Nhà khoa học máy tính hàng đầu Trung Quốc chỉ trích Huawei: ‘Họ sẽ chiếm lĩnh mọi thứ’

Thế giới số - Ngày đăng : 11:30, 27/09/2024

Sun Ninghui (Tôn Ninh Huy), một trong những nhà khoa học máy tính hàng đầu Trung Quốc, đã có lời chỉ trích hiếm hoi vào gã khổng lồ công nghệ Huawei, cho thấy sự rạn nứt đang nhen nhóm giữa cộng đồng học thuật với ngành công nghiệp nước này.
Thế giới số

Nhà khoa học máy tính hàng đầu Trung Quốc chỉ trích Huawei: ‘Họ sẽ chiếm lĩnh mọi thứ’

Sơn Vân 27/09/2024 11:30

Sun Ninghui (Tôn Ninh Huy), một trong những nhà khoa học máy tính hàng đầu Trung Quốc, đã có lời chỉ trích hiếm hoi vào gã khổng lồ công nghệ Huawei, cho thấy sự rạn nứt đang nhen nhóm giữa cộng đồng học thuật với ngành công nghiệp nước này.

Trong clip được đăng trên dịch vụ chia sẻ video Bilibili gần đây, Sun Ninghui chỉ trích mô hình phát triển của Huawei là quá khép kín và độc quyền, nói rằng việc công ty này kiểm soát chuỗi công nghiệp sẽ không giúp Trung Quốc đánh bại Mỹ ở cuộc chiến công nghệ đang diễn ra giữa hai nước.

"Từ sản xuất chip đến phần mềm, mô hình ngôn ngữ lớn đến mạng lưới năng lượng điện toán, tốt nhất là mọi người khác không nên tham gia và Huawei sẽ chiếm lĩnh mọi thứ", Sun Ninghui nói, ngụ ý rằng Huawei thống trị chuỗi công nghệ tại Trung Quốc.

"Tôi nghĩ chúng ta đang sử dụng kiểu đóng cửa và độc quyền theo kiểu này để chống lại sự độc quyền và kiềm chế theo kiểu phương Tây, mà chúng ta chắc chắn không thể thắng được", Sun Ninghui cho biết thêm.

Huawei không trả lời ngay lập tức khi được trang SCMP đề nghị bình luận.

Sun Ninghui là nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) và Chủ tịch của Liên đoàn Máy tính Trung Quốc, cộng đồng các nhà khoa học máy tính lớn nhất tại nước này.

Ông tập trung vào kiến ​​trúc máy tính và điện toán hiệu suất cao trong công việc của mình tại Trung tâm Nghiên cứu Máy tính Hiệu suất cao tại Viện Công nghệ Máy tính thuộc CAS.

Trung tâm nghiên cứu này đứng sau sự phát triển loạt siêu máy tính Shuguang theo chương trình 863 của chính phủ Trung Quốc. Sun Ninghui cũng là học giả tại Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc.

Trong một bài giảng về trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán thông minh trước cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc vào tháng 4, Sun Ninghui đã gợi ý rằng Trung Quốc nên giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ bằng cách đưa ra những cải tiến riêng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Một chuyên gia máy tính trong ngành đồng tình với những lo ngại của Sun Ninghui. Yêu cầu trang SCMP không nêu tên, chuyên gia này nói ông tin rằng sự thống trị áp đảo của một hãng công nghệ không có lợi cho việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới lành mạnh. Chuyên gia lấy ví dụ về sự thống trị tuyệt đối của Samsung Electronics với ngành công nghiệp tại Hàn Quốc, điều mà ông cho là đã kìm hãm sự tiến bộ công nghệ của quốc gia này.

Chuyên gia giấu tên biết nhận thức được Huawei thường có nhiều lợi thế và sự ưu đãi hơn so với các nhà thầu khác khi cạnh tranh cho nhiều đơn đặt hàng từ chính phủ.

Thế nhưng, nhà sáng lập của một hãng đầu tư mạo hiểm Trung Quốc chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ cao (cũng yêu cầu giấu tên) nói vấn đề không nghiêm trọng như Sun Ninghui mô tả.

Nhà đầu tư cho biết ưu tiên cấp bách nhất của Trung Quốc sẽ là đổi mới tại các điểm nghẽn quan trọng nhất, động thái đòi hỏi một số công ty lớn có khả năng tập hợp nguồn lực.

