Tăng trưởng 2024 có thể đạt 6,8 - 7%, lạm phát tăng nhẹ vào cuối năm

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:15, 15/10/2024

TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng có thể đạt 6,8 - 7% trong cả năm 2024 (kịch bản cơ sở), tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 6.2024 hoặc có thể khả quan hơn, trên 7% (kịch bản tích cực).
Thị trường và chính sách

Tăng trưởng 2024 có thể đạt 6,8 - 7%, lạm phát tăng nhẹ vào cuối năm

Lam Thanh 15/10/2024 10:15

TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng có thể đạt 6,8 - 7% trong cả năm 2024 (kịch bản cơ sở), tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 6.2024 hoặc có thể khả quan hơn, trên 7% (kịch bản tích cực).

TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu của BIDV vừa có đánh giá về bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024 và dự báo cả năm 2024-2025.

Nhóm nghiên cứu dự báo, với đà phục hồi kinh tế thế giới cùng với kết quả phát triển kinh tế - xã hội khả quan trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam và nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ; niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố, các hoạt động sản xuất - kinh doanh sớm được phục hồi sau bão số 3, dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,8 - 7% cả năm 2024 (kịch bản cơ sở), tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 6.2024, hoặc có thể khả quan hơn, trên 7% (kịch bản tích cực), nhưng cũng có thể thấp hơn (6,6 - 6,8% theo kịch bản tiêu cực).

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, để đạt được mức tăng trưởng 6,8 - 7% năm 2024, thì GDP quý 4 cần tăng 6,8 - 7,8%. Với năm 2025, tiếp đà tăng trưởng cao của năm 2024, các động lực tiếp tục được thúc đẩy, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 có thể đạt 6,7 - 7%, tương đương năm 2024.

cvl-2.jpg
Tăng trưởng 2024 có thể đạt 6,8 - 7% ở kịch bản cơ sở, trên 7% ở kịch bản tích cực

Về lạm phát, áp lực lạm phát trong 3 tháng cuối năm 2024 dự báo sẽ tăng nhẹ do cả yếu tố chi phí đẩy (giá cả thế giới còn biến động, nhất là giá dầu và chi phí logistics còn cao; hiệu ứng tăng giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý như tiền điện, học phí, tăng lương…) và cả yếu tố cầu kéo (cung tiền và vòng quay tiền dự báo tăng cao hơn năm 2023 và cao hơn các quý trước cùng với đà phục hồi kinh tế).

Tuy nhiên, lạm phát cả năm 2024 vẫn trong tầm kiểm soát và không đáng quan ngại nhờ lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt (như nêu trên) và cộng hưởng của các yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát như đảm bảo nguồn cung hàng hóa - dịch vụ thiết yếu; vòng quay tiền ở mức vừa phải (khoảng 0,7 lần), tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định và phối hợp chính sách ngày càng tốt hơn. CPI bình quân dự báo tăng 3,8 - 4,2% cả năm 2024 và 3,5 - 4% năm 2025.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2024 và 2025 như nêu trên, nhóm nghiên cứu kiến nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục bám sát, chủ động phân tích, dự báo và có kịch bản ứng phó phù hợp đối với tình hình kinh tế - tài chính quốc tế; kịp thời ổn định đời sống nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất - kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.

Ngoài ra, cần quyết liệt đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư - kinh doanh; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai các luật đã có hiệu lực (nhất là các Luật Đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản (BĐS), tổ chức tín dụng (TCTD), giao dịch điện tử...); sớm ban hành khung pháp lý cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng như cơ chế thử nghiệm - Sandbox cho fintech và kinh tế tuần hoàn, đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon, danh mục phân loại xanh...

cvl-1.jpg
TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV

Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư - nhất là đầu tư tư nhân, tiêu dùng); khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng...).

Tiếp theo, cần triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, cũng như các chính sách về tín dụng - tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 vừa qua.

Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, lãi suất, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đó, chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu; quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025 và quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống (liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán - BĐS).

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng các yếu tố thúc đẩy chất lượng tăng trưởng (năng suất lao động, ứng dụng KHCN, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...) cần được kế hoạch hóa và phân khai thực hiện cụ thể; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, nhất là tiến trình cổ phần hóa DNNN, cơ cấu lại các dự án, các tổ chức tín dụng yếu kém nhằm giảm rủi ro, chi phí, tăng tính lành mạnh và hiệu quả của thị trường…

Lam Thanh