Liên Hợp Quốc: Telegram chứa thị trường ngầm cho các băng nhóm tội phạm hùng mạnh ở Đông Nam Á
Thế giới số - Ngày đăng : 15:16, 07/10/2024
Liên Hợp Quốc: Telegram chứa thị trường ngầm cho các băng nhóm tội phạm hùng mạnh ở Đông Nam Á
Các mạng lưới tội phạm hùng mạnh ở Đông Nam Á sử dụng Telegram rộng rãi. Ứng dụng nhắn tin mã hóa này đã tạo ra sự thay đổi cơ bản trong cách thức tội phạm có tổ chức thể tiến hành hoạt động bất hợp pháp trên quy mô lớn, Liên Hợp Quốc cho biết hôm 7.10 trong một báo cáo.
Dữ liệu bị hack bao gồm chi tiết thẻ tín dụng, mật khẩu và lịch sử trình duyệt đang được giao dịch công khai quy mô lớn trên ứng dụng Telegram, nơi có các kênh rộng lớn với ít sự kiểm duyệt, theo báo cáo của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC).
Theo báo cáo từ UNODC, các công cụ được tội phạm mạng sử dụng, gồm cả phần mềm deepfake được thiết kế để gian lận, cùng phần mềm độc hại đánh cắp dữ liệu được bán rộng rãi trên Telegram, trong khi những sàn giao dịch tiền điện tử không có giấy phép cung cấp dịch vụ rửa tiền.
"Chúng tôi chuyển 3 triệu USDT bị đánh cắp từ nước ngoài mỗi ngày", báo cáo trích dẫn một quảng cáo bằng tiếng Trung.
USDT (Tether) là loại tiền điện tử thuộc nhóm stablecoin, được gắn liền với giá trị của một tài sản ổn định, cụ thể là đồng USD. Mục tiêu của USDT là giữ giá trị ổn định bằng cách duy trì tỷ lệ 1:1 với đồng USD, nghĩa là 1 USDT tương đương 1 USD. Tether được phát hành trên nhiều blockchain khác nhau như Bitcoin (thông qua Omni Layer), Ethereum (ERC-20) và một số blockchain khác. Vì sự ổn định của nó, USDT thường được sử dụng trong các giao dịch tiền điện tử và chuyển tiền quốc tế mà không gặp phải biến động lớn về giá như những loại tiền điện tử khác như Bitcoin hay Ethereum.
Báo cáo của UNODC cho biết: "Có bằng chứng rõ ràng về việc các thị trường dữ liệu ngầm chuyển sang Telegram và những nhà cung cấp đang tích cực tìm cách nhắm mục tiêu vào các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đặt cơ sở tại Đông Nam Á".
Đông Nam Á đã nổi lên như một trung tâm lớn cho một ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ USD nhắm vào các nạn nhân trên toàn thế giới bằng các chương trình lừa đảo. Nhiều tổ chức này là các băng đảng Trung Quốc hoạt động trong các khu phức hợp kiên cố, với nhân viên là những người lao động bị buôn bán. UNODC cho biết ngành công nghiệp này tạo ra từ 27,4 tỉ USD đến 36,5 tỉ USD hàng năm.
Có gần 1 tỉ người dùng, Telegram không trả lời ngay lập tức câu hỏi về báo cáo của UNODC.
Benedikt Hofmann, Phó đại diện của UNODC tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cho biết Telegram là một môi trường giúp tội phạm dễ dàng hoạt động.
"Với người tiêu dùng, điều này có nghĩa là dữ liệu của họ có nguy cơ cao hơn bao giờ hết bị sử dụng vào các trò lừa đảo hoặc hoạt động tội phạm khác", Benedikt Hofmann nói với Reuters.
Báo cáo từ UNODC cho biết quy mô lợi nhuận khổng lồ mà các nhóm tội phạm trong khu vực Đông Nam Á kiếm được đã yêu cầu chúng phải đổi mới. Theo UNODC, chúng đã tích hợp các mô hình kinh doanh và công nghệ mới gồm phần mềm độc hại, trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, deepfake vào hoạt động của mình.
