Thả coil xác định vị trí chảy máu ruột non cứu sống nữ sinh viên
Thông tin Y học - Ngày đăng : 15:49, 10/10/2024
Thả coil xác định vị trí chảy máu ruột non cứu sống nữ sinh viên
Nữ sinh viên bị xuất huyết ruột non, máu chảy ồ ạt, các bác sĩ phải thả coil để xác định chính xác vị trí chảy máu trong vòng 10 phút để phẫu thuật kịp thời cứu sống bệnh nhân.
B.T.T.L. (21 tuổi, quê Đồng Tháp), đang học năm 4 tại một trường đại học trên địa bàn TP.HCM, bất ngờ phát hiện đi cầu ra máu. Ngay sau đó, L. được gia đình đưa đến Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) để kiểm tra.
Tại đây, các bác sĩ ghi nhận, bệnh nhân đi tiêu phân đen kèm với máu đỏ bầm. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm nhạt, mạch: 110l/phút, huyết áp: 100/60. Các bác sĩ nghi bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Vũ Lộc - Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Thống Nhất - trong quá trình nội soi dạ dày, các bác sĩ không phát hiện dạ dày chảy máu. Sau đó, bệnh nhân tiến hành chụp CT ổ bụng thì phát hiện một dị dạng mạch máu gây chảy máu.
Trước tình hình trên, bác sĩ Lộc cho biết các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn đa chuyên khoa, đặc biệt ê kíp can thiệp nội mạch đã hỗ trợ kiểm tra, xử lý tình trạng dị dạng mạch máu của bệnh nhân. Trong quá trình can thiệp, máu vẫn tiếp tục chảy, dị dạng mạch máu rất to khiến các bác sĩ không thể can thiệp trực tiếp.
“Lúc này chúng tôi tiếp tục hội chẩn và quyết định thả coil (phương pháp nút mạch não bằng vòng xoắn kim loại). Nếu thả coil để tắc mạch thì phải thả rất nhiều coil, an toàn không cao, ê kíp quyết định thả 1 coil vào vị trí chảy máu và chuyển ngay lập tức vào phòng mổ”, bác sĩ Lộc nói.
Trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện ruột non dài 4 - 5m chảy máu rất nhiều, gần như không thể cầm được. “Nhờ thả coil mà khi chúng tôi chụp C-arm đã phát hiện đúng vị trí chảy máu của ruột non, và tiến hành cắt đoạn ruột bị tổn thương dị dạng mạch máu để nối trở lại. Ca mổ diễn ra rất nhanh. Sau khi bù hoàn máu, khoảng 3 giờ đồng hồ, da của bệnh nhân hồng hào và tỉnh táo trở lại. Bệnh nhân đã được xuất viện sau 5 ngày phẫu thuật”, bác sĩ Lộc cho biết thêm.
BSCK2 Hồ Hữu Đức – Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Thống Nhất - cho biết trong các trường hợp xuất huyết tiêu hóa, khoảng 50% là do xuất huyết tiêu hóa trên, 40% là do xuất huyết tiêu hóa dưới và khoảng 5 - 10% là do các tổn thương ở ruột non. Trong xuất huyết ruột non, việc xác định vị trí chảy máu rất khó khăn.
“Khi mở bụng ra chúng ta chỉ thấy máu trong lòng ruột, còn máu ở vị trí nào thì sẽ không xác định được. Chính nhờ coil này giúp chúng tôi xác định chính xác đoạn ruột bị chảy máu để xử lý”, bác sĩ Đức chia sẻ.
Theo bác sĩ Đức nếu không xác định được chính xác vị trí chảy máu mà phải sử dụng ống soi đến từng đoạn ruột nhằm xác định vị trí mổ sẽ mất rất nhiều thời gian, bệnh nhân chảy máu kéo dài, dẫn đến nguy cơ tử vong.
“Nhờ thả coil chúng tôi xác định vị trí rất nhanh, chỉ trong vòng 10 đến 15 phút là đã xác định chính xác vị trí chảy máu để xử lý, nếu không sẽ mất rất nhiều giờ khiến bệnh nhân tử vong”, bác sĩ Đức nhấn mạnh.
Phân tích của bác sĩ Đức cho thấy nguyên nhân của xuất huyết ruột non rất đa dạng và thay đổi theo độ tuổi của bệnh nhân. Nguyên nhân phổ biến nhất của xuất huyết ở ruột non là tổn thương mạch máu. Khoảng 30 - 40% trường hợp xuất huyết trong ruột non là do các mạch máu bất thường ở ruột non gây ra, trong đó phổ biến nhất là chứng loạn sản mạch máu.
Các tổn thương mạch máu cũng có thể do thuốc chống viêm không steroid (NSAID) gây ra. Các nguyên nhân khác bao gồm: khối u, rò động mạch chủ-ruột, thuốc, loét ruột non và viêm ruột không đặc hiệu.
“Xuất huyết ruột non là một nguyên nhân hiếm gặp của xuất huyết tiêu hóa. Việc chẩn đoán là một thách thức đối với bác sĩ và tốn nhiều thời gian, cũng như gánh nặng tài chính”, bác sĩ Đức nói.