Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2: Mỗi ngày chi phí vốn khoảng 6 tỉ đồng tiền lãi

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:10, 06/03/2019

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết với 32.000 tỉ đồng đã đầu tư (tính đến thời điểm hiện tại bao gồm cả vốn vay và vốn chủ sở hữu), thì mỗi ngày chi phí vốn tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khoảng 6 tỉ đồng tiền lãi.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW do PVN làm Chủ đầu tư, nhưng hiện mới đạt khoảng 83% khối lượng, tiến độ. Đây cũng là một trong những dự án nguồn điện được hưởng cơ chế đặc biệt trong Quyết định 2414 của Chính phủ ký ngày 11.12.2013.

PVN cho hay, 2018 là một năm nhiều khó khăn khi triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình. Những vướng mắc về cơ chế, chính sách khiến các hạng mục thi công tại dự án vẫn tương đối chậm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các mốc tiến độ quan trọng, cụ thể là mốc khởi động bằng dầu đầu tiên (đốt dầu) và mốc khởi động bằng than lần đầu (đốt than).

Ngoài ra, theo đại diện PVN, việc chưa chọn được nhà thầu có đủ năng lực vận hành chạy thử nhà máy cũng ảnh hưởng đến tiến độ toàn dự án. Theo đó, công tác hoàn thiện phần xây dựng, lực lượng nhân lực, máy móc thiết bị, huy động của nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu. Độ trễ cũng bắt nguồn từ việc triển khai mua sắm vật tư chậm, cung cấp thiếu đồng bộ và thiếu chi phí do phải thu hồi tạm ứng và chậm hoàn thành hồ sơ thanh toán.

Do đó, PVN nhìn nhận để cụ thể hoá chủ trương hoàn thiện dự án này thì một mình tập đoàn không thể giải quyết được do rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vấn đề tài chính cho các hạng mục còn lại. Vì từ tháng 9.2018, các ngân hàng đã tạm ngừng giải ngân nguồn vốn vay nên dự án bị thiếu vốn. PVN đã chủ động bù đắp sự thiếu hụt từ nguồn vốn chủ sở hữu nhưng cũng chỉ là tạm thời và mang tính “nhỏ giọt”.

Trước tình hình trên, PVN chỉ ra 2 kịch bản với Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2: Thứ nhất là tiến hành đánh giá lại hiệu quả dự án làm căn cứ xem xét bổ sung nguồn tài chính triển khai dự án. Thứ hai là khơi nguồn tài chính, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ về tài chính để dự án về đích phát điện phục vụ đất nước.

Với phương án thứ nhất, PVN cho biết Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ lại rơi vào tình huống lưỡng nan, “khó hẹn ngày về”, bởi để tiến hành đánh giá lại hiệu quả dự án sẽ mất rất nhiều thời gian. Việc kéo dài dự án khiến các chi phí quản lý, khấu hao, trả lãi ngân hàng… tăng cao.

Điều này sẽ dẫn tới sự lãng phí nghiêm trọng bởi với 32.000 tỉ đồng đã đầu tư (đến thời điểm hiện tại gồm cả vốn vay và vốn chủ sở hữu), thì mỗi ngày chi phí vốn khoảng 6 tỉ đồng tiền lãi; mặt khác, tài sản đã đầu tư mà không hoàn thành Nhà máy thì ngày càng mất giá trị và không có hy vọng thu hồi vốn gốc.

Với kịch bản thứ 2, cơ hội để dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sớm hoàn thành, có thể thu hồi vốn đầu tư là khá rõ. Chẳng hạn, nếu giờ bỏ thêm 2.500 tỉ đồng để hoàn thành khoảng 17% khối lượng công việc còn lại, đưa nhà máy vào vận hành thì lợi ích mang lại rất rõ ràng.

Đó là hệ thống điện quốc gia sẽ được bổ sung 7,2 tỉ kWh điện mỗi năm, qua đó làm giảm nguy cơ thiếu điện. Mặt khác, dự án hoạt động sẽ tạo doanh thu để từ đó chủ đầu tư thực hiện các nghĩa vụ tài chính với các tổ chức tài trợ vốn cho dự án, đóng góp lớn vào ngân sách và tạo hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương...

"Trước đây đã xảy ra một số sai phạm tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Các cơ quan chức năng đã xử lý các cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Một số vấn đề liên quan đến vi phạm như thu hồi tài sản nhà nước thất thoát từ dự án sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng xử lý. Nhưng đây không thể là lý do để tiếp tục ảnh hưởng tới công tác triển khai dự án.

Ở đây cần phải đánh giá dự án một cách khách quan, tách bạch trên lợi ích quốc gia như lãnh đạo Bộ Công Thương đã phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo tỉnh Thái Bình mới đây rằng: Không có lý do gì để thất thoát tài sản, thất thoát nguồn lực lớn như vậy, nhất là khi dự án có điều kiện để hoàn thành", đại diện PVN nhấn mạnh.

Tuyết Nhung