UNODC cho biết đã xác định được hơn 10 nhà cung cấp dịch vụ phần mềm deepfake "đặc biệt hướng đến các nhóm tội phạm tham gia vào hành vi gian lận trên mạng ở Đông Nam Á".
Báo cáo của UNODC đại diện cho những cáo buộc mới nhất nhắm vào Telegram kể từ khi Pháp sử dụng một luật mới nghiêm ngặt chưa từng thấy ở nước nào khác để buộc tội Giám đốc điều hành Telegram - Pavel Durov vì cho phép tội phạm hoạt động trên nền tảng này.
Ở những nơi khác tại châu Á, cảnh sát Hàn Quốc được cho là đã mở một cuộc điều tra về Telegram để xem liệu ứng dụng này có tiếp tay cho tội phạm tình dục trực tuyến hay không. Hàn Quốc được cho là quốc gia bị nhắm mục tiêu nhiều nhất bởi nội dung khiêu dâm deepfake.
Vào tháng 9, Reuters đưa tin một hacker đã sử dụng chatbot trên Telegram để làm rò rỉ dữ liệu của Star Health (công ty bảo hiểm hàng đầu Ấn Độ). Star Health đã kiện nền tảng này.
Bằng cách sử dụng chatbot, kẻ gian có thể tải xuống các tài liệu chính sách, yêu cầu bồi thường có tên, số điện thoại, địa chỉ, thông tin thuế, bản sao thẻ căn cước, kết quả xét nghiệm và chẩn đoán y tế.
Đặt trụ sở tại Dubai (UAE), Telegram được thành lập bởi Pavel Durov - tỷ phú 39 tuổi gốc Nga. Pavel Durov đã bị bắt khi đến Pháp hôm 24.8 trong khuôn khổ một cuộc điều tra liên quan đến các tội về khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy và các giao dịch gian lận trên Telegram.
Động thái này đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm hình sự của các nhà cung cấp ứng dụng và cũng gây tranh cãi về ranh giới giữa tự do ngôn luận và thực thi pháp luật.
Được tạp chí Forbes ước tính có khối tài sản trị giá 15,5 tỉ USD, Pavel Durov cho biết vào tháng 4 rằng một số chính phủ đã tìm cách gây sức ép với ông, nhưng Telegram nên vẫn là nền tảng trung lập chứ không phải là "một thế lực trong địa chính trị". Pavel Durov lập ra Telegram vào năm 2013 và rời Nga năm 2014 vì từ chối tuân thủ các yêu cầu đóng cửa các cộng đồng đối lập trên VK (VKontakte), nền tảng truyền thông xã hội mà ông đã bán.
Telegram được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và WeChat.
Pavel Durov liệt kê quan điểm chính trị của mình là "chủ nghĩa tự do" và cho biết ông được truyền cảm hứng từ người đồng sáng lập Apple - Steve Jobs.
Pavel Durov có được hộ chiếu Pháp vào năm 2021 thông qua một thủ tục đặc biệt dành cho những người nước ngoài có địa vị cao, miễn cho họ các yêu cầu pháp lý thông thường, gồm cả việc phải sống ở quốc gia này ít nhất 5 năm.
Theo luật của Pháp, bất kỳ người nước ngoài nào cũng có thể được trao quyền công dân theo các quy tắc đặc biệt miễn là họ nói tiếng Pháp và "góp phần thông qua công việc xuất sắc của mình vào ảnh hưởng của Pháp và sự thịnh vượng của quan hệ kinh tế quốc tế".
Phương tiện truyền thông nhà nước Nga đưa tin Pavel Durov cũng có quyền công dân của Nga, St Kitts và Nevis (đảo quốc nằm trong Quần đảo Leeward, Tây Ấn, nằm trong vùng Biển Caribe).
