GS Nguyễn Mại: Doanh nghiệp không chuyển mình kịp xu hướng số có thể tụt hậu, phá sản

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 15:15, 18/10/2024

GS Nguyễn Mại cho rằng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nếu doanh nghiệp (DN) không chuyển mình bắt kịp xu hướng thì sẽ bị tụt hậu, thậm chí sẽ bị phá sản vì cạnh tranh gay gắt.
Nhịp đập khoa học

GS Nguyễn Mại: Doanh nghiệp không chuyển mình kịp xu hướng số có thể tụt hậu, phá sản

Lam Thanh 18/10/2024 15:15

GS Nguyễn Mại cho rằng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nếu doanh nghiệp (DN) không chuyển mình bắt kịp xu hướng thì sẽ bị tụt hậu, thậm chí sẽ bị phá sản vì cạnh tranh gay gắt.

Cơ hội chưa từng có để bước vào kỷ nguyên công nghệ

Theo Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ), Việt Nam đang đứng thứ 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh trên thế giới, đứng thứ 22 về tốc độ phát triển số hóa.

Điều này đã chứng tỏ sự thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh của các DN Việt Nam. Tuy nhiên, trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu gia tăng, hoạt động quản trị DN của các DN Việt Nam sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Do đó, theo các chuyên gia, nếu các DN Việt Nam không chuyển đổi số hiệu quả thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh cũng như mất thị trường ngay trên sân nhà.

Tại Hội thảo "Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì?" ngày 18.10, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng thế giới đang đổi thay mạnh mẽ cùng nhiều xu hướng như: Từ "tăng trưởng kinh tế" sang "phát triển bền vững, bao trùm"; từ "kinh tế nâu" sang "kinh tế xanh"; từ "kinh tế thực" sang "kinh tế thực-số"/"kinh tế số"… Trong đó, cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh dẫn đến tư duy mới về phát triển, cam kết chính trị.

anh-man-hinh-2024-10-18-luc-13.51.05.png
Hội thảo "Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì?"

Trong bối cảnh đó, ông Thành cho rằng DN Việt Nam cần chủ động tìm kiếm cơ hội, chấp nhận cạnh tranh cùng kết nối với đối tác giỏi nhằm học hỏi và chia sẻ; chuyển động cùng cách mạng công nghiệp 4.0…

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), với sự trợ giúp của công nghệ, nền tảng của chuyển đổi số sẽ làm tăng thêm tính cạnh tranh cho các DN, cho phép các công ty dễ dàng cung cấp cho khách hàng sự hiện diện toàn cầu.

“Thông qua các website của mình, các công ty nhỏ cũng có thể đạt được một doanh thu như một công ty lớn. Điều này dường như không tưởng trong môi trường thương mại truyền thống. Khi tiến hành chuyển đổi số, DN có thể đáp ứng rất nhanh các yêu cầu của khách hàng”, ông Mại nói và cho rằng chuyển đối số còn giúp các DN mở rộng thị trường và thiết lập quan hệ đối tác

Ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud, nhìn nhận rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội chưa từng có để bước vào kỷ nguyên công nghệ, phát triển mạnh mẽ các sản phẩm công nghệ "made-in-Vietnam", tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

"Đây là con đường rộng mở giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và phát triển bền vững, nâng cao vị thế quốc gia trên bản đồ quốc tế", ông Việt nói.

Ông Việt cho hay Bloomberg dự báo rằng trong 10 năm tới, thị trường GenAI (AI tạo sinh) sẽ tăng từ 40 tỉ USD năm 2022 lên 1.300 tỉ USD vào 2032, tăng 32,5 lần.

Theo ông Việt, điều này mở ra một thị trường mới lớn cho AI tạo sinh. Rất có thể, AI tạo sinh là mùa xuân mới trong lịch sử phát triển AI. Các lĩnh vực công nghệ chủ chốt như AI và bán dẫn sẽ nhanh chóng tiến tới quy mô nghìn tỉ đô vào năm 2030.

anh-man-hinh-2024-10-18-luc-13.51.50.png
Ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud

“Việt Nam tuy đi sau nhưng có những lợi thế về chính trị - địa lý, chiến lược và chính sách hỗ trợ Chính phủ. Đây là cơ hội cho Việt Nam - quốc gia "dùng đũa" tiếp theo vươn lên đón đầu làn sóng sau cường quốc bán dẫn như Nhật Bản, Hàn Quốc…”, ông Việt nói.

Nếu DN không chuyển mình có thể bị tụt hậu, phá sản

Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng năng lực và nguồn lực của DN Việt Nam còn hạn chế.

Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) cho thấy, 69% DN được khảo sát không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai chuyển đổi số, 72% không biết bắt đầu từ đâu, 92% không biết chuyển đổi số như thế nào.

Còn khảo sát của Bộ KH-ĐT năm 2022 cho thấy việc chuyển đổi số sẽ thay đổi thói quen và cách làm việc của người lao động. Một số DN đã ứng dụng phần mềm nhưng nhân viên, người lao động không ứng dụng hoặc chỉ ứng dụng một phần, khiến chuyển đổi số không đạt mục tiêu...

GS Nguyễn Mại cho rằng nguồn nhân lực về công nghệ số là vấn đề được nhiều DN chú trọng nhưng vẫn là thách thức đối với các DN Việt Nam. Thậm chí, nhiều chủ DN chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công nghệ trong quản trị DN trong bối cảnh nền kinh tế số với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.

“Sự bùng nổ của kinh tế số cũng đặt các DN Việt Nam trước nhiều thách thức như an toàn mạng, quyền riêng tư; hệ thống pháp lý chưa bắt kịp được với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ dẫn đến hiệu lực hiệu quả thấp... Điều đó ảnh hưởng tới sự quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế số của DN nói chung và hoạt động quản trị DN nói riêng”, ông Mại nêu.

anh-man-hinh-2024-10-18-luc-13.51.17.png
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

GS Nguyễn Mại cho rằng Nhà nước vừa có chức năng dẫn đắt DN chuyển đổi số, vừa tạo ra hệ sinh thái để khuyến khích DN chuyển đổi số. Do đó cần nhanh chóng xây dựng đồng bộ thể chế, luật pháp, chính sách kinh tế số; cải cách thể chế để thu hút đầu tư vào công nghệ số theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập DN công nghệ số...

Ông Mại cũng đề nghị cải cách thủ tục hành chính để các DN nhất là SMEs dễ dàng tiếp cận các quỹ hỗ trợ DN, tín dụng ưu đãi chuyển đổi số, thành lập thêm một số Quỹ hỗ trợ chuyên ngành như công nghệ thông tin, công nghệ bán dẫn, AI; tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho công cuộc chuyển đổi số; phát triển hạ tầng chuyển đổi số...

Với DN, ông Mại cho rằng cần xác định rằng trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nếu DN không chuyển mình bắt kịp xu hướng thì sẽ bị tụt hậu, thậm chí sẽ bị phá sản trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Lam Thanh