Mỹ thay đổi chiến lược Trung Đông

Góc nhìn - Ngày đăng : 14:32, 13/10/2024

Hãng Reuters ghi nhận Mỹ đang theo đuổi 2 mục tiêu đầy xung đột là kiềm chế căng thẳng ngày càng tăng tại Trung Đông, nhưng cho phép Israel khiến nhóm Hezbollah ở Lebanon yếu đi.
Góc nhìn

Mỹ thay đổi chiến lược Trung Đông

Cẩm Bình 13/10/2024 14:32

Hãng Reuters ghi nhận Mỹ đang theo đuổi 2 mục tiêu đầy xung đột là kiềm chế căng thẳng ngày càng tăng tại Trung Đông, nhưng cho phép Israel khiến nhóm Hezbollah ở Lebanon yếu đi.

Chỉ 2 tuần trước, Mỹ cùng Pháp và một số quốc gia khác đề xuất ngừng bắn 21 ngày giữa Israel với Hezbollah nhằm tạo điều kiện đàm phán. Nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng bị phá hỏng bởi đợt không kích giết chết thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và chiến dịch tấn công trên bộ vào Lebanon ngày 1.10. Giờ đây chính quyền Tổng thống Joe Biden không còn tích cực thúc đẩy ngừng bắn nữa, với lý do tình hình đã thay đổi. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói trong họp báo đầu tuần qua: “Chúng tôi ủng hộ Israel thực hiện hoạt động như vậy để làm suy yếu cơ sở hạ tầng của Hezbollah, tạo điều kiện đạt được một giải pháp ngoại giao”.

Sự thay đổi chiến lược phản ánh 2 mục tiêu đầy xung đột mà Mỹ đang theo đuổi: kiềm chế căng thẳng ngày càng tăng tại Trung Đông, nhưng cho phép Israel khiến nhóm Hezbollah ở Lebanon yếu đi.

2024-10-13-132431.png
Mỹ không còn ngăn Israel tấn công Hezbollah nữa - Ảnh: Reuters

Cách tiếp cận mới đầy thực tế mà lại rất mạo hiểm. Mỹ - Israel chắc chắn hưởng lợi từ việc đánh bại kẻ thù chung Hezbollah, tuy nhiên khuyến khích Israel mở rộng hoạt động quân sự đem đến nguy cơ đẩy xung đột đến mức mất kiểm soát. Theo cựu quan chức ngoại giao Mỹ Jon Alterman, dù muốn Hezbollah suy yếu thì chính quyền Biden vẫn cần cân nhắc đến rủi ro tạo ra khoảng trống quyền lực ở Lebanon hoặc thổi bùng chiến tranh quy mô khu vực. Cách tiếp cận hiện tại dường như là nếu không thể thay đổi Israel, thì tốt nhất nên dẫn dắt đồng minh hành động theo hướng mang tính xây dựng.

Cựu quan chức đàm phán Mỹ Aaron David Miller nhận định Washington có rất ít hy vọng hạn chế được Israel, hơn nữa lại nhìn ra lợi ích tiềm tàng trong hoạt động của đồng minh. Tất cả thúc đẩy chính quyền Biden thay đổi chiến lược.

Cụ thể, cuộc phiêu lưu quân sự mà Israel theo đuổi đem lại ít nhất 2 lợi ích tiềm tàng. Thứ nhất là làm suy yếu Hezbollah - lực lượng ủy nhiệm mạnh nhất của Iran, qua đó khiến ảnh hưởng của Tehran tại khu vực sụt giảm, mối đe dọa mà Mỹ - Israel phải đối mặt cũng bớt đi. Ngoài ra Washington cũng tin rằng áp lực quân sự có thể buộc Hezbollah hạ vũ khí, mở đường cho một cuộc bầu cử mới ở Lebanon.

Cựu quan chức Lầu Năm Góc Jonathan Lord bày tỏ hoài nghi về khả năng đạt cả hai lợi ích nêu trên: “Nhiều người dân Lebanon không thích Hezbollah, nhưng xóa sổ sự hiện diện này lại thông qua một chiến dịch quân sự thì họ cũng không thích”.

Chiến lược đầy rủi ro

Giới phân tích cảnh báo chiến lược không hạn chế Israel làm gia tăng đáng kể nguy cơ thổi bùng chiến tranh quy mô khu vực mà Mỹ sẽ bị lôi kéo vào, đặc biệt khi cả thế giới đang hồi hộp chờ đợi Tel Aviv trả đũa đợt tấn công bằng tên lửa do Tehran thực hiện đầu tháng qua.

Ngoài nguy cơ chiến tranh khu vực, có có lo ngại Lebanon sẽ trở thành Dải Gaza thứ 2 với thương vong lẫn thiệt hại tài sản nghiêm trọng. Hơn 1 năm qua ghi nhận hơn 42.000 cư dân Gaza thiệt mạng, hàng triệu người phải sơ tán, phần lớn hạ tầng bị phá hủy. Lebanon vài tuần qua cũng hứng chịu không kích liên tục khiến số người chết không ngừng tăng.

Cẩm Bình