Ông nói một khi những đột phá được thực hiện, sẽ không quá muộn để giải quyết các vấn đề như độc quyền tài nguyên và thị phần của các công ty khổng lồ.

nha-khoa-hoc-may-tinh-hang-dau-trung-quoc-chi-trich-huawei-ho-se-chiem-linh-moi-thu-1-.jpg
Các kỹ sư làm việc tại Trung tâm Siêu máy tính Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc - Ảnh: AFP

Những người khác, gồm cả Xiang Ligang - nhà phân tích công nghệ và sáng lập cổng thông tin viễn thông CCTime.com (có trụ sở tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc), cho rằng việc Sun Ninghui công khai chỉ trích Huawei là do xung đột lợi ích.

Trong video được đăng trên Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc), Xiang Ligang cho biết một số nhà khoa học, do Sun Ninghui đại diện, "rất chán nản và có thái độ bất bình với các công ty thành công như Huawei" sau khi các siêu máy tính mà họ phát triển bị ngừng tham gia vào các bảng xếp hạng thế giới. Video này hiện đã bị xóa.

Theo Xiang Ligang, đây là "đòn cú sốc lớn" với các nhà khoa học như Sun Ninghui, vì không có cách nào chứng minh được sức mạnh máy móc của họ. Xiang Ligang mô tả các hệ thống siêu máy tính này là "không có khả năng hoặc yếu" về mặt sử dụng thực tế và giá trị thương mại.

Xiang Ligang cho rằng dù tập trung chuỗi ngành công nghiệp vào một công ty là chiến lược không hiệu quả, nhưng Huawei có thể phải áp dụng chiến lược này vì đang bị những công ty khác "bóp nghẹt".

Các lệnh trừng phạt từ Mỹ và mối quan hệ ngày càng xấu đi của Trung Quốc với Mỹ trong những năm gần đây đã khiến các viện nghiên cứu siêu máy tính trong nước ngừng gửi dữ liệu lên danh sách Top500, gồm cả thông tin về quá trình phát triển và hiệu suất của siêu máy tính.

Danh sách Top500 là bảng xếp hạng thường niên nhằm đánh giá và so sánh hiệu suất của các siêu máy tính trên toàn thế giới. Danh sách này được công bố hai lần một năm, được xem là thước đo chuẩn để so sánh sức mạnh tính toán của các hệ thống máy tính lớn nhất và mạnh nhất.

Hồi tháng 6.2019, tờ SCMP đưa tin dù các siêu máy tính Shuguang mới nhất ở Trung Quốc chạy nhanh hơn 50% so với các máy tốt nhất Mỹ thời điểm đó, những nhà hoạch định chính sách ở cường quốc châu Á đã quyết định không cho chúng tham gia cuộc thi siêu máy tính mới nhất vào năm 2019. Lý do vì Trung Quốc không muốn thổi bùng ngọn lửa căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Cũng trong năm 2019, Huawei cho biết sẽ đầu tư thêm 1,5 tỉ USD để mở rộng cơ sở nhà phát triển từ 1,3 triệu lên 5 triệu để đưa ra thế hệ ứng dụng và giải pháp thông minh tiếp theo.

Trong tháng 9, một số nhà phân tích ngành công nghiệp Mỹ dự đoán rằng Huawei sẽ tiết lộ một chip trí tuệ nhân tạo (AI) mang tính đột phá có khả năng cạnh tranh với các chip cao cấp mà những gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Nvidia cấm bán cho Trung Quốc.

Thách thức với HarmonyOS của Huawei đằng sau những con số ấn tượng

Tại sự kiện Huawei Connect 2024 mới đây, Zhu Yonggang (Chủ tịch Huawei Mobile Cloud) cho biết hệ sinh thái HarmonyOS chỉ mất 1 năm để hoàn thành hành trình 17 năm tiến bộ giống các hệ điều hành khác (Android ra mắt năm 2008 và iOS trình làng năm 2007). Đây là một thành tựu to lớn của Huawei.

Zhu Yonggang nói việc phát triển HarmonyOS từ đầu là điều không thể. Vì vậy, Huawei đã chọn cách cải tiến và nâng cấp phần mềm của mình với các giải pháp tiên tiến. Hiện tại, HarmonyOS NEXT (phiên bản mới của HarmonyOS) nhanh hơn, mượt mà hơn và tốt hơn so với Android. Theo Huawei, HarmonyOS NEXT sử dụng microkernel hiệu quả hơn gấp 3 lần so với Linux truyền thống.

Microkernel là kiến trúc hệ điều hành trong đó chỉ những chức năng cơ bản và quan trọng nhất của hệ điều hành được đưa vào kernel (nhân). Các chức năng khác như trình điều khiển thiết bị, hệ thống tệp và giao diện người dùng được xử lý ở các mô đun bên ngoài kernel, chạy trong không gian người dùng.

Cụ thể, microkernel thường chỉ đảm nhiệm các nhiệm vụ cơ bản như:

- Quản lý bộ nhớ.

