Nhiều tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 22:53, 08/10/2024
Nhiều tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Các tổ chức quốc tế đều nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 so với dự báo trước đó.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt 6,1% và tăng lên 6,5% sang năm 2025, mức này cao hơn lần lượt 5,5% và 6,0% tại dự báo của WB vào tháng 4.2024. Với dự báo này, tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn 8 quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.
WB nhận định Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội tăng cường vai trò của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách kết nối các đối tác thương mại lớn.
Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ chứng kiến doanh thu tăng gần 25%, nhanh hơn so với các thị trường khác trong giai đoạn 2018-2021. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng, các nền kinh tế có thể ngày càng bị hạn chế trong việc đóng vai trò "kết nối một chiều" khi các quy tắc xuất xứ và hạn chế xuất nhập khẩu mới, nghiêm ngặt được áp dụng.
Bộ phận nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB (Singapore) ngày 8.10 đã công bố dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 với việc điều chỉnh GDP tăng từ 5,9% trước đó lên 6,4%.
Những chỉ dấu để định chế tài chính này đưa ra mức dự báo tăng trưởng mới lạc quan hơn chính là GDP thực tế của Việt Nam trong quý 3/2024 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo trung bình của thị trường là 6,1% và mức dự báo của ngân hàng này trước đó là 5,7%.
"Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý 3/2022, khi các hoạt động phục hồi mạnh mẽ sau thời kỳ suy thoái do đại dịch. Kết quả mới nhất này đã góp phần nới rộng mức tăng 7,09% (đã điều chỉnh) trong quý 2/2024, tạo nên mức tăng tích lũy trong chín tháng đầu năm 2024 là 6,82% so với cùng kỳ năm trước", chuyên gia phân tích của UOB nhận xét .
Tăng trưởng trong quý 3/2024 của nền kinh tế Việt Nam gây bất ngờ đối với nhiều định chế tài chính quốc tế. Các con số được Tổng cục Thống kê đưa ra cho thấy sản lượng sản xuất tiếp tục tăng tốc đạt 11,4% so với cùng kỳ năm trước từ mức tăng 10,4% trong quý 2 năm 2024. Khu vực dịch vụ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước sau mức tăng 7,1% trong quý 2 năm 2024. Nhìn chung trong quý 3/2024, khu vực dịch vụ là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng GDP với 3,24 điểm phần trăm, tiếp theo là công nghiệp và xây dựng với 3,37 điểm phần trăm, hai lĩnh vực này chiếm 89% trong mức tăng chung là 7,4%.
Từ những dữ liệu này, giới chuyên gia phân tích cho rằng đây là tín hiệu rõ nét phản ánh khả năng phục hồi chung của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu đều ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 10,7% và 11,1% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 9, kéo dài đà tăng trưởng hai chữ số ở tháng thứ 7 liên tiếp của năm 2024. Tính từ đầu năm đến tháng 9, xuất khẩu của Việt Nam tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước, với thặng dư thương mại là 20,8 tỉ USD, chỉ thấp hơn một chút so với mức 22,1 tỉ USD đạt được trong cùng kỳ năm 2023.
Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng GDP Việt Nam tăng 6,1% năm nay, cao hơn mức dự báo của tổ chức này hồi tháng 6. Từ cuối 2023, tăng trưởng bắt đầu phục hồi nhờ xuất khẩu và du lịch, cũng như chính sách tài khóa và tiền tệ được nới lỏng. Vì thế, IMF dự báo GDP năm nay tăng 6,1%, cao hơn so với mức gần 6% trong báo cáo của tổ chức này hồi tháng 6.
ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6%. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu GDP năm nay là 6,5 - 7%.