QR và phát nhạc từ Spotify để phản hồi gợi ý bằng giọng nói.

Cuối năm nay, Meta Platforms có kế hoạch bổ sung khả năng tạo video và dịch ngôn ngữ theo thời gian thực giữa tiếng Anh và tiếng Pháp, tiếng Ý hoặc tiếng Tây Ban Nha cho kính Ray-Ban Meta.

Mark Zuckerberg đã trò chuyện trực tiếp với võ sĩ MMA Brandon Moreno (Mexico) để trình diễn công cụ ngôn ngữ, trong đó chiếc kính có thể dịch từ tiếng Anh sang tiếng Tây Ban Nha và ngược lại.

Tại hội nghị Connect, Meta Platforms giới thiệu các khả năng chatbot AI mới cho các dịch vụ của mình và chiếc kính thực tế hỗn hợp Quest mới.

Ngoài ra, Meta Platforms còn trình làng Quest 3S, phiên bản cấp thấp của dòng kính thực tế hỗn hợp Quest, có giá khởi điểm 300 USD, đồng thời giảm giá Quest 3 (bán ra năm ngoái).

mark-zuckerberg-tam-dac-voi-co-may-thoi-gian-orion-meta-ra-mat-quest-3s-gia-tu-300-usd-1-.jpg
Quest 3S có giá khởi điểm chỉ 300 USD - Ảnh: Meta Platforms

Cổ phiếu Meta Platforms chốt phiên 25.9 (giờ Mỹ) ở mức cao kỷ lục là 568,31 USD.

Đã chi hàng chục tỉ USD

Tại hội nghị Connect, Meta Platforms đã công bố hàng loạt các sản phẩm mới khác dành cho chatbot của mình và kế hoạch bắt đầu tự động đưa hình ảnh được cá nhân hóa do chatbot tạo ra vào nguồn cấp dữ liệu Facebook và Instagram của mọi người.

Trong số các tính năng AI mới được công bố có bản nâng cấp âm thanh cho trợ lý kỹ thuật số Meta AI. Từ giờ, Meta AI sẽ phản hồi các lệnh thoại và cung cấp cho người dùng tùy chọn để phát ra âm thanh giống những người nổi tiếng như diễn viên Judi Dench và đô vật huyền thoại John Cena.

Mark Zuckerberg cho biết: "Tôi nghĩ rằng giọng nói sẽ là cách tương tác tự nhiên hơn nhiều với AI thay vì văn bản".

Công ty thông báo hơn 400 triệu người đang dùng Meta AI hàng tháng, gồm cả 185 triệu người quay lại sử dụng hàng tuần.

Để phù hợp với chiến lược chia sẻ các mô hình AI hỗ trợ trợ lý kỹ thuật số cho những người khác sử dụng miễn phí, Meta đã phát hành ba phiên bản mới của các mô hình Llama 3, nhưng chưa triển khai ở Liên minh châu Âu (EU) vì các quy định tại đó.

Meta Platforms đã đầu tư hàng chục tỉ USD vào vào AI, AR và các công nghệ metaverse khác, đẩy dự báo chi phí vốn của công ty vào năm 2024 lên mức cao kỷ lục từ 37 tỉ USD đến 40 tỉ USD.

Reality Labs, đơn vị metaverse của Meta Platforms, đã lỗ 8,3 tỉ USD trong nửa đầu năm 2024, theo báo cáo gần đây. Năm 2023, Reality Labs lỗ đến 16 tỉ USD.

Đầu tháng 8, Mark Zuckerberg thừa nhận rằng mạng xã hội thực sự khá "phản xã hội" và hy vọng rằng công nghệ đeo thông minh sẽ cải thiện điều đó.

Trong cuộc phỏng vấn với South Park Commons - cộng đồng công nghệ tại thành phố San Francisco (Mỹ), Mark Zuckerberg cho biết cách người dùng trải nghiệm mạng xã hội trên màn hình nhỏ là hạn chế. Đó là một phần lý do khiến tỷ phú 40 tuổi người Mỹ theo đuổi kính thông minh Ray-Ban Meta.

Meta Platforms sở hữu Facebook, Instagram, WhatsApp và Threads, các nền tảng mạng xã hội lớn thường được truy cập qua smartphone.

Mark Zuckerberg cảm thấy rằng việc tương tác qua các ứng dụng xã hội trên một màn hình nhỏ của điện thoại di động có thể tạo cảm giác thiếu kết nối thực sự và không tự nhiên. Theo một số cách, điều này giống như hình thức phản xã hội thực sự. Ông cho rằng kính thông minh sẽ cung cấp một cách tiếp cận tự nhiên và thân thiện hơn trong việc kết nối và tương tác xã hội.

Kính thông minh của Meta Platforms cho phép người đeo chụp ảnh, phát trực tiếp trên Instagram và sử dụng trợ lý AI để đặt câu hỏi, cùng với các tính năng khác.

Kính này không được trang bị VR như Meta Quest, nghĩa là người dùng sẽ không thấy màn hình ảo bật lên trong môi trường xung quanh của họ. Tuy nhiên, Mark Zuckerberg vẫn tin rằng công nghệ đeo này sẽ được đón nhận.

Trong một cuộc phỏng vấn cùng Jensen Huang, Mark Zuckerberg nói ông tin rằng hàng triệu người sẽ đeo kính AI không có màn hình.

"Dựa trên những gì chúng ta đang thấy với kính Ray-Ban Meta, tôi đoán rằng kính AI không màn hình ở mức giá 300 USD sẽ là một sản phẩm thực sự lớn mà hàng chục triệu người hoặc hàng trăm triệu người cuối cùng sẽ sở hữu. Bạn sẽ có trải nghiệm tương tác mạnh mẽ với AI", ông nói.

Mark Zuckerberg hiện có tài sản 202 tỉ USD, là tỷ phú giàu thứ ba thế giới. Tài sản của ông đã tăng thêm 74 tỉ USD lên 202 tỉ USD trong năm nay. Điều này được thúc đẩy bởi giá cổ phiếu Meta Platforms tăng vọt hơn 60% kể từ đầu tháng 1 lên mức cao chưa từng có là hơn 568 USD.

Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla), Jeff Bezos (người sáng lập Amazon) và Mark Zuckerberg là ba người có giá trị tài sản ròng từ 200 tỉ USD trở lên, theo Bloomberg Billionaires Index (bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg). Trong đó, Elon Musk đứng đầu với 270 tỉ USD, Jeff Bezos xếp thứ hai khi có 215 tỉ USD.

Sơn Vân