Nước đóng chai có cần đun sôi để loại 'hóa chất vĩnh cửu'
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 15:12, 22/10/2024
Nước đóng chai có cần đun sôi để loại 'hóa chất vĩnh cửu'
Một nghiên cứu mới tiết lộ rằng các nhà khoa học đã tìm thấy 'hóa chất vĩnh cửu' độc hại trong các mẫu nước uống từ khắp nơi trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 10 PFAS (nhóm chất perfluoroalkyl có nhiều nguyên tử flo gắn vào đuôi alkyl) 'mục tiêu' trong nước máy và nước đóng chai có sẵn để tiêu thụ tại các thành phố lớn trên khắp thế giới. Có khoảng 7.000 chất trong nhóm PFAS. Trong đó, axit perfluorooctanoic (PFOA) và perfluorooctane sulfonat (PFOS) được tìm thấy trong hơn 99% các mẫu nước đóng chai được thu thập từ 15 quốc gia trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, nghiên cứu chứng minh rằng các biện pháp như đun sôi và/hoặc lọc bằng than hoạt tính – thường sử dụng bộ lọc nước dạng ‘bình’ – có thể làm giảm đáng kể nồng độ PFAS trong nước uống, với tỷ lệ loại bỏ dao động từ 50% đến 90% tùy thuộc vào PFAS và loại xử lý.
Phát hiện nghiên cứu và giải pháp thực tế
Công bố phát hiện trên ACS ES&T Water, các nhà nghiên cứu từ Đại học Birmingham, Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam, Thâm Quyến và Đại học Hải Nam, Hải Khẩu, tiết lộ phạm vi ô nhiễm PFAS bắt đầu từ 63% nước đóng chai được họ chọn đo thử nghiệm.
Đồng tác giả nghiên cứu - Giáo sư Stuart Harrad, từ Đại học Birmingham, nhận xét: “Phát hiện của chúng tôi làm nổi bật sự hiện diện rộng rãi của PFAS trong nước uống và hiệu quả của các phương pháp xử lý đơn giản để giảm mức độ của chúng. Sử dụng bình lọc nước đơn giản hoặc đun sôi nước sẽ loại bỏ được một tỷ lệ đáng kể các chất này.
“Mặc dù mức PFAS hiện tại trong hầu hết các mẫu nước không phải là mối quan tâm lớn đối với sức khỏe, nhưng việc theo dõi và kiểm soát liên tục là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi cung cấp dữ liệu có giá trị về sự hiện diện của PFAS trong nước uống cùng với các giải pháp thực tế để giảm thiểu sự phơi nhiễm của người tiêu dùng thông qua nước uống. Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc đảm bảo nguồn nước uống an toàn hơn cho cộng đồng trên toàn thế giới”.
Nước đóng chai từ nhiều quốc gia khác nhau cho thấy mức độ PFAS khác nhau, trong đó nước khoáng thiên nhiên có nồng độ cao hơn nước tinh khiết, nhưng nồng độ vẫn thường thấp hơn mức khuyến cáo về sức khỏe do các cơ quan quản lý đặt ra.
Giáo sư Yi Zheng, từ Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam, cũng là đồng tác giả đã nhận xét: “Việc nâng cao nhận thức về sự hiện diện của PFAS trong cả nước máy và nước đóng chai có thể giúp người tiêu dùng lựa chọn sáng suốt hơn, khuyến khích sử dụng các phương pháp lọc nước.
Phát hiện của chúng tôi cũng cho thấy rằng các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn của PFAS trong nước uống có thể bị ảnh hưởng bởi lối sống và điều kiện kinh tế, nhấn mạnh nhu cầu nghiên cứu trong tương lai để khám phá sâu hơn các yếu tố này theo góc độ kinh tế xã hội”.
Mức PFAS trong nước đóng chai và nước máy
Ngoại trừ những so sánh giữa nước khoáng thiên nhiên và nước tinh khiết, các nhà nghiên cứu không quan sát thấy sự khác biệt đáng kể nào về nồng độ PFAS mục tiêu giữa thủy tinh và nhựa hoặc nước đóng chai không ga và có ga.
Trong khi nồng độ của hầu hết các PFAS riêng lẻ đều thấp hơn nhiều so với các giá trị tham chiếu dựa trên sức khỏe tương ứng, thì nồng độ PFOS trung bình trong các mẫu nước máy từ Thâm Quyến, Trung Quốc đã vượt quá mức ô nhiễm tối đa (MCL) là 4 ng/L mới được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (USEPA) công bố vào năm 2024.
Các nhà nghiên cứu đã mua 112 mẫu nước đóng chai từ các cửa hàng bán lẻ và siêu thị trực tuyến tại Vương quốc Anh và Trung Quốc, bao gồm 89 mẫu nước không ga và 23 mẫu nước có ga trong chai nhựa hoặc chai thủy tinh. Các mẫu thuộc 87 thương hiệu có nguồn nước có nguồn gốc từ 15 quốc gia ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Đại Dương
Họ đã thu thập 41 mẫu nước máy từ các hộ gia đình ở Birmingham và các thành phố lân cận là Worcester, Coventry và Derby - do hai nhà cung cấp: South Staffordshire Water và Seven Trent Water cung cấp, cùng với 14 mẫu nước máy khác được thu thập từ các hộ gia đình ở Thâm Quyến, Trung Quốc.
PFAS được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp, trong bọt chữa cháy và các sản phẩm tiêu dùng từ quần áo chống thấm nước và đồng phục học sinh đến các sản phẩm chăm sóc cá nhân vì đặc tính chống nước và chống bẩn của chúng. Trong khi một số đã bị cấm, một số khác vẫn được sử dụng rộng rãi và tác động độc hại của chúng vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Các hóa chất này đã được biết là xâm nhập vào cơ thể theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như đường hô hấp, đường tiêu hóa, hoặc thậm chí là hấp thụ qua da. Chúng được biết là gây ra các tác động xấu đến sức khỏe như phản ứng miễn dịch thấp hơn đối với vắc-xin, suy giảm chức năng gan, giảm cân khi sinh và tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.