PVN 'ném tiền qua cửa sổ' từ dự án tỉ đô ở Venezuela như thế nào?
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:34, 14/03/2019
Năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xin phép Chính phủ được đàm phán với Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela về việc thành lập một liên doanh khai thác dầu giữa hai nước. Được chấp thuận, PVN giao cho công ty con là Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) trực tiếp làm việc với Tổng công ty Dầu khí Venezuela (thành viên của Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela).
Vào tháng 6.2010, dự án này chính thức được ra mắt và mang tên là dự án Khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2, do công ty liên doanh giữa 2 nước là Petromacareo Venezuela thực hiện. Trong đó, tỷ lệ vốn góp của Việt Nam là 40%, tương ứng với 1,241 tỉ USD. Nếu tính cả phí tham gia hợp đồng (bonus) 584 triệu USD thì tổng nhu cầu vốn của phía Việt Nam là 1,825 tỉ USD.
PVN báo: "Lô Junin 2 có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, nằm trong tổ hợp dầu mỏ khổng lồ của Venezuela, nơi có hàng chục công ty dầu khí tên tuổi của nước ngoài liên doanh với Venezuela khai thác từ nhiều năm nay. Chỉ cần sau 7 năm khai thác, Junin 2 sẽ đạt mức đầu tư 8 tỉ USD. Thời hạn khai thác là 25 năm với công suất 200 thùng/ngày. Hợp đồng Junin 2 được đánh giá là có tính rủi ro thấp. Trong 7 năm, bên góp vốn sẽ hoàn vốn".
Tuy nhiên, mọi thứ không diễn ra như những gì PVN đã "thổi phồng", dự án đã chẳng đi tới đâu. Không những vậy, số tiền PVN "đổ vào" dự án lên tới hàng triệu USD đã một đi không trở lại, trong đó có 442 triệu USD tiền phí tham gia, 90 triệu USD tiền góp vốn ban đầu và các chi phí lớn khác mà đến nay vẫn chưa khắc phục xong hậu quả.
Với những khoản đầu tư của PVN vào dự án này, Công ty Kiểm toán Deloitte từng cho biết: "Không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về khả năng thu hồi của các khoản đầu tư này tại ngày 31.12.2015 do chưa thể thu thập được báo cáo tài chính của Petromacareo đã được kiểm toán cho năm tài chính kết thúc cùng ngày".
Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, PVN cho biết chi phí phát triển mỏ đối với các hợp đồng dầu khí tại nước ngoài tính đến ngày 31.12.2017, bao gồm khoản phí tham gia trả lần đầu và lần hai với tổng số tiền là 442 triệu USD mà PVEP đã chuyển cho Venezuela để tham gia đầu tư khai thác tại lô Junin 2. Khoản phí tham gia trả lần cuối cùng là 142 triệu USD đã được PVEP xin gia hạn đến khi hoàn thành các hoạt động thẩm định và đánh giá đầy đủ trữ lượng của lô Junin 2.
Với dự án này, Bộ Tài chính cũng từng đưa ra cảnh báo về một loạt các yếu tố rủi ro về khoản góp vốn của Việt Nam khi chưa có đánh giá cụ thể, chưa cập nhật các chi phí, tỷ suất thu hồi vốn… Đặc biệt, Bộ Tài chính đã yêu cầu PVN giải trình khoản thanh toán 584 triệu USD bằng tiền mặt trong khoảng thời gian ngắn cái gọi là "phí tham gia hợp đồng" cho phía Venezuela. Theo Bộ Tài chính, "đề xuất thanh toán phí tham gia hợp đồng" vô lý này mới được PVN đưa vào so với các lần xin chủ trương trước đó.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) mới đây đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu về dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela (dự án Junin 2) của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PVN.
Việc cung cấp hồ sơ, tài liệu nhằm phục vụ công tác điều tra xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện đầu tư dự án nêu trên.
Tuyết Nhung