CSAC: 'Các chip Intel gây rủi ro an ninh nghiêm trọng cho Trung Quốc'

Thế giới số - Ngày đăng : 23:00, 16/10/2024

Hiệp hội An ninh mạng Trung Quốc (CSAC) hôm 16.10 cho biết các chip Intel bán tại Trung Quốc nên được xem xét về an ninh, cáo buộc nhà sản xuất chip Mỹ đã "liên tục gây hại" an ninh quốc gia và lợi ích của nước này.
Thế giới số

CSAC: 'Các chip Intel gây rủi ro an ninh nghiêm trọng cho Trung Quốc'

Sơn Vân 16/10/2024 23:00

Hiệp hội An ninh mạng Trung Quốc (CSAC) hôm 16.10 cho biết các chip Intel bán tại Trung Quốc nên được xem xét về an ninh, cáo buộc nhà sản xuất chip Mỹ đã "liên tục gây hại" an ninh quốc gia và lợi ích của nước này.

Dù chỉ là một nhóm công nghiệp chứ không phải là cơ quan chính phủ, CSAC có mối quan hệ chặt chẽ với nhà nước Trung Quốc và hàng loạt cáo buộc chống lại Intel, được công bố trên tài khoản WeChat chính thức của họ, có thể khiến Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) phải xem xét lại về mặt an ninh.

Trong bài đăng của mình, CSAC cáo buộc các chip Intel, gồm cả bộ xử lý Xeon được sử dụng cho các tác vụ AI, có một số lỗ hổng. CSAC kết luận rằng Intel "có những khiếm khuyết lớn về chất lượng sản phẩm, quản lý bảo mật, cho thấy thái độ vô trách nhiệm với khách hàng".

Ngoài ra, CSAC tuyên bố các hệ điều hành được nhúng trong tất cả bộ xử lý Intel đều dễ bị tấn công bởi các cửa hậu do Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tạo ra.

"Điều này gây ra mối đe dọa an ninh lớn với cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của các quốc gia trên toàn thế giới, gồm cả Trung Quốc... Việc sử dụng các sản phẩm của Intel gây rủi ro nghiêm trọng cho an ninh quốc gia", CSAC nhấn mạnh.

"Chúng tôi khuyến nghị nên tiến hành đánh giá an ninh mạng với các sản phẩm Intel được bán tại Trung Quốc để bảo vệ hiệu quả an ninh quốc gia cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng Trung Quốc", CSAC cho biết thêm.

Intel và CAC không trả lời ngay lập tức khi được hãng tin Reuters đề nghị bình luận.

Cổ phiếu Intel đã giảm 2,7% trong giao dịch trước giờ mở cửa hôm 16.10 tại Mỹ trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ bị bán tháo sau khi ASML cắt giảm dự báo doanh thu hàng năm do nhu cầu chip không liên quan đến AI yếu.

Năm ngoái, CAC đã cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng trong nước mua các sản phẩm do Micron Technology sản xuất. Thời điểm đó, CAC cho rằng các sản phẩm của hãng chip nhớ số 1 Mỹ không vượt qua được đánh giá an ninh mạng.

Một đánh giá an ninh tương tự Micron Technology với các sản phẩm Intel có thể tác động tiêu cực đến doanh thu của hãng chip Mỹ vốn đang gặp khó khăn. Hơn 1/4 doanh thu của Intel vào năm ngoái đến từ Trung Quốc.

csac-cac-chip-intel-gay-rui-ro-an-ninh-nghiem-trong-cho-trung-quoc-co-cua-hau-cuc-an-ninh-quoc-gia-my-tao.jpg
Hiệp hội An ninh mạng Trung Quốc cáo buộc các chip Intel, gồm cả bộ xử lý Xeon được sử dụng cho các tác vụ AI, có một số lỗ hổng - Ảnh: Internet

CSAC đưa ra các cáo buộc với Intel vào thời điểm Trung Quốc đang phải đối mặt nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm hạn chế quyền tiếp cận của nước này với các thiết bị và linh kiện sản xuất chip quan trọng. Đó là động thái mà Mỹ cho là nhằm ngăn chặn quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

"Mối quan hệ Mỹ - Trung rất căng thẳng và càng nói nhiều về các hạn chế thương mại và thuế quan thì khả năng bên kia trả đũa trong tình huống ăn miếng trả miếng càng cao", Dan Coatsworth, nhà phân tích đầu tư tại hãng AJ Bell, nói.

Một lệnh cấm, dù chỉ tạm thời, với các sản phẩm Intel có thể thắt chặt hơn nữa nguồn cung chip AI tại thị trường Trung Quốc, vốn đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các lựa chọn thay thế khả thi cho các sản phẩm tiên tiến từ Nvidia (hiện bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc).

Theo đánh giá của hãng Reuters về các cuộc đấu thầu công khai, Intel năm nay đã đảm bảo các đơn đặt hàng bộ xử lý Xeon từ một số cơ quan có liên kết với nhà nước Trung Quốc để sử dụng trong công việc AI.

