Cụ bà 89 tuổi được phẫu thuật điều trị ung thư đại tràng bằng robot

Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:23, 15/10/2024

Cụ bà 89 tuổi bị suy dinh dưỡng, chỉ nặng 34kg và mắc ung thư đại tràng giai đoạn 3, nhưng các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân vẫn quyết định dùng robot phẫu thuật giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Thông tin Y học

Cụ bà 89 tuổi được phẫu thuật điều trị ung thư đại tràng bằng robot

Hồ Quang {Ngày xuất bản}

Cụ bà 89 tuổi bị suy dinh dưỡng, chỉ nặng 34kg và mắc ung thư đại tràng giai đoạn 3, nhưng các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân vẫn quyết định dùng robot phẫu thuật giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Chiều 15.10, BSCK2 Nguyễn Phú Hữu - Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho hay, các bác sĩ ở đây vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật bằng robot điều trị ung thư đại tràng cho cụ bà 89 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng. Đây là ca phẫu thuật robot cho bệnh nhân cao tuổi nhất mà bệnh viện này thực hiện.

benh-nhan-lon-tuoi-nhat-duoc-phau-thuat-robot-thanh-cong-hinh-anh.png
BSCK2 Nguyễn Phú Hữu - Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) - người trực tiếp thực hiện phẫu thuật robot cho bệnh nhân N.T.Q - Ảnh: BVCC

Trước đó, cụ bà N.T.Q (89 tuổi, ngụ TP.HCM) có dấu hiệu đi tiêu phân đen, đau âm ỉ vùng bụng bên phải nên được người nhà đưa đến một cơ sở y tế tại TP.HCM để thăm khám. Tại đây, hình ảnh CT-scan bụng của người bệnh có khối u đại tràng phải cùng nhiều hạch lan xung quanh. Kết quả sinh thiết sau nội soi xác định đây là khối ung thư.

Do mắc phải ung thư đại tràng, bệnh nhân ăn uống kém, thiếu máu, cơ thể ngày càng suy mòn và sụt cân. Ngoài ra, người bệnh còn bị rối loạn nhịp tim khiến việc phẫu thuật cho bà cụ gặp nhiều khó khăn. Bệnh nhân xuất viện về nhà và cứ 2 tuần lại phải nhập viện truyền máu.

Khi biết có thể phẫu thuật robot để điều trị ung thư đại tràng với sự xâm lấn tối thiểu, ít đau và mau hồi phục, bệnh nhân quyết định đến Bệnh viện Bình Dân để phẫu thuật.

Theo BSCK2 Nguyễn Phú Hữu, điều đáng lo ngại của bệnh nhân này không những lớn tuổi mà thể trạng rất yếu sau thời gian chống chọi với khối u ác tính.

“Lúc mới nhập viện bệnh nhân chỉ nặng 34kg, đến mức không thể tự đi lại được. Người thân e rằng cụ không thể chịu nổi ca phẫu thuật lớn. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, bà vẫn quyết định chọn phẫu thuật với hy vọng có được chất lượng cuộc sống tốt hơn, tự chăm sóc bản thân được chứ không làm gánh nặng cho con cái”, bác sĩ Hữu cho biết.

Bác sĩ Hữu cho rằng việc phẫu thuật cho người bệnh 89 tuổi, ung thư giai đoạn 3 và đang trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng là một thử thách không nhỏ.

“Chúng tôi đã hội chẩn liên chuyên khoa và chuẩn bị rất kỹ để có thể tiến hành phẫu thuật, đáp lại sự kiên cường và tin tưởng của bệnh nhân dành cho chúng tôi” bác sĩ Hữu nói.

benh-nhan-lon-tuoi-nhat-duoc-phau-thuat-robot-thanh-cong-hinh-anh-1.png
Sau phẫu thuật bằng robot thành công, bệnh nhân không còn đau bụng, tiêu phân đen, mọi sinh hoạt gần như bình thường - Ảnh: BVCC

Để thực hiện ca phẫu thuật này, các bác sĩ ngoại khoa phối hợp với bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để tăng cường thể trạng cho bà cụ trong suốt 10 ngày trước phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh nhân còn được các chuyên gia vật lý trị liệu hỗ trợ tập luyện để tăng cường hấp thu dinh dưỡng và tổng trạng tốt hơn. Sau đó, các bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa tiến hành hội chẩn với bác sĩ gây mê hồi sức, tim mạch và nội khoa để sẵn sàng hỗ trợ trong những tình huống khó nhất.

“Cuối cùng, điều mong đợi nhất đã diễn ra, ca phẫu thuật kéo dài 120 phút đã thành công tốt đẹp. Khối u được bóc tách hoàn toàn, lấy các hạch nhanh chóng và nhất là bảo tồn được các mô lành trong ổ bụng của người bệnh. Sau khi cắt khoảng 40cm đại tràng phải có khối u, bác sĩ phẫu thuật bóc tách các hạch bạch huyết. Robot phẫu thuật cũng cho phép các bác sĩ tái lập lưu thông đường tiêu hóa ngay trong một thì mổ. Nhờ vậy đảm bảo cho người bệnh chức năng đại tiện bằng đường tự nhiên mà không cần phải mở hậu môn nhân tạo ra thành bụng. Đây là điều rất có ý nghĩa đối với chất lượng cuộc sống của người bệnh và người thân”, bác sĩ Hữu chia sẻ.

Bác sĩ Hữu cho biết thêm: “10 ngày sau phẫu thuật, ổ bụng của bệnh nhân sạch, không có dịch và được cho xuất viện. Hiện người bệnh không còn những cơn đau bụng do tình trạng bán tắc ruột gây ra, không còn bị đi tiêu phân đen do xuất huyết tiêu hóa từ khối u, mọi sinh hoạt gần như bình thường”.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Hữu khuyến cáo người trên 45 tuổi, nếu chưa từng nội soi đại tràng thì nên thực hiện nội soi đại tràng để tầm soát ung thư đại trực tràng. Nếu thuộc nhóm nguy cơ cao (trong gia đình có người bị ung thư đại trực tràng, polyp), nên thực hiện nội soi đại tràng tầm soát sớm hơn hoặc theo tư vấn của bác sĩ. Tầm soát và phát hiện sớm ung thư đại trực tràng giúp cải thiện tiên lượng điều trị và cho phép lựa chọn nhiều phương pháp điều trị hiệu quả, xâm lấn tối thiểu bằng phẫu thuật nội soi tiêu hóa, nội soi ổ bụng, nội soi ứng dụng robot phẫu thuật.

Hồ Quang