Pavel Durov đã nảy ra ý tưởng về một ứng dụng nhắn tin được mã hóa trong khi phải đối mặt với áp lực từ chính quyền Nga. Em trai của ông, Nikolai Durov, đã thiết kế hệ thống mã hóa.
"Tôi muốn được tự do còn hơn phải nghe lệnh của bất kỳ ai", Pavel Durov nói vào tháng 4 về việc rời khỏi Nga và tìm kiếm trụ sở cho công ty của mình, gồm cả thời gian làm việc tại Berlin (thủ đô Đức), London (thủ đô Anh), Singapore và San Francisco (thành phố ở Mỹ).
Pavel Durov nói thủ tục hành chính, đặc biệt là để tuyển dụng nhân tài toàn cầu, ở những nơi này quá phức tạp và ông đã bị tấn công trên đường phố ở San Francisco bởi những kẻ trộm điện thoại.
Tỷ phú sinh năm 1984 nói điều đáng báo động hơn là ông đã nhận được quá nhiều sự chú ý từ các cơ quan an ninh Mỹ, gồm cả Cục Điều tra Liên bang (FBI). Pavel Durov cáo buộc các cơ quan Mỹ đã cố gắng thuê một trong những kỹ sư của ông để tìm cửa hậu vào nền tảng Telegram.
Hôm 5.9, Pavel Durov chỉ trích giới chức Pháp áp dụng những điều luật lạc hậu khi truy tố ông và phủ nhận các cáo buộc nhằm vào Telegram.
Pavel Durov đăng bài viết dài trên Telegram, cho biết "thật đáng ngạc nhiên" khi ông phải chịu trách nhiệm về nội dung do người khác đăng trên nền tảng này.
"Sử dụng luật từ thời kỳ trước khi có smartphone để buộc tội một CEO về những hành động phạm pháp do bên thứ ba gây ra trên ứng dụng họ quản lý là cách tiếp cận sai lầm", ông viết.
Đây là lần đầu tiên Giám đốc điều hành Telegram lên tiếng kể từ khi bị bắt ở Pháp tối 24.8, rồi đóng phí khoảng 5 triệu euro hôm 28.8 để được tại ngoại.
Pavel Durov cũng phủ nhận những tuyên bố cho rằng Telegram "không khác gì một dạng thiên đường vô chính phủ", khẳng định ứng dụng này xóa "hàng triệu bài đăng và kênh có hại" mỗi ngày.
Giám đốc điều hành Telegram bác bỏ cáo buộc nền tảng không phản hồi các yêu cầu của giới chức Pháp, khẳng định ông đích thân giúp chính quyền nước này "thiết lập đường dây nóng với Telegram để giải quyết mối đe dọa khủng bố".
Pavel Durov sử dụng giọng điệu hòa giải hơn ở cuối bài viết, cho hay số lượng người dùng tăng vọt của Telegram đã gây ra những khó khăn ngày càng lớn, khiến tội phạm dễ dàng lạm dụng nền tảng. Ông ước tính Telegram đã đạt 950 triệu người dùng trên toàn thế giới.
"Đó là lý do tôi đặt mục tiêu đảm bảo cải thiện đáng kể vấn đề này", CEO Telegram cho hay, nói thêm rằng vấn đề đang được giải quyết nội bộ và sẽ chia sẻ thêm thông tin chi tiết trong tương lai.
Ngoài ra, Pavel Durov tuyên bố Telegram sẵn sàng rút khỏi một quốc gia nếu không thể thống nhất về sự cân bằng phù hợp giữa quyền riêng tư và bảo mật với các cơ quan quản lý địa phương.
Gần đây, ông cho biết Telegram sẽ giao địa chỉ IP và số điện thoại của người dùng cho các cơ quan chức năng đưa ra yêu cầu pháp lý. Pavel Durov nói ứng dụng sẽ xóa một số tính năng đã bị lạm dụng cho hoạt động bất hợp pháp.