Bão Trà Mi khác với cơn bão thông thường thế nào?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:06, 27/10/2024

Khác với cơn bão thông thường, bão Trà Mi đi sâu vào đất liền, rồi khả năng quay ra Biển Đông nên gây mưa to, gió mạnh. Đây là điều mà các địa phương cần lưu ý trong công tác chỉ đạo, ứng phó.
Theo dòng thời sự

Bão Trà Mi khác với cơn bão thông thường thế nào?

Tuyết Nhung 27/10/2024 11:06

Khác với cơn bão thông thường, bão Trà Mi đi sâu vào đất liền, rồi khả năng quay ra Biển Đông nên gây mưa to, gió mạnh. Đây là điều mà các địa phương cần lưu ý trong công tác chỉ đạo, ứng phó.

Sáng 27.10, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và trực tuyến tới 8 địa phương: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum để chỉ đạo triển khai công tác ứng phó bão số 6 ( bão Trà Mi).

ddn1057-1729991687384521549017.jpg
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà họp trực tuyến với các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum về công tác ứng phó với bão số 6 - Ảnh: VGP

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 7 giờ ngày 27.10, vị trí tâm bão cách Đà Nẵng 75km, sức gió cấp 9 -10, giật cấp 12, di chuyển theo hướng tây, tốc độ 20km/giờ. Do tác động của bão số 6, gió cấp 8, giật cấp 10 tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị)

"Bão Trà Mi khác với các cơn bão thông thường là cơn bão này đổ bộ vào đất liền khu vực phía nam Quảng Trị đến bắc Quảng Nam rồi sẽ quay ra phía Biển Đông, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, do vậy gió mạnh trên biển sẽ kéo dài đến đêm mai 28.10, gây mưa to, gió mạnh nhiều nơi", ông Mai Văn Khiêm nói.

Dự báo trưa 27.10, bão Trà Mi sẽ đi vào đất liền khu vực Nam Quảng Trị - Đà Nẵng, vùng gần tâm bão có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; sâu hơn trong đất liền có thể có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng đông dịch chuyển ngược trở lại biển, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là vùng áp thấp và tan dần.

Cũng theo ông Khiêm, về lượng mưa sẽ kéo dài từ ngày 27.10 đến hết ngày 29.10. Cụ thể, dự báo tại Quảng Bình - Quảng Nam có lượng mưa từ 200-400mm, có nơi đến 600mm; các khu vực nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum mưa từ 150-250mm, có nơi trên 400mm; bắc Nghệ An, Gia Lai mưa từ 50-100mm, có nơi trên 150m.

Từ Quảng Bình - Quảng Ngãi sẽ có trên 30 huyện và khu đô thị với tổng số 365 xã có nguy cơ ngập lụt. Về lũ quét, sạt lở đất, do đặc điểm mưa diện rộng, kéo dài và lượng mưa tương đối lớn thì có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao đến rất cao.

Với diễn biến phức tạp của bão số 6 sau khi đổ bộ vào đất liền sẽ quay ra biển và có khả năng hình thành áp thấp hoặc cơn bão mới, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị hệ thống khí tượng thủy văn phải dự báo chính xác thời điểm bão đổ bộ, tuyến đê biển xung yếu để tập trung lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời khi có sự cố. Bên cạnh đó, do mưa lớn, kéo dài, các đài khí tượng thủy văn tiếp tục cập nhật lượng mưa, đưa ra cảnh báo cụ thể hơn cho người dân về khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Bộ Quốc phòng phối hợp, hỗ trợ các địa phương khẩn trương triển khai phương án dùng flycam bay kiểm tra, rà soát, phát hiện các vết nứt lớn, kéo dài tại những vùng có nguy cơ sạt lở do mưa lớn, kéo dài.

Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường phải nắm chắc thông tin lưu lượng nước tại các hồ, bổ sung dự báo của cơ quan khí tượng thuỷ văn quốc gia, các đài khí tượng thủy văn địa phương để điều tiết kịp thời, "không được để xảy ra tình trạng tất cả các hồ đều phải xả nước để bảo đảm an toàn".

Tuyết Nhung