Bộ Chính trị sẽ ra nghị quyết về FDI, đề cao tính chọn lọc

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 08:47, 15/01/2019

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa chủ trì cuộc họp để xây dựng Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, thông qua.
FDI chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh: Internet

Có 2 nền kinh tế trong một đất nước

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Việt Nam đã có lịch sử 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trở thành một thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Đến nay, đã có hơn 26.500 dự án ĐTNN đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, cam kết đầu tư trên 334 tỉ USD vào Việt Nam.

Đến năm 2017, khu vực ĐTNN chiếm gần 20% GDP, đóng góp 23,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% kim ngạch xuất khẩu, sử dụng gần 4 triệu việc làm trực tiếp và 5 - 6 triệu việc làm gián tiếp.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng, thời gian qua Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa có một Nghị quyết chuyên đề về thu hút FDI. Do đó, việc Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ trì xây dựng Đề án này để trình Bộ Chính trị thông qua bằng một Nghị quyết chuyên đề có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở để thu hút FDI có chọn lọc, phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi ích và hạn chế những bất cập của FDI mang lại.

Đồng thời, góp phần để Đảng, Nhà nước lồng ghép việc thu hút FDI trong phát huy nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn 2021-2030. Bộ KH-ĐT đã xây dựng dự thảo đề án về thu hút FDI.

Về định hướng thu hút FDI trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán, coi khu vực FDI là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài.

“Thu hút FDI có chọn lọc, khuyến khích gắn kết với doanh nghiệp trong nước, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu trên nguyên tắc đa phương hóa, đa dạng hóa, bảo đảm tính độc lập của nền kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia... “, Bộ này nêu.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá dự thảo Đề án đã liệt kê được nhiều vấn đề liên quan tới FDI nhưng chưa nêu bật được những nội dung “then chốt” liên quan đến thực trạng, xu hướng phát triển của khu vực FDI, đặt ra nền tảng thu hút lĩnh vực này trong giai đoạn tới.

“Cần lắng nghe, chắt lọc các ý kiến chuyên gia, nhất là tiếp thu, cụ thể hóa các đánh giá, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Không chỉ làm rõ được thực trạng mà còn thể hiện được xu hướng thu hút FDI và sự thay đổi, hoàn thiện chính sách thu hút FDI”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Cụ thể, Phó thủ tướng cho rằng dư luận xã hội đang có “cảm giác” là có sự lệch pha giữa khu vực FDI và khu vực trong nước, đến mức một số chuyên gia đã nói “có 2 nền kinh tế trong 1 đất nước”. Hay như nhận định Nhà nước ưu đãi quá mức cho FDI mà để doanh nghiệp trong nước lép vế.

Do vậy, các bộ, ngành phải nhận định rõ các nội dung này để thiết lập quan điểm, giải pháp trong thu hút FDI, tăng cường nội lực khu vực kinh tế bản địa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường.

Thu hút có lựa chọn, dần thoát gia công

Về định hướng thu hút FDI, Phó Thủ tướng cho rằng dự thảo Đề án chưa đánh giá được tác động của sự phát triển cách mạng công nghệ và sự dịch chuyển đầu tư dòng vốn trên thế giới.

Cùng với đó, chưa phân tích, làm rõ nhận định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển nội hàm thu hút và sử dụng FDI sang nội hàm chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, đặc biệt hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội.

“Hợp tác đầu tư nước ngoài là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy và điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia”, Phó thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ Đề án của Bộ Chính trị không phải để xác lập chủ trương mà là hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút FDI, định hướng khắc phục hệ thống pháp luật về thuế, doanh nghiệp, đầu tư, sử dụng đất đai... và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

Nói với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, TS Bùi Trinh nhận định, thời gian qua các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là điện thoại, linh kiện điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may… Đây là top những mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất Việt Nam năm vừa qua, lên tới cả vài chục tỉ USD.

“Như vậy, có thể thấy, xuất khẩu tăng mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm hàng thuộc khối FDI sản xuất và những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ, mang nặng tính gia công, lắp ráp là chủ yếu. Hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm rất thấp. Những sản phẩm thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dường như là xuất khẩu “hộ” nước khác”, TS Bùi Trinh nói.

Trao đổi với Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định Việt Nam đã có những thay đổi về chất trong thu hút vốn FDI. Điển hình là việc thu hút nguồn vốn FDI năm 2018 giảm so với các năm trước, nhưng vốn giải ngân lại cao.

Trong đó, một tín hiệu đáng quan tâm là các dự án ở lĩnh vực như thành phố thông minh, phát triển công nghệ cao… đã tăng lên. Điều này theo ông Thịnh là phù hợp với định hướng của Việt Nam là phát triển công nghệ thông minh, công nghệ cao, tạo ra sự phát triển bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường…

“Đây là điều đáng mừng vì vốn giải ngân mới là vốn thực họ bỏ ra và nó đi vào nền kinh tế. Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài khi vào nước ta đã có tính toán kỹ hơn”, ông Thịnh nói.

Một điều ông Thịnh cũng đánh giá rất tích cực là năm qua, có nhiều địa phương đã từ chối các dự án FDI tương đối lớn, ví dụ như ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc… Một số địa phương từ chối các dự án vì không phù hợp với quy hoạch chung hay sự phát triển của đất nước như nhiệt điện, bột giấy... Năm 2016 đã xuất hiện lẻ tẻ việc từ chối các dự án này, nhưng chỉ đến 2018 thì việc từ chối dự án FDI của năm 2018 mới rõ ràng hơn.

“Qua đó cho thấy, suy nghĩ về việc cạnh tranh thu hút FDI của các tỉnh đã có sự thay đổi. Trước kia, các tỉnh cạnh tranh nhau thu hút FDI gần như bằng mọi giá, sẵn sàng tăng các ưu đãi, hạ thấp thuế, tiền thuê đất… thì bây giờ có vẻ như điều này đang được thay đổi. Chúng ta đã bắt đầu có sự lựa chọn và xem xét các dự án đầu tư nước ngoài vì lợi ích chung của nền kinh tế”, ông Thịnh nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng đây là một trong những chuyển biến rất rõ của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư từ trung ương đến địa phương. Với nhận thức đó, Việt Nam sẽ dần loại bỏ được các dự án không phù hợp với thời kỳ phát triển kinh tế mới.

Lam Thanh