Cổ phiếu các hãng chip giảm mạnh do dự báo từ ASML và hạn chế mới của Mỹ

Cổ phiếu các hãng bán dẫn tại Mỹ và châu Á giảm mạnh sau khi ASML cắt giảm dự báo doanh thu hàng năm do nhu cầu chip không liên quan đến AI yếu. Ngoài ra, chính quyền Biden đang xem xét giới hạn việc bán chip AI cho một số quốc gia.

Vừa vượt Apple để trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới chưa lâu, Nvidia (hãng chip AI số 1 thế giới) đã mất khoảng 158 tỉ USD giá trị hôm 15.10 do cổ phiếu giảm đến 4,52%. Qua đó, Nvidia rơi xuống vị trí thứ hai về vốn hóa thị trường, kém 320 tỉ USD so với Apple (3.560 tỉ USD).

Cổ phiếu các hãng chip khác, gồm AMD, Intel, Arm, Broadcom và Micron Technology, giảm mạnh hôm 15.10, kéo chỉ số Philadelphia SE Semiconductor giảm gần 5% và ảnh hưởng đến chỉ số Nasdaq.

Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor là thước đo hiệu suất của các hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới. Nó được coi là một trong những chỉ số quan trọng nhất để theo dõi sức khỏe của ngành công nghiệp bán dẫn.

Cổ phiếu ASML (niêm yết tại Mỹ) chốt phiên 15.10 giảm 16% sau khi công ty Hà Lan vô tình công bố kết quả kinh doanh sớm hơn dự kiến. Báo cáo cho thấy đặt hàng yếu kém, hạ dự báo doanh thu và chỉ ra sự phục hồi chậm của nhu cầu chip ngoài lĩnh vực AI.

ASML là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới và hãng công nghệ có giá trị nhất châu Âu.

Theo Reuters, cổ phiếu ASML lao dốc xuống mức giảm trong một ngày lớn nhất 25 năm qua. Theo kết quả vô tình được công bố sớm một ngày, ASML dự kiến tổng doanh thu ròng năm 2025 là 30 - 35 tỉ euro, gần chạm tới mức thấp nhất ở dự báo trước đó.

Dù nhu cầu chip liên quan đến AI tăng vọt, ASML báo cáo rằng các phân khúc khác của thị trường bán dẫn vẫn yếu hơn dự kiến, với các hãng sản xuất chip logic trì hoãn đơn hàng và những nhà sản xuất chip nhớ chỉ lên kế hoạch bổ sung công suất mới "có giới hạn".

Cổ phiếu các hãng sản xuất chip châu Á, vốn là khách hàng của ASML, hôm 16.10, trong đó có TSMC (hãng sản xuất chip theo lớn nhất thế giới), Samsung Electronics và SK Hynix (hãng chip nhớ số 1 và số 2 thế giới).

Intel, TSMC và Samsung Electronics đang cắt giảm đơn hàng từ ASML vì nhận ra rằng dư thừa năng lực sản xuất, theo Dan Hutcheson - Phó chủ tịch tại công ty phân tích TechInsights. Ông cho biết Intel đã giảm tốc độ mở rộng nhà máy, nên Samsung Electronics và TSMC cũng sẽ thận trọng.

Lượng chip dự trữ vẫn ở mức cao và các hãng đã vận hành hiệu quả hơn với công cụ hiện có của ASML, nghĩa là họ có thể sản xuất nhiều chip hơn mà không cần đặt hàng thêm.

Trước đó, Samsung Electronics cảnh báo rằng lợi nhuận quý 3/2024 sẽ thấp hơn dự báo thị trường, do gặp khó khăn trong việc tận dụng nhu cầu về chip AI. Ngược lại, đối thủ của Samsung Electronicslà TSMC, một trong những khách hàng lớn với Nvidia, dự kiến sẽ báo cáo lợi nhuận quý 3/2024 tăng vọt 40%.

Handel Jones, Giám đốc điều hành International Business Strategies, nói ông không thay đổi bất kỳ dự báo tổng thể nào của mình về ngành chip. Ông dự báo về nhu cầu tăng mạnh với chip AI và chip nhớ dành riêng cho AI. International Business Strategies là công ty theo dõi ngành sản xuất chip

"Đây chỉ là một sự trục trặc ngắn hạn. Về lâu dài, mọi thứ sẽ ổn thôi", Handel Jones nói.

Hôm 14.10, Bloomberg đưa tin các quan chức Mỹ đang xem xét giới hạn cấp giấy phép xuất khẩu chip AI tới một số quốc gia cụ thể, chủ yếu ở khu vực Vịnh Ba Tư, vì lý do an ninh quốc gia.

Mỹ ngày càng lo ngại rằng Trung Đông có thể là kênh để Trung Quốc tiếp cận các chip AI tiên tiến - vốn bị cấm vận chuyển trực tiếp đến nước này.

"Dự kiến cuộc cách mạng AI sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc nâng cao năng suất và thúc đẩy các tiến bộ công nghệ khác, không ngạc nhiên khi Mỹ muốn làm mọi cách để duy trì sự thống trị của mình", Danni Hewson, trưởng bộ phận phân tích tài chính tại hãng AJ Bell, nhận định.

Sơn Vân