Na Uy truy nã người liên quan đến vụ máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon

Quốc tế - Ngày đăng : 11:30, 27/09/2024

Hãng Reuters đưa tin cảnh sát Na Uy vừa ban hành lệnh truy nã quốc tế với một công dân gốc Ấn tên Rinson Jose do liên quan đến hoạt động mua bán máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon vừa qua.
Quốc tế

Na Uy truy nã người liên quan đến vụ máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon

Cẩm Bình 27/09/2024 11:30

Hãng Reuters đưa tin cảnh sát Na Uy vừa ban hành lệnh truy nã quốc tế với một công dân gốc Ấn tên Rinson Jose do liên quan đến hoạt động mua bán máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon vừa qua.

screenshot-2024-09-27-110319.png

Jose (39 tuổi) mất tích trong chuyến công tác tại Mỹ tuần trước. Người này là nhà sáng lập một công ty Bulgaria được cho nằm trong chuỗi cung ứng máy nhắn tin phát nổ.

DN Media Group - tập đoàn tại Na Uy của Jose - nói rằng ông sang thành phố Boston dự hội nghị vào ngày 17.9. Đến ngày hôm sau họ không liên lạc được với ông nữa.

Khi công dân mất tích ở nước ngoài, cảnh sát Na Uy thường sẽ ban hành “thông báo vàng” toàn cầu để truy tìm, hoặc cũng có thể liên hệ trực tiếp với đối tác nước ngoài tùy trường hợp cụ thể. Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) từ chối bình luận về thông tin trên.

Theo dữ liệu từ phía Bulgaria, Jose thành lập công ty Norta Global (trụ sở ở thành phố Sofia) vào năm 2022. Giới chức nước này đã điều tra nhưng không tìm thấy bằng chứng số máy nhắn tin gặp chuyện được sản xuất hay xuất khẩu từ Bulgaria. Đầu tuần qua, Na Uy cũng tiến hành điều tra sơ bộ nhằm làm rõ thông tin một doanh nghiệp Na Uy có liên quan.

Trước đó, vào ngày 17.9, hàng loạt máy nhắn tin mang thương hiệu Gold Apollo mà nhóm Hezbollah ở Lebanon sử dụng đồng loạt phát nổ. Công ty Đài Loan Gold Apollo tuyên bố không sản xuất các sản phẩm này mà chỉ cấp phép cho công ty Hungary BAC Consulting sử dụng thương hiệu của mình. Tuy nhiên, Giám đốc Điều hành BAC Consulting Cristiana Barsony-Arcidiacono lại tuyên bố họ chỉ là đơn vị trung gian đứng ra mua bán. Giới chức Hungary xác nhận thông tin này, đồng thời khẳng định tại đây không hề có nhà máy nào sản xuất máy nhắn tin.

Ngày 18.9 lại có nhiều máy bộ đàm dán nhãn thương hiệu ICOM cùng dòng chữ ghi sản xuất tại Nhật Bản phát nổ. ICOM cho biết sản phẩm này ngừng sản xuất từ cách đây 10 năm, đa số hàng còn bán ngoài thị trường là hàng giả.

Các vụ nổ thiết bị liên lạc làm leo thang căng thẳng Hezbollah - Israel. Nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện đang đến rất gần.

Cẩm Bình