TP.HCM: Tổ chức thực hiện chính quyền đô thị còn gặp nhiều vướng mắc
Sự kiện - Ngày đăng : 14:20, 05/10/2024
TP.HCM: Tổ chức thực hiện chính quyền đô thị còn gặp nhiều vướng mắc
Tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sáng 5.10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã báo cáo các dự án, đề án; những vướng mắc cần khắc phục, tháo gỡ; nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và những đề xuất, kiến nghị của TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá kết quả kinh tế - xã hội TP.HCM giữ đà tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Phần lớn các chỉ số quan trọng đều tăng so với cùng kỳ năm trước. TP đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng... Tuy nhiên, một số chỉ số chưa đạt kết quả như mong đợi, trong đó có các chỉ số liên quan tới dòng tiền vào thị trường.
Qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 98 với 44 cơ chế đặc thù, trong đó có 30 cơ chế đã áp dụng; 2 cơ chế đang chờ bộ, ngành bổ sung quy định; 1 cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế; 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng; 7 cơ chế thành phố đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.
Về lĩnh vực quản lý đầu tư, TP đã bố trí vốn đầu tư công và giải ngân 2.796 tỉ đồng (năm 2023) và 998 tỉ đồng (năm 2024) hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm. TP đã thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3; đã ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028.
Về tài chính, ngân sách nhà nước, TP đã đưa vào cân đối từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm 11.287 tỉ đồng.
Về hoạt động xúc tiến đầu tư, đã đón tiếp và làm việc với hơn 320 đoàn trong và ngoài nước tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh; tổ chức 296 hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước; tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư liên quan tới thu hút nhà đầu tư chiến lược, tăng trưởng xanh (giảm phát khí thải, tín chỉ các-bon).
Về tổ chức bộ máy chính quyền của TP, đã thành lập Sở An toàn thực phẩm và Trung tâm Chuyển đổi số TP; TP đã giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn giai đoạn 2024 - 2026 với tổng số 7.037 người.
Về tổ chức bộ máy chính quyền TP.Thủ Đức, đã thành lập mới Ban Đô thị Hội đồng nhân dân, Thanh tra xây dựng; Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Trung tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm An sinh xã hội...
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội thông qua tổng thể dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM, chủ trương đầu tư dự án án thành phần đoạn qua tỉnh Long An và có Nghị quyết về cơ chế chung cho cả dự án để triển khai.
Về đề đường sắt đô thị TP, ông kiến nghị Quốc hội chấp thuận việc phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho TP khoảng 25,6% trong giai đoạn đến 2035, còn lại sử dụng Ngân sách TP; đề xuất Quốc hội thông qua đề án theo hướng thông qua khung chính sách cho hai TP để triển khai thực hiện đề án, không phải là thông qua chủ trương đầu tư cho một dự án cụ thể.
Trong các cơ chế, chính sách trình Quốc hội thông qua có bao gồm nội dung về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư từng tuyến: giao thẩm quyền cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư, UBND TP quyết định đầu tư nếu vốn huy động cho dự án hoàn toàn là vốn của TP, để có thể áp dụng ngay cho dự án Metro 2 và các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng TOD trong năm 2025.
Về đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP, ông kiến nghị Quốc hội chấp thuận 10 cơ chế chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột năng lực cạnh tranh cần ưu tiên để xây dựng thành công Trung tâm tài chính.
Về sửa đổi, bổ sung luật, ông Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung, điều chỉnh hoặc có hướng dẫn đối với 25 nội dung gồm: nội dung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; nội dung trong Luật Giáo dục nghề nghiệp; 6 nội dung trong Luật Đầu tư công; 4 nội dung trong Luật Quy hoạch; 7 nội dung trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; 2 nội dung trong Luật Đấu thầu; 5 nội dung trong Luật Đầu tư.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết 98, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, kiến nghị Quốc hội cho nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 98 về yêu cầu giải ngân vốn đầu tư đối với nhà đầu tư chiến lược để đảm bảo phù hợp với thực tiễn thực hiện.
Đối với dự án Vành đai 3, TP kiến nghị Quốc hội ủng hộ việc cân đối nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ UBND tỉnh Bình Dương sớm nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng 15,3km đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn đi trùng với đường Vành đai 3 để khai thác đồng bộ, hiệu quả khi Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đưa vào khai thác năm 2026.
Các chỉ số như PAR-Index, PCI, PAPI tuy có cải thiện về điểm số qua các năm, nhưng thứ hạng chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế có mặt chưa đạt chất lượng; hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhìn chung chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức thực hiện chính quyền đô thị tại TP.HCM còn gặp nhiều vướng mắc do các cơ chế, quy định thiếu đồng bộ và có nội dung chưa phù hợp thực tiễn cho một địa bàn lớn và phức tạp như TP.HCM.