Bộ Công Thương thông tin về việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:18, 23/10/2024

Quan điểm của Bộ Công Thương là phát triển điện hạt nhân sử dụng công nghệ mới và đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo tối đa an toàn, thậm chí mức rủi ro là 0.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Bộ Công Thương thông tin về việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân

Tuyết Nhung 23/10/2024 19:18

Quan điểm của Bộ Công Thương là phát triển điện hạt nhân sử dụng công nghệ mới và đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo tối đa an toàn, thậm chí mức rủi ro là 0.

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo chiều nay (23.10) về việc phát triển điện hạt nhân mà dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang đưa ra, ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết từ năm 2009, Việt Nam đã nghiên cứu, triển khai các dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, do thiếu nguồn nhân lực, tài chính cũng gặp khó khăn nên sau đó phải tạm dừng.

hop-bao.png
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì họp báo chiều 23.10

Ông Hùng cho biết, sau nhiều năm, tình hình đất nước hiện nay đã có nhiều thay đổi, thế giới cũng đang có sự phát triển về điện hạt nhân. Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu các kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân trên thế giới và tình hình hiện nay của Việt Nam.

"Bộ Công Thương cho rằng việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân giai đoạn tới là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, trung hòa carbon theo cam kết tại COP 26", ông Hùng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết trước đây đã có chủ trương phát triển điện hạt nhân. Hiện nay, căn cứ trên quy hoạch điện 8 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang nghiên cứu lại thực tế và nhu cầu thực tiễn để báo cáo lại Chính phủ xem có nên triển khai không.

Cũng theo ông Tân, hiện Bộ Công Thương đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, xu thế hiện nay, theo đó một số nước có nghiên cứu nhu cầu phát triển tăng gấp 2-3 lần sử dụng điện hạt nhân, đơn cử, Nhật Bản, Pháp... ước tính tỷ trọng điện hạt nhân chiếm 20-25% tổng nhu cầu phát triển điện.

"Về công nghệ, quan điểm của Bộ Công Thương là sử dụng công nghệ mới và đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo tối đa an toàn, thậm chí mức rủi ro là 0", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Tại dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, Bộ Công Thương đề xuất phát triển điện hạt nhân là Nhà nước sẽ độc quyền trong đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải...

Trong đó, các chính sách phát triển điện hạt nhân gồm: Quy hoạch phát triển điện hạt nhân sẽ đồng bộ với quy hoạch phát triển điện đảm bảo mục tiêu an ninh cung cấp điện. Dự án điện hạt nhân là dự án quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, do Nhà nước đầu tư xây dựng và vận hành.

Việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định pháp luật khác. Các dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng để đảm bảo an toàn cao nhất.

Tuyết Nhung