Ủy ban Quản lý vốn không nên sa đà vào việc cố gắng bảo vệ DNNN

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:19, 10/01/2019

VEPR cho rằng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên đặt nhiệm vụ trọng tâm là thu gọn đầu mối quản lý, xóa bỏ các lực cản để từ đó thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thay vì sa đà vào việc cố gắng bảo vệ và duy trì khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vốn dĩ không thể hoạt động hiệu quả bằng khu vực tư nhân.
Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm - Ảnh: LT

Việt Nam đã phá giá VND?

Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 4 và cả năm 2018 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố sáng 10.1, cấu trúc ngân sách nhà nước (NSNN) chưa có cải thiện gì so với những năm trước khi chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo và nhu cầu chi tiêu vượt xa so với khả năng thu.

“Nếu Chính phủ không thể kìm hãm nhu cầu chi tiêu công của mình thì các biện pháp tăng thu thông qua việc đưa vào những sắc thuế mới hoặc tăng các sắc thuế cũ vẫn sẽ là những điểm tối đáng chú ý của tình trạng tài khóa trong thời gian tới”, báo cáo nêu rõ.

Cũng theo báo cáo này, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm vào ngày 19.12 góp phần củng cố giá trị của USD so với các đồng tiền khác, trong đó có Việt Nam đồng (VND).

Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại vào thời điểm 28.12.2018 ở mức 23.245 VND/USD, tăng khoảng 2,2% so với thời điểm cuối năm 2017. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm của NHNN vào ngày giao dịch cuối năm ở mức 22.825 VND/USD, tăng khoảng 1,8% so với cuối 2017.

“Thực tế này cho thấy NHNN dù không tuyên bố chính thức nhưng đã phá giá VND với tỷ lệ tương đối hợp lý”, VEPR nhận định.

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán HSC, tính tới thời điểm cuối tháng 10.2018, NHNN đã phải bán ra 5,3 tỉ USD kể từ tháng 7 để ổn định tỷ giá. Theo VEPR, việc bào mòn dự trữ ngoại hối còn ở mức khiêm tốn (tính theo tháng nhập khẩu) để bảo vệ nội tệ không phải là giải pháp lâu dài.

Bên cạnh đó, việc cập nhật thường xuyên số liệu chính thức về dự trữ ngoại hối kể từ khi NHNN can thiệp vào thị trường ngoại hối đặt công chúng vào sự lo ngại về mức độ can thiệp trên thị trường ngoại hối và không gian chính sách còn lại khi dự trữ ngoại hối bị bào mòn. NHNN cần công khai thường xuyên số liệu với công chúng hơn để tăng tính minh bạch và uy tín điều hành thị trường.

Hơn nữa, việc số liệu về dự trữ ngoại hối do NHNN công bố và của các tổ chức quốc tế như IMF, ADB có sự khác biệt lớn một lần nữa cho thấy công tác làm số liệu ở Việt Nam còn nhiều điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về khả năng điều hành và ổn định thị trường của NHNN khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Vấn đề lớn nhất nằm ở chính sách tài khóa

Vẫn theo VEPR, vấn đề lớn nhất của Việt Nam nằm ở chính sách tài khóa. Trong nhiều năm, bức tranh ngân sách và nợ công không được cải thiện. Quy mô nợ công lớn và sát ngưỡng cho phép (65% GDP) khiến gánh nặng chi trả nợ lãi ngày càng cao; nguồn thu ngân sách vẫn chỉ đủ hoặc dư thừa không đáng kể; khối tài sản nhà nước ngày càng giảm thông qua bán vốn DNNN hoặc bán các tài sản nhà nước khác nhưng thâm hụt ngân sách lại không được thu hẹp (vẫn khoảng 4% chưa kể chi trả nợ gốc).

“Điều này có nghĩa là Việt Nam cũng thiếu “đệm tài khóa” để đối phó với các cú sốc bên ngoài (nếu có) như nhiều quốc gia khác. Môi trường kinh doanh theo đó cũng khó được cải thiện khi doanh nghiệp và người dân luôn phải đối mặt với nỗi lo tăng thuế phí để bù đắp cho thâm hụt ngân sách của Chính phủ”, báo cáo nêu.

VEPR khuyến nghị trong năm tới, Việt Nam một mặt nên tiếp tục tiến trình cải thiện điều kiện thể chế - kinh tế trong nước, cải cách tài khóa và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN, mặt khác nên tập trung chuẩn bị các điều kiện về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để sẵn sàng đối mặt với những bất ổn từ kinh tế thế giới.

Các chính sách này có thể bao gồm việc điều hành tỷ giá linh hoạt theo hướng thích ứng (hấp thụ bớt) các cú sốc từ bên ngoài. Ví dụ, việc chủ động giảm giá VND khéo léo giữa mức mất giá của CNY so với USD. Việc điều chỉnh tỷ giá giúp Việt Nam tận dụng 2 thị trường lớn để cải thiện tình trạng sản xuất và cân bằng cán cân thương mại.

Tiếp theo là hạ thấp đòn bẩy (deleveraging), điều tiết và giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao sức khỏe của hệ thống tài chính. Tuy các ngân hàng đã có những nỗ lực xử lý nợ xấu trong thời gian qua nhưng rủi ro về chu kỳ nợ xấu mới vẫn là tiềm tàng với hệ thống tổ chức tài chính của Việt Nam khi tín dụng đổ vào các lĩnh vực rủi ro như BOT, bất động sản và gần đây là tín dụng tiêu dùng trên thực tế vẫn cao; việc thu hồi vốn vay từ các dự án giao thông BOT, BT không hề đơn giản; tín dụng đổ vào bất động sản vẫn tăng…

Đồng thời, VEPR cho rằng cần thận trọng hơn với tăng trưởng cung tiền (khống chế trong khoảng 12%/năm). Trong bối cảnh NHNN vẫn giữ lãi suất điều hành ở mức thấp, việc giảm tỷ lệ cung tiền sẽ giúp cho Việt Nam có thêm dư địa chính sách tiền tệ để ứng phó với những cú sốc từ bên ngoài.

Cũng theo báo cáo, khi nguồn vay ODA ngày càng hạn chế, Việt Nam phải dựa nhiều vào nguồn nội lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển. Điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua việc thu gọn, tinh giản và sắp xếp lại bộ máy chính quyền để giảm chi thường xuyên.

Qua đó, thâm hụt ngân sách sẽ dần được cắt giảm và tạo được “đệm tài khóa” nhằm tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới

VEPR cho rằng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nên đặt nhiệm vụ trọng tâm là thu gọn đầu mối quản lý, xóa bỏ các lực cản để từ đó thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thay vì sa đà vào việc cố gắng bảo vệ và duy trì khu vực DNNN vốn dĩ không thể hoạt động hiệu quả bằng khu vực tư nhân.

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đưa Việt Nam đến với cơ hội lớn hiếm hoi trước xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất. Tuy nhiên, để cơ hội trở thành hiện thực đòi hỏi rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước.

Lam Thanh