Nợ thuế tăng cao, tạm hoãn xuất cảnh gần 18.000 người

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:35, 02/10/2024

Cơ quan thuế cho biết đã thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp nợ thuế.
Tài chính và đầu tư

Nợ thuế tăng cao, tạm hoãn xuất cảnh gần 18.000 người

Tuyết Nhung 02/10/2024 17:35

Cơ quan thuế cho biết đã thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp nợ thuế.

Trong thời gian qua, mặc dù đẩy mạnh các giải pháp quản lý, thu hồi tiền thuế nợ, tuy nhiên tổng số tiền nợ thuế đến thời điểm 31.8 của toàn quốc vẫn ở mức cao. Trước tình hình đó, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 4216 chỉ đạo các cục thuế địa phương và Cục Thuế doanh nghiệp lớn tăng cường công tác quản lý, thu hồi tiền nợ thuế.

d951e24e-cf96-445b-8d2c-1e7fc974c91b.jpeg
Người dân tuân thủ các quy định nộp thuế

Theo đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo cục thuế các tỉnh thành tập trung triển khai các 11 nhóm biện pháp để thu hồi nợ thuế, trong đó một số nhóm được Tổng cục Thuế yêu cầu cụ thể, điển hình như:

Cục thuế các địa phương phân công, giao nhiệm vụ và gắn trách nhiệm thu hồi nợ thuế, xử lý nợ đọng thuế đến từng cán bộ, công chức quản lý; đồng thời tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu thu nợ và hạn chế phát sinh thêm nợ mới.

Cần tăng cường công tác rà soát, phân loại nợ thuế đảm bảo theo đúng tính chất của khoản nợ và có đầy đủ hồ sơ phân loại theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải kịp thời thực hiện phân loại lại theo đúng tính chất khoản nợ.

Phải theo dõi, hạch toán đầy đủ, chính xác các khoản nợ của người nộp thuế (NNT) vào ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS), tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện điện tử hóa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Đối với công tác đôn đốc thu hồi nợ thuế, cơ quan thuế phải triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc và công khai thông tin theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước (NSNN). Đối với NNT có khoản tiền thuế nợ dưới 90 ngày, bộ phận thanh tra - kiểm tra chịu trách nhiệm kiểm soát dữ liệu và đôn đốc NNT nộp tiền thuế nợ vào NSNN, hạn chế các khoản nợ dây dưa, kéo dài.

Trường hợp đối với NNT có khoản tiền thuế nợ đã quá 30 ngày, cơ quan thuế thực hiện ban hành thông báo tiền thuế nợ gửi NNT bằng phương thức điện tử qua tài khoản giao dịch thuế điện tử (eTax). Đối với NNT có khoản tiền thuế nợ quá 60 ngày, công chức thuế phải thường xuyên liên hệ với NNT để nhắc nhở về việc nộp tiền thuế nợ và thông báo cho NNT biết về việc sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi có khoản nợ quá 90 ngày.

Đối với công tác cưỡng chế nợ thuế, cục thuế các địa phương tăng cường các biện pháp cưỡng chế và tạm hoãn xuất cảnh. Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà NNT chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào NSNN thì tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định; xem xét áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định để tăng cường hiệu quả thu hồi nợ…

Về công tác phối hợp thu hồi nợ đọng thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả của Ban chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế đảm bảo định kỳ tổ chức làm việc trực tiếp với các đơn vị nợ lớn trên địa bàn để đôn đốc, thu hồi nợ thuế.

Đồng thời các cục thuế địa phương tiếp tục tham mưu, kiến nghị UBND các cấp chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn như: kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, kế hoạch và đầu tư, tài chính, tài nguyên và môi trường, công an, tòa án... trong việc thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN, cũng như đề xuất UBND chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đặc biệt là các khoản nợ liên quan đến đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế bảo vệ môi trường…

Ngoài ra, ngành thuế cũng đề nghị và khuyến khích NNT thực hiện cài đặt ứng dụng eTaxMobile để theo dõi tình hình nợ thuế và nhận được các thông báo của cơ quan thuế (thông báo nợ thuế, thông báo tạm hoãn xuất cảnh...) để kịp thời hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Để triển khai hiệu quả các yêu cầu nhiệm vụ trên, Tổng cục Thuế đề nghị cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động NNT thực hiện nghĩa vụ với NSNN theo đúng quy định của pháp luật, nộp đầy đủ, kịp thời các khoản phải nộp vào NSNN. Phải phổ biến thông tin để NNT biết về các biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi các khoản nợ thông qua sự tự giác tuân thủ pháp luật của NNT và triển khai hỗ trợ NNT cài đặt và sử dụng ứng dụng eTaxMobile khi có yêu cầu.

Thông tin về kết quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế cho biết lũy kế tính đến cuối tháng 8.2024, toàn ngành thu được 53.771 tỉ đồng nợ thuế, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023 thực hiện, trong đó: thu bằng biện pháp quản lý nợ được 50.458 tỉ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ được 3.313 tỉ đồng.

Có 41/63 địa phương có số thu nợ 8 tháng tăng so với cùng kỳ, trong đó có 17 địa phương có số thu nợ tăng trên 50%; tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng dự toán thu năm 2024 tính đến ngày 31.8.2024 ước đạt 14,3%, trong đó tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu năm 2024 là 10,4%. Có 19/63 địa phương có tỷ lệ tổng nợ trên dự toán thu ngân sách đảm bảo dưới 8%.

Về tình hình thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, tính đến ngày 14.8.2024, cơ quan thuế đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp, với số tiền thuế nợ là 30.388 tỉ đồng, trong đó có 10.829 NNT bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền thuế nợ là 6.894 tỉ đồng. Kết quả thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã thu được 1.341 tỉ đồng của 2.116 NNT đang bị tạm hoãn xuất cảnh. Đáng chú ý, đã thu được nợ thuế của 650 NNT đang bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền thuế nợ là 46,7 tỉ đồng.

Tuyết Nhung