- Giao tiếp giữa các tiến trình (inter-process communication).

- Lên lịch trình CPU (scheduling).

Các nhà phát triển và đối tác đã đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển của hệ sinh thái HarmonyOS. Họ đã thúc đẩy sự tiến bộ nhanh chóng so với các hệ điều hành khác. Hiện đã có hơn 900 triệu thiết bị chạy trên HarmonyOS và hơn 1.000 đối tác tham gia vào hệ sinh thái, gồm cả các tên tuổi lớn tại Trung Quốc như Ant Group, China UnionPay và iFlytek.

Mặt khác, số lượng nhà phát triển đã đăng ký trong Liên minh Nhà phát triển Huawei đã đạt 6.75 triệu người (tăng gấp 10 lần trong 5 năm). Công ty cũng rất quan tâm đến các nhà phát triển của mình và đã đầu tư 6 tỷ nhân dân tệ mỗi năm để thúc đẩy sự đổi mới.

Gần đây, Huawei cho biết HarmonyOS NEXT không còn phụ thuộc vào Android, đã đạt mốc 10.000 ứng dụng và "đáp ứng 99.9% nhu cầu của người dùng".

"HarmonyOS không cạnh tranh vì lợi nhuận, không đặt giới hạn hay dừng lại. Với hệ điều hành này, chúng tôi cam kết đầu tư hơn 6 tỉ nhân dân tệ mỗi năm để hỗ trợ và khuyến khích các nhà phát triển sáng tạo", Huawei thông báo.

Thị phần HarmonyOS đã vượt qua iOS trong quý 1/2024 tại Trung Quốc. Với các tính năng mới và khả năng nâng cấp, HarmonyOS dường như đã sẵn sàng để trở thành hệ điều hành smartphone lớn thứ hai ở Trung Quốc.

screenshot-2024-09-27-112415.jpg
Các nhà phát triển gặp khó khăn để tạo ra phiên bản ứng dụng tương thích hoàn toàn với HarmonyOS Next - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, ẩn sau những con số ấn tượng nêu trên là nhiều thách thức lớn đặt nặng lên vai các nhà phát triển.

Dưới sức ép từ làn sóng “hệ điều hành nội địa”, nhiều công ty phải vội vã phát hành ứng dụng cho HarmonyOS. Điều này đi kèm với hệ quả tiêu cực là nhiều ứng dụng được phát hành dưới dạng demo chưa hoàn chỉnh.

Các nền tảng lớn như Taobao, NetEase, iQIYI và Xiaohongshu đã ra mắt ứng dụng trên HarmonyOS, nhưng vẫn chưa hoàn thiện, chỉ có vài chức năng hạn chế và trải nghiệm người dùng kém.

Phân tích của hãng tin Nikkei về 28 ứng dụng phổ biến tại Trung Quốc cho thấy chỉ có 3 ứng dụng hoàn toàn thích ứng với HarmonyOS. 13 ứng dụng có sẵn phiên bản demo và 10 ứng dụng còn lại vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Ngay cả gã khổng lồ công nghệ ByteDance, vốn được Huawei coi là đối tác quan trọng, cũng chưa có tiến triển về việc tùy biến ứng dụng cho hệ điều hành mới.

Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn do áp lực từ công chúng và chính trị. Họ kỳ vọng các nhà phát triển đi theo định hướng của Huawei với HarmonyOS. Sự chỉ trích từ công chúng với những công ty chậm thích ứng như Tencent và ByteDance càng khiến các nhà phát triển vội vàng phát hành ứng dụng, dù chúng chưa sẵn sàng.

Thế nên, nhiều tính năng quan trọng vẫn chưa hoàn thiện trong các ứng dụng HarmonyOS. Khi thử nghiệm Douyin trên Huawei Mate 60 chạy HarmonyOS Next, người dùng phát hiện rằng các tính năng thiết yếu như Douyin Mall, tìm kiếm và cổng thanh toán đều vắng bóng.

Các ứng dụng khác như Taobao chỉ phát hành phiên bản demo giới hạn, trong khi Youku của Alibaba buộc người dùng phải sử dụng Alipay cho các giao dịch thay vì hệ thống thanh toán Petal của HarmonyOS.

Sự chú ý đang đổ dồn vào Mate 70, dòng smartphone đầu tiên của Huawei được cài đặt sẵn HarmonyOS Next, dự kiến trình làng ngày 30.9. Tuy nhiên, các nguồn tin hiện cho biết việc phát hành Mate 70 có thể bị trì hoãn do tốc độ phát hành trên toàn ngành chậm hơn dự kiến.

Sơn Vân