Sức mạnh quân sự của Israel từ đâu mà có

Quốc tế - Ngày đăng : 16:37, 17/10/2024

Israel, một quốc gia có năng lực quân sự hàng đầu ở Trung Đông, đã và đang nhận được sự hỗ trợ quân sự lớn từ các quốc gia đồng minh, đặc biệt là Mỹ.
Quốc tế

Sức mạnh quân sự của Israel từ đâu mà có

Hoàng Vũ 17/10/2024 16:37

Israel, một quốc gia có năng lực quân sự hàng đầu ở Trung Đông, đã và đang nhận được sự hỗ trợ quân sự lớn từ các quốc gia đồng minh, đặc biệt là Mỹ.

Tuy nhiên, sự ủng hộ này ngày càng bị đặt dưới áp lực khi cuộc xung đột kéo dài tại Gaza làm dấy lên lo ngại về tình hình nhân đạo và chính trị trong khu vực.

Mỹ là đối tác quan trọng nhất của Israel trong việc cung cấp vũ khí, đã cảnh báo rằng họ có thể tạm ngừng hoặc cắt giảm hỗ trợ quân sự nếu không có sự cải thiện đáng kể về tình hình nhân đạo ở Gaza. Đây không phải là lần đầu tiên Washington đưa ra lời cảnh báo như vậy. Hồi tháng 5, Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố sẽ dừng một số lô hàng vũ khí nếu Israel tiến hành cuộc xâm lược thành phố Rafah ở miền Nam Gaza. Bất chấp áp lực, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự của mình, nhưng dòng viện trợ từ Mỹ vẫn tiếp tục được duy trì.

khi-tai-israel.png
Binh lính Israel vận hành hệ thống phòng thủ Iron Dome của Israel (trái), hệ thống tên lửa đất đối không (SAM), MIM-104 Patriot (giữa) và tên lửa chống đạn đạo Arrow 3 (phải) trong một cuộc tập trận chung với Mỹ ở miền Trung Israel năm 2016 - Ảnh: AFP

Cảnh báo mớt nhất từ phía Mỹ đã nêu rõ rằng Israel có 30 ngày để cải thiện tình hình nhân đạo trên thực địa hoặc đối mặt với nguy cơ vi phạm luật pháp Mỹ về hỗ trợ quân sự nước ngoài. Đây là một sự chuyển biến đáng chú ý trong quan hệ giữa hai đồng minh lâu đời, đồng thời cũng là tín hiệu cho thấy sự viện trợ của Washington không còn là điều bất biến nếu Israel không thực hiện các bước đi cải thiện tình hình nhân đạo tại Gaza.

Mối quan hệ này hiện đang được quan sát chặt chẽ, trong bối cảnh các quốc gia khác trên thế giới cũng đang điều chỉnh lại việc cung cấp viện trợ quân sự cho Israel vì các lý do tương tự. Dưới đây là phân tích về những quốc gia đã và đang cung cấp vũ khí cho Israel.

Mỹ

Mỹ là quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất cho Israel. Theo báo cáo về chuyển giao vũ khí quốc tế của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2023, 69% lượng vũ khí nhập khẩu của Israel đến từ Mỹ.

Vũ khí nhập khẩu từ Mỹ "đã đóng vai trò chính trong các hành động quân sự của Israel chống lại Hamas và Hezbollah”. Vào cuối năm 2023, hàng nghìn quả bom và tên lửa dẫn đường đã được chuyển từ Mỹ đến Israel. Máy bay chiến đấu F-35 và F-15 cũng đã được chuyển đến Israel từ Mỹ vào tháng 1.2024.

CNN cho biết nhiều trường hợp đạn dược do Mỹ sản xuất đã được sử dụng trong suốt cuộc chiến chống lại Hamas, bao gồm cả trong các cuộc không kích có thường dân bị chết. Gần đây, CNN phát hiện ra rằng những quả bom do Mỹ sản xuất có khả năng đã được sử dụng trong cuộc tấn công giết chết thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, tại thủ đô Beirut (Lebanon).

Mỹ cũng hỗ trợ tài chính cho Israel, cung cấp hơn 130 tỉ USD tài trợ song phương kể từ năm 1948, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Vào năm 2019, hai nước đã ký bản ghi nhớ đảm bảo rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Israel 3,3 tỉ USD/năm từ chương trình tài trợ quân sự nước ngoài và 500 triệu USD khác cho hệ thống phòng thủ trên không.

Đức

Đức là nước cung cấp vũ khí lớn thứ 2 cho Israel, chiếm 30% lượng vũ khí nhập khẩu vào năm 2023. Berlin đã có lịch sử cung cấp vũ khí cho Israel vì lý do chính trị và đạo đức, liên quan đến quá khứ Đức quốc xã.

Tuy nhiên, lượng vũ khí Đức cung cấp cho Israel đã giảm đáng kể trong năm 2024. Dù vậy, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã khẳng định nước này sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Israel trong tương lai gần, bất chấp những áp lực quốc tế.

Ý

Ý cũng đóng góp vào việc cung cấp vũ khí cho Israel, đặc biệt là máy bay trực thăng và các bộ phận của máy bay chiến đấu F-35. Mặc dù vậy, vào cuối năm 2023, Ý đã thông báo ngừng vận chuyển vũ khí cho Israel sau khi cuộc xung đột tại Gaza bùng phát. Các hợp đồng đã ký trước đó vẫn được tôn trọng, nhưng các lô hàng mới không còn được gửi đi.

Anh

Mức độ xuất khẩu vũ khí từ Anh sang Israel tương đối thấp. Vào năm 2023, giá trị giấy phép xuất khẩu vũ khí của Anh cho Israel ước tính đạt khoảng 23,42 triệu USD.

Tuy vậy, trong năm qua, Anh đã đình chỉ một số giấy phép đối với các thiết bị quân sự gửi sang Israel, đặc biệt là sau khi các báo cáo cho thấy vũ khí có thể được sử dụng trong các cuộc xung đột vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

Tây Ban Nha

Tây Ban Nha cũng đã tham gia vào việc cung cấp vũ khí cho Israel trong quá khứ. Từ tháng 2.2024, chính phủ Tây Ban Nha đã ngừng cấp bất kỳ hợp đồng bán vũ khí nào cho Israel, do lo ngại về tình hình bạo lực và vi phạm luật pháp quốc tế trong cuộc xung đột tại Gaza và Lebanon.

Pháp

Pháp trong nhiều năm đã có mối quan hệ quân sự với Israel. Tuy nhiên, gần đây Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi ngừng xuất khẩu vũ khí sang Israel nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn tại Lebanon và Gaza.

Pháp cũng không tham gia vào việc cung cấp vũ khí lớn cho Israel từ năm 2019 đến 2023, nhưng vẫn có đóng góp về các thành phần quan trọng cho một số hệ thống vũ khí.

Dù Israel nhận được vũ khí từ nhiều nguồn cung cấp quốc tế, các yếu tố chính trị và nhân đạo có thể thay đổi sự hỗ trợ này. Trong khi Mỹ tiếp tục là nhà cung cấp lớn nhất, các quốc gia như Đức, Ý và Tây Ban Nha đã bắt đầu điều chỉnh chính sách cung cấp vũ khí của họ do áp lực từ cộng đồng quốc tế và các lo ngại về nhân quyền tại Trung Đông.

Hoàng Vũ