Bộ Tài chính thừa nhận tình trạng doanh nghiệp FDI chuyển giá ngày càng tăng, khó kiểm soát
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:05, 05/03/2019
Tình trạng chuyển giá ngày càng phức tạp
Theo Báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chính sách ưu đãi tài chính của Bộ Tài chính, mặc dù số liệu tổng hợp chung cho thấy doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp FDI tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ, lỗ lũy kế và lỗ mất vốn qua các năm tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2017 của các DN FDI có báo cáo đạt 344.607,5 tỉ đồng, tăng 19,2% so với năm 2016. Một số ngành có sự gia tăng lợi nhuận trước thuế cả về số tuyệt đối và số tương đối, bao gồm: hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 193,3%; khai thác, chế biến khoáng sản tăng 146,3%; linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị điện tử tăng 40,3%.
Trong 16.718 DN FDI có báo cáo năm 2017, có 8.646 DN kê khai lỗ (chiếm 52% DN) với trị giá lỗ là 86.180 tỉ đồng, có 10.582 DN lỗ lũy kế (chiếm 63%) với trị giá lỗ lũy kế là 397.996 tỉ đồng, và có 2.673 DN lỗ mất vốn (chiếm 16% DN) với trị giá vốn chủ sở hữu là -85.604 tỉ đồng. Trong 2.673 DN lỗ mất vốn năm 2017 có đến 1.590 DN lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.
Số liệu phân tích báo cáo tài chính DN FDI từ năm 2012 đến năm 2017 cho thấy, số lượng DN FDI báo lỗ hàng năm là từ 44 - 52%, đặc biệt năm 2017 lên cao nhất là 52% trên số lượng DN có báo cáo. Đồng thời, tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng gia tăng, phức tạp.
Bên cạnh hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài của nhóm DN FDI như nêu trên, Bộ Tài chính cho biết còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận DN FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp và thời gian miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Số liệu về tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của DN FDI trong một số ngành qua các năm luôn duy trì ở mức rất cao, như linh kiện điện tử, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy và xe có động cơ khác (ROE trước thuế trên 30%).
Cần cơ cấu lại việc thu hút FDI theo ngành
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đặt câu hỏi: “Tại sao 52% DN FDI báo lỗ mà vẫn mở rộng hoạt động và tốc độ mở rộng cao hơn. Cái này rất quan trọng, chúng tôi sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện vốn chủ sở hữu của các DN FDI là 1,5 triệu tỉ đồng và tổng tài sản 5 triệu tỉ đồng là con số rất lớn thì người ta bỏ vốn thực không, tổng tài sản thực không?”.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ ngành cần làm rõ các cơ chế tài chính mà chủ yếu là thuế để cơ cấu lại việc thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực.
Phó Thủ tướng lưu ý cần xử lý tình trạng DN FDI vốn mỏng nhưng "tay không bắt giặc", đầu tư núp bóng" Bên cạnh đó cần có cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn đầu tư, khuyến khích tăng vốn chủ sở hữu, giảm vốn vay cũng như cơ chế kiểm soát tài sản hình thành sau đầu tư để khắc phục tình trạng chuyển giá.
Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống chuyên biệt trong thanh tra thuế để xử lý tình trạng chuyển giá hiệu quả hơn; xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin quốc gia chia sẻ thông tin FDI từ đăng ký, đầu tư mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, chi phí.
Bộ Tài chính đề xuất, thời gian tới cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát để hạn chế các DN FDI lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế.
Mặt khác cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư đồng bộ, thông suốt về DN FDI để các cơ quan trung ương, địa phương có thể truy cập và kết xuất được tất cả các thông tin liên quan đến DN FDI để phục vụ công tác tổng hợp; từ đó giúp công tác đánh giá, giám sát được hiệu quả, kịp thời.
Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực giám sát tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN FDI của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, công khai minh bạch thông tin về hoạt động và tình hình tài chính của các DN FDI, để sớm phát hiện và phòng ngừa các nguy cơ gây bất ổn kinh tế - xã hội.
Tuyết Nhung