Bạc Liêu: Rau má rớt giá, người trồng gặp khó
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:12, 26/09/2024
Bạc Liêu: Rau má rớt giá, người trồng gặp khó
Đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh khiến cho người trồng rau má tại các huyện như Phước Long, Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) rơi vào tình cảnh khó khăn.
Không còn hình ảnh nhộn nhịp, tất bật thu hoạch rau má để bán cho thương lái ngay tại ruộng..., đó là những gì đang diễn ra tại cánh đồng chuyên canh rau má ở ấp Thạnh Hưng II, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi. Vắng thương lái thu mua, ruộng rau má quá lứa đã bị úa vàng đã khiến cho bà con nông dân đứng ngồi không yên. Họ lo lắng sẽ đối diện với một vụ mùa thất bát.
Theo tìm hiểu của phóng viên Một Thế Giới, khoảng 3 tháng nay, giá rau má giảm sâu, từ chỗ được thương lái thu mua với giá từ 12.000 – 14.000 đồng/kg, nay chỉ còn khoảng 3.000 – 4.000 đồng/kg nhưng không có người thu mua.
Anh Trần Quang Danh (ấp Thạnh Hưng II, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) trồng hơn 3.000 m2 rau má. Mỗi đợt thu hoạch, anh Danh xuất bán ra thị trường từ 3 – 4 tấn. “Trước đây mỗi khi đến đợt thu hoạch lúc nào cũng có vài thương lái đến thu mua. Tuy nhiên, hiện nay khi tôi liên lạc qua điện thoại thì họ không nghe máy. Hơn 4 năm trồng rau má, chưa bao giờ nghĩ lại có ngày loại rau được cho là bổ dưỡng này lại không có người mua như hiện tại”, anh Danh nói.
Theo anh Danh, chi phí sản xuất ra mỗi ký rau trung bình khoảng 5.000 đồng, để có lãi thì người trồng phải bán được với giá từ 7.000 – 8.000 đồng/kg. Với mức giá khoảng 3.000 đồng/kg như hiện nay thì xem như người trồng rau má thua lỗ.
Tương tự, ruộng rau của gia đình anh Võ Út Cưng cũng đang đến kỳ thu hoạch. Dù ruộng rau phát triển xanh tốt, nhưng anh Út Cưng chẳng thấy vui, thay vào đó là nỗi thất vọng. “Với giá bán thấp, vụ này xem như thất bại. Tôi trồng gần 5.000 m2 rau má, nay mới chỉ thu hoạch lần đầu nhưng giá giảm sâu, khả năng thu hồi vốn rất thấp. Hi vọng giá rau sẽ sớm tăng trở lại”, anh Út Cưng cho hay.
Theo bà con trồng rau má, nếu như rau có giá thì hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Bởi lúa chỉ sản xuất 2 vụ trong năm, còn trồng rau má chỉ 40 ngày là có thể thu hoạch. Với mức giá như hiện nay, tâm trạng của những người trồng rau má ở xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long - địa phương có diện tích trồng rau má lớn của tỉnh Bạc Liêu đang rất lo lắng. Tuy nhiên, với những người trồng rau má, dù giá cao hay thấp thì bà con vẫn phải thu hoạch để cải tạo chăm sóc cho vụ mới.
Ông Huỳnh Trung Thủ, Giám đốc Hợp tác xã 8.3, xã Vĩnh Thanh cho biết: “Hợp tác xã đã đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng rau má trên diện tích 10ha. Do giá cả sụt giảm nên các xã viên hợp tác xã bị thua lỗ. Đáng buồn là ngoài việc bán giá thấp mà bà con nông dân còn bị thương lái ép giá không thu mua, mặc dù rau đạt chứng nhận sản xuất an toàn theo quy trình canh tác của ngành nông nghiệp”.
Theo ông Thủ, cùng khoảng thời gian này vào năm trước, giá rau má được thu mua với giá khoảng 12.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn 3.000 – 4000 đồng/kg. “Một trong những nguyên nhân khiến cho giá rau má giảm mạnh là do nguồn cung vượt cầu, cùng với đó diễn biến bất lợi của thời tiết, nhất là bão số 3 đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển rau má xuất bán sang thị trường Trung Quốc”, ông Thủ nhận định.
Ông Trần Văn Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Long cho biết, UBND huyện đang chỉ đạo Phòng NN-PTNT phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng trồng. Cùng với đó, hướng dẫn nông dân quy trình trồng rau má theo hướng an toàn, từ khâu cải tạo đất, chọn giống, cách trồng cũng như chăm sóc sao cho đạt năng suất cao. Đặc biệt là khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân hữu cơ, thuốc vi sinh để tạo ra sản phẩm rau sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Phạm Văn Mười, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh cùng các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng vùng trồng rau má tập trung theo hướng VietGAP, cấp mã vùng trồng… để nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất. Tuy nhiên, về vấn đề tiêu thụ thì đến nay vẫn rất bị động, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thương lái.
Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có khoảng 200ha diện tích trồng rau má.