Bẫy lừa từ các nhóm 'tư vấn sức khỏe' trên mạng xã hội

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:37, 24/10/2024

Vì nhiều lý do khác nhau, có những người không muốn đến bệnh viện để khám bệnh nên tìm đến các nhóm "tư vấn sức khỏe" trên mạng xã hội rồi bị sa vào bẫy lừa đảo, “tiền mất tật mang”.
Khoa học - công nghệ

Bẫy lừa từ các nhóm 'tư vấn sức khỏe' trên mạng xã hội

Tiểu Vũ 24/10/2024 19:37

Vì nhiều lý do khác nhau, có những người không muốn đến bệnh viện để khám bệnh nên tìm đến các nhóm "tư vấn sức khỏe" trên mạng xã hội rồi bị sa vào bẫy lừa đảo, “tiền mất tật mang”.

Hiện nay tình trạng lừa đảo trên các trang mạng xã hội diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau, điển hình có thể kể đến là tình trạng lừa đảo từ các nhóm kín “tư vấn sức khỏe”, hành vi này không chỉ khiến người dân thiệt hại về tài sản mà nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe vì có nguy cơ sử dụng phải thuốc giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

capture-20241024-174745.png
Chỉ cần gõ từ khóa "tư vấn sức khỏe" là hàng trăm nhóm xuất hiện - Ảnh: Chụp màn hình

Bà D.N.L ở TP.HCM (55 tuổi) bị bệnh xương khớp lâu năm nên có tham gia một số nhóm kín về tư vấn sức khỏe để giao lưu cũng như chia sẻ kinh nghiệm về căn bệnh của mình. Thời gian gần đây trên nhóm có đăng một số bài quảng cáo sản phẩm thuốc đông y, cam kết 100% hiệu quả. Thấy có khuyến mãi nên bà mua về sử dụng nhưng thứ nhận lại chỉ là bẫy lừa. Bà chia sẻ: “Tôi mắc bệnh khớp mấy năm rất là đau, thấy bên Facebook họ có quảng cáo thuốc trị nhức mỏi, tôi tò mò hỏi thì nhân viên rất nhiệt tình quảng cáo, xem những người đã sử dụng cũng có hiệu quả, thế là tôi chuyển khoản cho họ 1 triệu đồng. Sau đó mấy ngày sau họ chuyển thuốc cho tôi, tôi thấy thuốc hơi khác, tôi có đến phòng mạch để hỏi bác sĩ thì bác sĩ tư vấn là thuốc này hoàn toàn không có trị bệnh khớp”.

Ban đầu, các đối tượng mời tham gia vào các hội nhóm rồi gọi điện tư vấn mua thuốc đông y để chữa bệnh cùng chương trình khuyến mãi hấp dẫn, như được dùng thuốc miễn phí trong 5 năm và được bảo hiểm hoàn trả 80% tiền thuốc đã điều trị. Với tình trạng bệnh đã chữa trị lâu năm nhưng không khỏi và những lời mời có cánh trên mạng, các nạn nhân này đã bị đối tượng lừa đảo hàng triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, kẻ lừa đảo liền mất liên lạc.

capture-20241024-175415.png
Một tài khoản MXH đăng xét nghiệm nhờ tư vấn và nhận được câu trả lời - Ảnh:: Chụp màn hình

Thủ đoạn của các đối tượng này thường dùng là chia sẻ trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để mô tả tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm hoặc mô tả công dụng thực phẩm giống như một kinh nghiệm thực tế hay nhân chứng sống của người đã từng bị bệnh để tăng thêm sức thuyết phục.

ThS.BS Nguyễn Trương Minh Thế (Trường Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết: “Có những người bị mất tiền, uống những loại thuốc không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Rất nhiều trường hợp mua những sản phẩm, xem kỹ lại thành phần chỉ đơn giản là canxi hoặc là những sản phẩm thông thường nhưng giá rất cao, được quảng cáo với những "chức năng thần thánh" hoặc những phương pháp chữa bệnh rất phản khoa học. Người dân không có chuyên môn thì sẽ không phân biệt được cái nào là có lợi hay không có lợi. Họ nghĩ những người tư vấn cho họ là những người chuyên gia, có kinh nghiệm. Hậu quả là có thể bị mất tiền vì mua những sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng của những sản phẩm này không đảm bảo. Nghe theo những lời tư vấn như vậy dùng những sản phẩm không tốt sẽ sinh ra tình trạng bệnh nguy cấp hơn, nhanh hơn, tiến triển xấu hơn. Nhẹ thì mất tiền hoặc "tiền mất tật mang", còn nặng hơn nữa có thể nguy hiểm tính mạng”.

Có thể thấy hiện nay trên không gian mạng có rất nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi, hơn ai hết mỗi người dân khi sử dụng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác để tránh làm ảnh hưởng sức khỏe và thiệt hại tài sản của bản thân cũng như của những người xung quanh.

“Phải có ý thức nâng cao kiến thức về y khoa, phải tin tưởng vào các hệ thống phòng khám, bệnh viện chính quy thì lúc đó mới hạn chế được. Nếu không đến những cơ sở chính thống, cơ sở nhà nước cấp phép, bệnh viện mà tin theo những lời mà tư vấn trên mạng thì sẽ không kiểm soát được. Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì đã trễ” - ThS.BS Nguyễn Trương Minh Thế nói.

Tiểu Vũ